Viện Tài nguyên môi trường biển xây dựng thành công Quy trình nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc trong môi trường nước lợ và chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, Chi cục Thuỷ sản Hải Phòng, Trung tâm khuyến nông Hải Phòng để áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân sản xuất nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng
Triển khai chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với TP. Hải Phòng, với mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Viện Tài nguyên môi trường biển triển khai đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tại Hải Phòng”, mã số UDNGDP 08/19-20 do TS. Nguyễn Xuân Thành làm chủ nhiệm. Sau 2 năm triển khai đề tài, quy trình nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc trong môi trường nước lợ đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, Chi cục Thuỷ sản Hải Phòng, Trung tâm khuyến nông Hải Phòng, đưa vào áp dụng rộng rãi ở các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân sản xuất nuôi trồng thủy sản. Đề tài đã được Hội đồng đã nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.
Đề tài đã xây dựng được kỹ thuật thành tạo và duy trì biofloc (BFL) trong môi trường nước lợ; Xây dựng được quy trình kỹ thuật, mô hình nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm bằng BFL trong môi trường nước lợ tại Hải Phòng với quy mô sản xuất. Các chỉ số môi trường của BFL được duy trì: ngưỡng độ mặn thí nghiệm từ 5 – 25‰ và không thấy có sự khác biệt lớn với mô hình thường. Tỷ lệ giữa carbon và nitơ trong công nghệ nuôi thâm canh cá rô phi ứng dụng BFT trong môi trường nước lợ khoảng từ 13,5/1 – 14,5/1. Mật độ cá rô phi nuôi trong hệ thống BFT nước lợ là 6 – 8 con/m2. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng quy trình kỹ thuật BFT nuôi thâm canh cá rô phi trong môi trường nước lợ với các thông tin sau: Mật độ cá nuôi 6 con/m2; Cá giống rô phi đơn tính đực, được thuần hóa độ mặn, phù hợp độ mặn ao nuôi, kích cỡ cá giống thả > 2g/con ( 4 – 6 cm); Thời gian nuôi trung bình 150 ngày/vụ; trọng lượng cá thu hoạch: > 500g/con; Tỷ lệ sống > 90%; Năng suất nuôi: > 30 tấn /ha; Hệ số thức ăn dao động từ: 1,22 – 1,3, kiểm soát được các chất hữu cơ gốc ni tơ (NH3, NO2..)… Quy trình đã được hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ..
Kết quả thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích cao hơn so với nuôi theo mô hình hiện nay tại địa phương, năng suất lao động tăng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh sản phẩm ứng dụng thực tiễn đề tài còn công bố 01 bài báo và hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận Giải pháp hữu ích.
VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BIỂN