Thứ Sáu, 3/12/2021, 7:00

Nuôi ốc hương, cá chình: Giải pháp hướng đến quy mô công nghiệp

Hai giải pháp của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện 3) tham gia tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX (2020-2021) về sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương đạt giải nhì và công nghệ nuôi thâm canh cá chình hoa đạt giải ba, đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn các đối tượng nuôi trồng thủy sản.

Sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương

Ốc hương là loài động vật thân mềm, có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, cũng là đối tượng xuất khẩu quan trọng. Vì vậy, nuôi ốc hương phát triển mạnh tại các tỉnh ven biển. Tuy nhiên, đến nay, người nuôi ốc hương chủ yếu sử dụng thức ăn tươi đánh bắt từ tự nhiên như: tôm, cá, nhuyễn thể… nên thường gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhóm các nhà khoa học của Viện 3 do Thạc sĩ Trần Thị Thu Hiền làm trưởng nhóm đã đề xuất triển khai giải pháp “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam”. Giải pháp đề ra mục tiêu: Xây dựng quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất thức ăn nuôi ốc hương từ enzyme và một số loại nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam để nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi ốc hương và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nuôi ốc hương bằng thức ăn công nghiệp.

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, trải qua nhiều lần thử nghiệm, nhóm đã xây dựng được quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương (giống và thương phẩm) như: bột cá, bột giáp xác, tinh bột và một số loại khoáng chất, vitamin…,  kết hợp với sử dụng enzyme hỗ trợ khả năng tiêu hóa thức ăn của ốc hương, công suất 500kg sản phẩm/mẻ. Thạc sĩ Hoàng Văn Duật – thành viên trong nhóm cho biết, việc tìm ra quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương thay thế cá tạp phần nào giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh để nghề nuôi ốc hương phát triển bền vững… Từ đó, dần thay đổi tư duy người nuôi, chuyển sang nuôi quy mô công nghiệp.

Nuôi cá chình bằng công nghệ RAS

Cá chình có giá trị dinh dưỡng cao, thơm, ngon, là đối tượng nuôi kinh tế. Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành nước có sản lượng cá chình lớn nhờ thuận lợi về khí hậu, nguồn nước và nguồn giống tự nhiên… Nhưng để đạt sản lượng cao cần đầu tư về mặt công nghệ, đặc biệt là công nghệ lọc sinh học RAS (công nghệ lọc sinh học RAS là hệ thống nước tuần hoàn, nhằm khắc phục hạn chế của công nghệ nuôi hở như: nuôi ao, bè… gặp bất lợi do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, năng suất thấp…), hiện tại chỉ mới áp dụng ở các nước phát triển. Vì vậy, tài liệu, thông tin, mô hình về RAS còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, công nghệ RAS sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình vận hành, giúp nuôi với mật độ cao, tăng năng suất, sản lượng, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn sản phẩm cho tiêu thụ và xuất khẩu. Vì thế, nhóm các nhà khoa học của Viện 3 gồm: Thạc sĩ Ngô Minh Khang, Thạc sĩ Hoàng Văn Duật, Kỹ sư Nguyễn Đức Tú đã đề xuất thực hiện Dự án “Hoàn thiện hệ thống thiết bị và công nghệ nuôi thâm canh cá chình hoa theo công nghệ RAS”.

Sau 3 năm triển khai, dự án đã thiết kế thành công hệ thống công trình và quy trình nuôi thâm canh cá chình hoa trong hệ thống bể tuần hoàn, tỷ lệ sống đạt hơn 85%; năng suất ổn định hơn 70 kg/m3; sản lượng 8,4 tấn/vụ; tái sử dụng nước trên 80%. Công nghệ của dự án có thể áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản lượng 8,4 tấn/100m3 nước, kích cỡ hơn 1kg/con. Thạc sĩ Khang cho biết, hệ thống vận hành xử lý nước gồm một số thiết bị chính như: Bộ lọc, máy diệt khuẩn, các thiết bị cung cấp ôxy; máy bơm tuần hoàn nhằm tăng cường hệ thống quản lý, vận hành môi trường đảm bảo cá chình sống tốt, sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Đây là công nghệ tuần hoàn giúp tiết kiệm nước, ổn định hiệu quả sản xuất, tỷ lệ thành công có thể lên đến 100%; góp phần nâng tỷ lệ sống, mật độ nuôi gấp hơn 10 lần so với công nghệ nuôi truyền thống; quy trình sản xuất thức ăn đơn giản, thức ăn ít tan trong nước, tăng khả năng tiêu hóa, giảm ô nhiễm; công thức thức ăn đảm bảo các chỉ tiêu về dinh dưỡng, độ kết dính, độ nổi…; vận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương…

Theo nhóm nghiên cứu, việc sử dụng các vật liệu lọc rẻ tiền, có sẵn để thiết kế bể lọc sinh học theo công nghệ RAS thể hiện tính sáng tạo của giải pháp. Hiện tại, mô hình tiếp tục được triển khai tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân (thôn Suối Lau, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm). Việt Nam là nước có nguồn giống cá chình hoa với sản lượng hơn 10 triệu con/năm. Nếu áp dụng công nghệ nuôi thâm canh theo công nghệ RAS, sử dụng thức ăn công nghiệp, sản lượng có thể đạt 9.000 – 10.000 tấn với chất lượng hoàn toàn sạch. Với quy mô này cần 4.000ha mặt nước và khoảng 40.000 lao động, chưa kể cần một lượng lớn lao động làm việc tại các nhà máy sản xuất thức ăn và các hoạt động dịch vụ thương mại từ nghề nuôi cá chình thương phẩm…

V.L

Báo Khánh Hòa