Thứ Hai, 16/12/2024, 10:10

Chọn tạo giống hàu sữa tăng trưởng nhanh

Thông qua đề tài chọn tạo giống hàu sữa do Sở KH&CN TP.HCM tài trợ, các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II không chỉ phát triển thành công giống hàu có tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, mà còn giúp định danh chính xác tên loài hàu sữa được nuôi phổ biến tại Việt Nam, khắc phục sự nhầm lẫn kéo dài trong nhiều năm qua.

Mô hình nuôi thử nghiệm giống hàu sữa. Nguồn: Sở KH&CN TP.HCM

Nhầm lẫn tên các loài hàu

Nếu hỏi những người nuôi hàu ở Việt Nam hiện đang sử dụng giống hàu gì, có lẽ hầu hết câu trả lời sẽ là hàu Thái Bình Dương – được coi là giống hàu phổ biến nhất trong các vùng nuôi hàu ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết đều đã gọi nhầm. “Bằng công nghệ gene, chúng tôi đã thu thập mẫu hàu trên khắp cả nước và phân tích, kết quả xác định loại hàu đang được nuôi trồng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là hàu sữa/hàu Bồ Đào Nha (Crassostrea angulata) chứ không phải là hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) như từ trước đến nay vẫn gọi”, ThS. Nguyễn Thành Luân ở Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Nam Bộ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, chia sẻ.

Đây là một trong những kết quả thuộc đề tài “Nghiên cứu chọn giống tăng trưởng hàu sữa (Crassostrea angulata) và thử nghiệm nuôi thích nghi hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas Thunberg, 1973) tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ” (2022-2024) do Sở KH&CN TP.HCM tài trợ. “Mục tiêu của đề tài là chọn tạo được giống hàu sữa (Crassostrea angulata) có tốc độ sinh trưởng nhanh. Đồng thời đánh giá thích nghi của hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) với điều kiện nuôi tại TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao hiệu quả kinh tế và tính bền vững của nghề nuôi hàu sữa (Crassostrea angulata)”, anh cho biết. Và tất nhiên, để chọn được giống hàu tốt, các nhà nghiên cứu phải bắt đầu từ việc xác định đúng giống mục tiêu.

Với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, có giá trị kinh tế cao, hàu là một trong những mặt hàng thủy sản tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian gần đây. Khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lao dốc trong nửa đầu năm 2023, hàu là một trong những mặt hàng hiếm hoi bứt phá, tăng 100% về lượng và 81% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Tiếp nối thành công, xuất khẩu hàu năm nay tiếp tục tăng cao, chỉ trong vòng năm tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 7 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.

ThS. Nguyễn Thành Luân (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn nghiệm thu đề tài. Nguồn: Sở KH&CN TP.HCM

Rất có thể, những con số ấn tượng này sẽ chỉ còn là quá khứ nếu chúng ta tiếp tục gắn nhầm tên của các loài hàu. “Việc nhầm tên như vậy sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy về sau, bao gồm cả vấn đề khoa học lẫn thương mại, đặc biệt khi xuất khẩu hàu sang những quốc gia phát triển thường yêu cầu cao về vấn đề an toàn sinh học. Họ có thể lấy mẫu kiểm tra, khi thấy không khớp với thông tin khai báo, họ có thể cho rằng mình không trung thực, không uy tín, có thể ảnh hưởng đến vấn đề an toàn sinh học hoặc đa dạng sinh học ở đó. Như vậy sẽ rất nguy hiểm”, ThS. Nguyễn Thành Luân phân tích.

Việc nhầm tên của loài hàu phổ biến ở Việt Nam xuất phát từ cách phân loại dựa trên hình thái trước đây. ThS. Luân cho biết, khi hai loài hàu này (Crassostrea angulataCrassostrea gigas) được du nhập vào Việt Nam cách đây gần 20 năm, vào thời điểm đó, người ta thường định danh loài bằng hình thái học, chưa sử dụng công nghệ gene. Cũng giống như nhiều loài sinh vật khác, hai loài hàu này có nhiều đặc điểm hình thái tương đồng với nhau. Do vậy, rất khó để xác định chính xác từng loại dựa trên hình thái.

Để khắc phục vấn đề này, ThS. Nguyễn Thành Luân và các cộng sự đã ứng dụng chỉ thị phân tử COI (Cytochrome C oxidase subunit I) trong định danh loài hàu. Với nhiều ưu điểm như đoạn trình tự ngắn, có thể giải trình tự nhanh chóng, ít tốn kém; trật tự nucleotide trong đoạn COI có tính bảo tồn và tỷ lệ tiến hóa tương đối cao; tồn tại số lượng lớn bản sao trong tế bào, vùng không mã hóa chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ thị phân tử COI thường được dùng để xác định sự đa dạng sinh học, phân tích các mối quan hệ tiến hóa và biến động di truyền trong loài và giữa các loài sinh vật. Kết quả cho thấy, loài hàu được gọi là hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) đang được nuôi phổ biến tại Việt Nam chính là loài hàu sữa Bồ Đào Nha (Crassostrea angulata).

Nâng cao chất lượng nguồn giống

Việc xác định đúng tên chỉ là một trong vô số công việc mà nhóm nghiên cứu cần thực hiện. Mục tiêu chính mà họ hướng đến là chọn tạo giống hàu tốt hơn. Mặc dù là công đoạn quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi song chọn tạo giống vẫn là điểm nghẽn của ngành nuôi hàu nói riêng cũng như sản xuất nông nghiệp nói chung. Đơn cử tại một trong những vùng nuôi hàu lớn ở Việt Nam như vùng Đông Nam Bộ, chất lượng giống hàu vẫn còn nhiều hạn chế. “Nguồn hàu bố mẹ hầu như được tuyển chọn tại các bè nuôi thương phẩm, có nguy cơ thế hệ con bị cận huyết, dẫn đến hiện tượng thoái hóa giống”, theo kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu (Crassostrea spp.) ở vùng Đông Nam Bộ của các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II vào năm 2022. “Hàu giống có kích cỡ khá đồng đều, có màu xám đen đặc trưng và tỷ lệ dị hình thấp (<5%), nhưng thực tế con giống vẫn chưa được kiểm soát chất lượng. Việc không đáp ứng được chất lượng và số lượng con giống khiến nghề nuôi hàu thương phẩm gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng thêm diện tích vùng nuôi, quản lý và ổn định chất lượng sản phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu rủi ro và tăng giá trị lợi nhuận cho người nuôi”.

Chọn tạo giống luôn là một bài toán khó, vừa phức tạp về mặt chuyên môn kỹ thuật, vừa tốn nhiều chi phí và thời gian. “Chọn giống là một trong những chủ đề khó nhất trong lĩnh vực sinh học, đặc biệt là chọn giống thủy sản. Động vật trên cạn thường dễ hơn, chẳng hạn như các loài gia súc sinh sản cũng chỉ vài chục con, nhưng các loài thủy sản như một con cá, con hàu có thể đẻ ra hàng trăm ngàn trứng, nên sẽ khó hơn. Đấy là lý do tại sao trên thế giới bây giờ không có nhiều chương trình chọn giống trên đối tượng thủy sản”, ThS. Nguyễn Thành Luân cho biết.

Dưới sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM, kết hợp với đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc sẵn có ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ chỉ thị phân tử microsatellite (5 chỉ thị) đánh giá đa dạng di truyền quần thể, từ đó ước tính các thông số di truyền và chọn lọc được 1.400 con hàu bố mẹ hậu bị, 1.000 con bố mẹ từ 13 tổ hợp phối có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, làm nguồn vật liệu ban đầu cho các thế hệ sau.

Điểm mấu chốt để chọn tạo giống thành công nằm ở bộ chỉ thị microsatellite (vùng lặp lại đơn giản – SSR, là chuỗi mã di truyền lặp lại rất đơn giản được phân bố ngẫu nhiên trong hầu hết hệ gene trên tất cả các nhiễm sắc thể). Khác với chỉ thị phân tử COI, microsatellite là chỉ thị phân tử thường dùng để đánh giá đa dạng di truyền của các cá thể trong cùng quần đàn và giữa các quần đàn khác nhau. “Mức độ đa dạng di truyền rất quan trọng với chọn giống, sẽ tác động trực tiếp đến quần đàn con cái về sau. Chẳng hạn, càng đa dạng di truyền thì càng tránh được tình trạng cận huyết, quần đàn sẽ khỏe mạnh hơn”, ThS. Nguyễn Thành Luân giải thích. “Bộ chỉ thị này có thể dùng để tầm soát nguồn bố mẹ đầu vào trước khi thực hiện một chương trình chọn giống. Ngoài ra, bộ chỉ thị này cũng có thể dùng để đánh giá quần đàn sau này còn tốt hay không, có cần bổ sung thêm nguồn vật liệu [di truyền] mới để tăng tính đa dạng di truyền không”.

Kết quả nuôi thử nghiệm ở Vũng Tàu và Cần Giờ cho thấy tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của giống hàu sữa do nhóm nghiên cứu chọn tạo đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, thế hệ G1 của hàu sữa có mức tăng trưởng 51,55% tại Vũng Tàu, tỷ lệ sống cao nhất là 72,58%. Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng thành công mô hình nuôi tăng trưởng nhanh đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học trong điều kiện thực tế ở Vũng Tàu và Trần Đề (Sóc Trăng) với năng suất thu hoạch tăng lên từ 29,57 – 32,45% ở hàu chọn giống so với hàu đối chứng.Kết quả này không chỉ mở ra triển vọng lớn cho nghề nuôi hàu mà còn hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu quốc tế.

Thành công của dự án đã mang đến những cơ hội mới trong việc nâng cao năng suất và giá trị kinh tế của ngành nuôi hàu Việt Nam. Liệu trong một tương lai không xa, người nuôi hàu trong nước có thể tiếp cận với những giống hàu chất lượng và hiệu quả hơn? Điều này sẽ phụ thuộc vào yếu tố, bao gồm cả nguồn đầu tư để tiếp tục hoàn thiện, triển khai các thế hệ giống hàu tiếp theo. “Chắc chắn còn nhiều thứ cần hoàn thiện lắm. Mặc dù đã đạt được hiệu quả nhất định song chúng tôi cũng cố gắng có thêm các nguồn lực để tiếp tục thực hiện chương trình chọn giống bằng những công nghệ di truyền mới để rút ngắn thời gian chọn lọc, tăng nhanh hiệu quả sản xuất”, ThS. Nguyễn Thành Luân bày tỏ. “Qua đây, nhóm nghiên cứu cũng muốn gửi lời cảm ơn tới Sở KH&CN TP.HCM đã tài trợ nguồn kinh phí thực hiện nghiên cứu này, đây có thể là tiền đề mở ra một giai đoạn phát triển mới, bền vững hơn cho nghề nuôi hàu sữa Việt Nam trong tương lai”.

Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)

Nguồn: Thanh An (Khoa học và Phát triển)