(Aquaculture.vn) – Hợp tác nghiên cứu nhằm mục tiêu giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi cá tra và cá rô phi thông qua một số biện pháp can thiệp cụ thể, từ đó góp phần phát triển nghề nuôi cá tra và cá rô phi bền vững tại Việt Nam.
Ngày 28/02/2024, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế về Giải pháp giảm thiểu kháng kháng sinh Đan Mạch (ICARS) và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA I) tổ chức họp khởi động chương trình hợp tác nghiên cứu “Giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi cá tra và cá rô phi ở Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Trung tâm ICARS. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I là đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Trường Đại học Cần Thơ. Hợp tác nghiên cứu kéo dài trong 3 năm (2024-2027) với tổng kinh phí là 631.050 USD.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) nhận định, cá tra và cá rô phi là hai đối tượng nuôi phổ biến tại Việt Nam. Trong đó, cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực và cá rô phi đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm lớn cho thị trường nội địa, một phần cho xuất khẩu. Tuy nhiên, để đạt được sản lượng lớn cho hai ngành này, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp như biến đổi khí hậu, dịch bệnh thủy sản và đặc biệt là lạm dụng kháng sinh trong quá trình nuôi và điều trị bệnh.
“Hoạt động hợp tác nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững nghề nuôi cá tra và cá rô phi Việt Nam nói riêng mà còn đóng góp sứ mệnh hoàn thiện chuỗi thương hiệu thủy sản Việt Nam nói chung. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu có vai trò đóng góp tích cực tới phát triển cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, ông Phạm Ngọc Mậu nhận định.
Theo GS. Anders Dalsgaard, Tư vấn Khoa học cao cấp ICARS, ngành nuôi trồng thủy sản đang hướng tới sự bền vững. Hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Đan Mạch sẽ hướng tới một trong những khía cạnh của sự bền vững đó là giảm sử dụng kháng sinh.
“Qua nhiều kênh thông tin bao gồm cả làm việc với người nông dân, chúng tôi thấy rằng cá tra và rô phi nuôi thường xảy ra bệnh, dịch bệnh trong qua trình nuôi và giải pháp sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị đã được áp dụng. Trong khi đó, sử dụng vắc xin phòng bệnh hay áp dụng công nghệ cao là các giải pháp hữu ích được các nước có nghề nuôi thủy sản phát triển áp dụng hiệu quả trong giảm bệnh, dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên điều này còn hạn chế tại Việt Nam, bởi vậy, tham gia vào hợp tác nghiên cứu này, chúng tôi muốn hiểu biết thêm về bệnh, nguyên nhân bệnh ở cá tra, cá rô phi, sử dụng kháng sinh, các thách thức liên quan đến giảm sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, đặc biệt đánh giá tính khả thi của sử dụng can thiệp vắc xin, IPRS trong nuôi cá tra và cá rô phi nhằm giúp giảm sử dụng kháng sinh, từ đó đưa ra những khuyến cáo phù hợp thông qua đề xuất thay đổi chính sách, quy định cần thiết để hỗ trợ thực hiện can thiệp được hiệu quả và nhân rộng trong tương lai”, GS. Anders chia sẻ.
Hợp tác nghiên cứu sẽ tập trung vào hai đối tượng chính là cá tra và cá rô phi . Đối với cá tra, nghiên cứu áp dụng tiêm vắc xin phòng bệnh do E. ictaluri và A. hydrophila gây ra, trong khi đó, cá rô phi áp dụng công nghệ Inpond Raceway System (IPRS) do Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) phổ biến.
GS. Nguyễn Thanh Phương đại diện cho nhóm nghiên cứu cá tra trong Hợp tác nghiên cứu này nêu rõ một trong những thách thức chính hiện nay của nghề nuôi cá tra là dịch bệnh. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi, tỷ lệ sống của cá hiện nay chỉ đạt được <65%. Có đến hơn 90% hộ nuôi báo cáo cá nuôi xuất hiện bệnh gan thận mủ (BNP) và bệnh xuất huyết phù đầu (MAS) với biểu hiện bệnh lý điển hình như tên gọi của bệnh. Kháng sinh cũng được ghi nhận sử dụng ở hộ nuôi, ví như Doxycycline sử dụng ở quy mô nuôi nhỏ đến lớn giao động 46,7-61,1%.
“Để giảm tỷ lệ xuất hiện bệnh, giảm sử dụng kháng sinh, tăng tỷ lệ sống thì vắc xin có vai trò quan trọng. Trong thực tế tại phía Nam, vắc xin Alpha Ject Panga2 (Pharmaq, Zoetis), có hiệu quả kiểm soát bệnh do E. ictaluri và A. hydrophila gây ra, giúp tăng tỷ lệ cá sống >85%, giảm và không sử dụng kháng sinh trong suốt giai đoạn sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên đến nay sự nhân rộng, phổ biến sử dụng vắc xin tiêm cho cá tra vẫn còn khiêm tốn, thông qua hợp tác nghiên cứu này chúng tôi sẽ chỉ ra được những thách thức hạn chế của việc phổ biến/mở rộng áp dụng vắc xin trong phòng bệnh ở cá tra”, GS. Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh.
TS. Bùi Ngọc Thanh, đại diện cho nhóm nghiên cứu rô phi trong Hợp tác nghiên cứu này chia sẻ, giải pháp công nghệ IPRS đã và đang được áp dụng rộng rãi tại 19 quốc gia trên thế giới. Công nghệ IPRS được triển khai từ năm 2013 và đang được áp dụng phổ biến tại Trung Quốc với khoảng 13.000 máng nuôi. Đây là công nghệ hoạt động dựa trên nguyên tắc khoa học và khép kín. Cá nuôi trong thể tích nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng thể tích nước. Nhờ vậy, việc quản lý nuôi và xử lý dịch bệnh sẽ dễ dàng hơn so với hình thức nuôi truyền thống.
“Chúng tôi tin rằng, nguyên tắc hoạt động của công nghệ IPRS sẽ giúp tác động giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh. Hợp tác nghiên cứu này cũng là cơ hội để chúng tôi đánh giá mức độ tác động của IPRS trong việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và yếu tố ảnh hưởng khả năng nhân rộng của công nghệ trong thực tế. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để rà soát lại những vướng mắc về quy định, chính sách hiện hành ảnh hưởng nhân rộng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam hiện nay”, TS. Bùi Ngọc Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, IPSARD sẽ tham gia với vai trò thực hiện các phân tích về chính sách hành vi của việc áp dụng IPRS và vắc xin. Đồng thời, đề xuất những thay đổi về chính sách và quy định để hỗ trợ việc áp dụng các biện pháp can thiệp và nỗ lực giảm sử dụng kháng sinh dựa trên phân tích các tài liệu hiện có và các biện pháp can thiệp áp dụng.
“Một trong những mục đích mà nhóm nghiên cứu hướng tới bao gồm cải thiện các chính sách, chương trình để duy trì thực hành can thiệp, duy trì giảm sử dụng kháng sinh đối với nuôi nuôi cá tra và cá rô phi tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Anh Phong, đại diện IPSARD nhận định.
Đại diện đơn vị chủ trì, PGS. TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản I khẳng định, sự hỗ trợ từ ICARS là cơ hội để các cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý có được cái nhìn tổng quan về việc sử dụng kháng sinh trong nuôi cá rô phi và cá tra tại Việt Nam. Từ đó giúp đưa ra những khuyến cáo và chính sách phù hợp hỗ trợ cho người nuôi, doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Việc sử dụng kháng sinh tràn lan, không đúng cách sẽ vô tình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đầu ra của sản phẩm thủy sản, tác động trực tiếp đến môi trường, hệ sinh thái. Kháng sinh có thể tồn lưu rất lâu trong môi trường nuôi, thậm chí để lại dư lượng trong sản phẩm thủy sản dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh của các loài vi khuẩn gây bệnh chính trên cá. Chính vì vậy, hoạt động hợp tác nghiên cứu “Giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi cá tra và cá rô phi ở Việt Nam” do ICARS tài trợ có ý nghĩa rất lớn đối với người nuôi trồng thủy sản cũng như cho việc phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Sau cuộc họp khởi động Hợp tác nghiên cứu, nhà tài trợ cùng các đơn vị phối hợp đã có chuyến thăm thực tế mô hình IPRS tại Hà Nam, Hà Nội và mô hình áp dụng tiêm vắc xin cá tra ở Long An và Tiền Giang.
Phạm Huệ