Thứ Tư, 6/03/2024, 7:00

Nuôi lươn sinh sản kết hợp trùn chỉ đỏ tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận

Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã và đang áp dụng các mô hình nuôi thuỷ sản nhằm thay thế nguồn lợi tự nhiên. Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn ngày càng được nhiều nông dân lựa chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình vì chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc mà lại cho lợi nhuận cao.

Hội Nông dân tỉnh và chính quyền địa phương tham quan mô hình nuôi lươn của hộ ông Kiệt.

Cũng là mô hình nuôi lươn không bùn như nhiều hộ nông dân khác, nhưng hộ ông Hồ Anh Kiệt, ngụ khu phố Lộc Vĩnh, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng lại có bước đột phá. Không chỉ xuất bán lươn thịt thương phẩm mà ông còn chủ động nguồn con giống và kết hợp nuôi trùn chỉ đỏ, trùn quế làm nguồn thức ăn tại chỗ, giúp tiết giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Nhận thấy hiệu quả và nhu cầu thịt lươn trên thị trường rất lớn, từ năm 2018, ông Kiệt quyết định đâu tư hai bể lót bạt nhập lươn thịt về nuôi. Sau hơn 1 năm nuôi lươn thịt phải tốn khá nhiều chi phí đầu tư, ông Kiệt chuyển sang nuôi lươn giống sinh sản nhằm chủ động nguồn cung con giống thương phẩm tại chỗ.

Hiện nay, gia đình ông Kiệt có 2 trang trại nuôi lươn tại Củ Chi (Thành phố Hồ CHí Minh) và tại khu phố Lộc Vĩnh, phường Lộc Hưng.

Trong đó, trang trại tại khu phố Lộc Vĩnh, phường Lộc Hưng có tổng diện tích khoảng 5.000m2, với vừa nuôi lươn bố mẹ để sinh sản và ương nuôi lươn con giống, lươn thịt thương phẩm.

Theo ông Kiệt, với 1 tấn lươn bố mẹ sẽ cho ra khoảng 200.000 – 300.000 lươn con. Với diện tích 5.000m², mỗi năm cho ra khoảng 1 triệu con giống. Giá thành một con giống từ 3.000 – 3.500 đồng (tuỳ thời điểm, có thời điểm lên đến 5.000 – 6.000 đồng một con giống). Ông đạt doanh thu từ lươn giống mỗi năm khoảng 2,5 tỷ đồng.  Trừ các khoản chi phí, ông có lợi nhuận rơi vào khoảng 500 triệu đồng/năm (vào thời điểm giá lươn thấp).

Với khoảng 6.000 con lươn giống, sau 8 tháng nuôi có thể thu hoạch. Sản lượng lươn thu hoạch từ 6.000 con lươn giống là khoảng 1 tấn lươn thương phẩm; doanh thu khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (con giống, điện, nước, thức ăn…) lợi nhuận đạt khoảng 30 triệu đồng.

Công nhân thả trùn quế cho lươn ăn.

Bên cạnh việc chủ động nuôi lươn sinh sản, ông Kiệt còn nghiên cứu sử dụng nguồn nước thải từ hoạt động nuôi lươn để nuôi trùn chỉ đỏ và trùn quế, tạo nguồn thức ăn tại chỗ, giảm chi phí thức ăn cho lươn và gia tăng lợi nhuận.

Để bảo đảm nguồn nước sạch cho lươn phát triển, hằng ngày ông Kiệt phải xả bỏ một phần nước trong bể để thay bằng nguồn nước mới. Trong khi đó, lượng nước xả thải từ hoạt động chăn nuôi lươn có một lượng chất hữu cơ rất lớn từ phân lươn và thức ăn dư thừa.

Nhằm tiết kiệm chi phí thức ăn trong quá trình chăn nuôi, ông Kiệt tận dụng nguồn nước thải này để nuôi trùn chỉ đỏ và trùn quế làm thức ăn cho lươn, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí nhưng vẫn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cho lươn phát triển khoẻ mạnh.

Theo ông Kiệt, những năm trước, khi giá lươn cao (khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg) thì việc cho lươn ăn cám vẫn còn có lời, nhưng hơn 2 năm nay, giá lươn chỉ còn khoảng 85.000 – 100.000 đồng/kg thì việc cho lươn ăn thức ăn công nghiệp rất khó để người nuôi có lợi nhuận. Chính vì vậy, việc ông tận dụng nguồn nước thải từ nuôi lươn để nuôi trùn chỉ đỏ và trùn quế đã giúp tiết kiệm được chi phí và gia tăng lợi nhuận.

Khu nuôi trùn chỉ đỏ của hộ ông Kiệt.

Ông Nguyễn Văn Bình- Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Hưng cho biết, mô hình nuôi lươn mang hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với nhiều hộ có diện tích đất sản xuất ít; vốn đầu tư không quá cao, cho thu nhập tương đối ổn định… Đây là hướng đi phù hợp, giúp nông dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phạm Văn Hải– Phó Chủ tịch UBND phường Lộc Hưng đánh giá, ông Hồ Anh Kiệt là nông dân đầu tiên triển khai mô hình nuôi lươn sinh sản tại địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để ông Kiệt nhân rộng mô hình phát triển kinh tế.

Thiện Đức

Báo Tây Ninh