Thứ Sáu, 9/06/2023, 8:00

Đồng Nai: Tồn đọng 1.000 tấn cá nước ngọt, nông dân thấp thỏm lo

Người dân nuôi cá bè tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa vớt cá nuôi lồng bè chết.

Giao mùa, thời tiết nắng nóng gay gắt rồi xuất hiện nhiều đợt mưa to là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi cá nước ngọt trong lồng bè tại phường Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đang xảy ra tình trạng cá chết.

Người dân nuôi cá bè tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa vớt cá nuôi lồng bè chết.
Người dân nuôi cá bè tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa vớt cá nuôi lồng bè chết.

Người nuôi cá bè tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, (tỉnh Đồng Nai)càng gặp khó khăn khi từ đầu năm đến nay, giá cá bán ra thấp vẫn khó tiêu thụ, hiện làng nuôi cá nuôi lồng bè Hiệp Hòa còn tồn hơn 1 ngàn tấn cá chờ thu hoạch khiến nguy cơ cá chết hàng loạt tăng cao.

Hơn 1.000 tấn cá nước ngọt chờ thu hoạch

Trước giai đoạn giao mùa, người nuôi cá bè thường chủ động thu hoạch các lứa cá trưởng thành để hạn chế rủi ro cá chết.

Nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, thị trường tiêu thụ chậm nên đa số các bè nuôi ở phường Hiệp Hòa đều rơi vào tình trạng cá quá lứa vẫn không thể thu hoạch dù đang bán dưới giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Hồng Văn, hộ nuôi cá bè tại phường Hiệp Hòa hiện còn tồn khoảng 30 tấn cá trắm, cá chép quá lứa thu hoạch lo lắng: “Khi thị trường tiêu thụ tốt, tôi gọi là thương lái đến mua ngay nhưng giờ phải chờ cả tháng mới đến lượt. Mỗi đợt bắt cá thương lái cũng mua nhỏ giọt chứ không thu hết như trước. Chúng tôi như đang ngồi trên lửa vì cá quá lứa càng nuôi càng lỗ, nhất là trong tình trạng có nguy cơ mất trắng vì cá chết như hiện nay”.

Ông Nguyễn Hồng Vy, vừa là thương lái thu mua vừa là hộ nuôi cá bè tại phường Hiệp Hòa cho biết, gia đình đang nuôi 30 lồng cá với sản lượng thu hoạch từ 5-7 tấn/lồng.

Hiện ông còn tồn khoảng 50 tấn cá chép, cá trắm trọng lượng lớn cần thu hoạch nhưng buộc tiếp tục trữ lại bè vì phải ưu tiên mua cá cho các hộ nuôi bán cá lâu năm cho mình. Trước dịch Covid-19, bình quân ông thu mua 4-5 tấn cá/ngày thì sau dịch chỉ còn hơn 1 tấn/ngày vì thị trường tiêu thụ chậm. Hiện nguồn cá nước ngọt từ miền Tây xuất ra thị trường rất nhiều càng khó khăn trong cạnh tranh về đầu ra.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai, hiện tổng sản lượng cá đạt kích cỡ thu hoạch trong lồng bè nuôi tại phường Hiệp Hòa còn hơn 1.000 tấn. Trong đó, cá có trọng lượng lớn bị tồn lại nhiều.

Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai đo mẫu nước trong bè nuôi cá tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai đo mẫu nước trong bè nuôi cá tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Hồi hộp, thấp thỏm lo âu vì cá chết

Theo người nuôi cá bè, gần 1 tháng qua, các bè nuôi cá xảy ra hiện tượng cá bỏ ăn, nhiều thời điểm nước đứng hoặc nước cạn cá nổi đầu sau đó xuất hiện tình trạng cá chết rải rác. Vài ngày trở lại đây, một số bè nuôi có tỷ lệ cá chết nhiều khoảng vài tạ/ngày. Hiện tượng cá chết chủ yếu xảy ra ở cá có trọng lượng lớn và tập trung tại một số bè nuôi khu vực gần bờ, nước cạn hoặc đoạn giữa vùng nuôi.

Ông Nguyễn Hồng Vy cho biết thêm, hơn 20 ngày trở lại đây, bè cá của ông bắt đầu xuất hiện cá chết rải rác trong ngày và tỷ lệ cá chết mỗi ngày mỗi tăng. Vài ngày gần đây, bè của ông chết hơn 1 tạ cá/ngày.

Cùng nỗi lo, hộ nuôi cá bè của ông Hoàng Văn Hồng cũng còn tồn khoảng 30 tấn cá trắm, cá chép đến kỳ thu hoạch chia sẻ: “Mấy đêm gần đây, tôi hầu như phải thức trắng cho chạy máy oxy và canh cá. Vài ba ngày gần đây, bè của tôi chết 500-600 kg cá/ngày, chủ yếu đều là cá có trọng lượng lớn. Đến nay, bè cá của tôi đã thiệt hại hơn 1 tấn cá”.

Ông Hồng cho biết thêm, từ sau dịch Covid-19 đến nay, vùng nuôi cá bè mới xuất hiện lại tình trạng cá chết nhiều như hiện nay. Năm ngoái cũng thời kỳ giao mùa, lượng cá chết không đáng kể. Trong khi năm nay, tình trạng cá chết tăng hơn. Người nuôi rất lo vì trước đây cá chỉ nổi đầu khi nước đứng hoặc nước cạn nhưng hiện nay, ngay cả khi nước chảy cá cũng có hiện tượng nổi đầu vì thiếu oxy.

Ông Phạm Khắc Bình, người nuôi cá bè tại P.Hiệp Hòa vừa vớt con cá trắm nặng 4-5 kg vừa xót xa so sánh, con cá trắm này thương lái hiện đang trả khoảng 70 ngàn đồng/kg, ra chợ bán được cả 100 ngàn đồng/kg nhưng bị ngộp chết có bán cũng chỉ còn 20-30 ngàn đồng/kg. Nhờ bè của ông cho chạy máy sục oxy liên tục, lượng cá còn lại trong bè cũng không nhiều nên tỉ lệ cá chết không cao, đến nay, thiệt hại khoảng vài tạ cá.

Đặc biệt hiện nay có tình trạng người nuôi cá bè tại xã Hiệp Hòa đang tận dụng cá chết để nấu lại làm thức ăn cho cá hoặc vứt trực tiếp ra môi trường làm tăng nguy cơ ô nhiễm cục bộ. Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, người nuôi cần thu gom cá chết lên bờ, xử lý vôi bột đồng thời thu gom, xử lý, dọn vớt rác, vệ sinh lưới lồng thông thoáng để bảo vệ môi trường và hạn chế xảy ra dịch bệnh.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai, hiện tượng cá chết xảy ra rải rác khoảng từ ngày 10-5, chủ yếu là các hộ nuôi cá lồng bè gần bờ với loại cá chết chủ yếu là cá chép, trắm cỡ lớn, trung bình từ 5-7kg/con. Tổng số cá thiệt hại trong 20 ngày qua khoảng 40-50 tấn, tương đương khoảng 4%.

Tình trạng cá chết diễn ra rải rác trong ngày chứ chưa có bè nuôi nào xảy ra hiện tượng cá chết đồng loạt. Người nuôi cá bè cũng chủ động theo dõi, những ô bè có hiện tượng cá nổi đầu, xuất hiện tình trang bị ngộp đa số đều được vớt lên. Tuy nhiên, giá cá ngộp bán ra hiện chỉ ở mức từ 20-30 ngàn đồng/kg, trong khi giá cá sống bán được từ 40-70 ngàn đồng/kg.

Phan Anh

Nguồn: Báo Đồng Nai