Nga là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho ngành thủy sản của Việt Nam, trong đó, thủy sản nhập vào Nga tăng rất mạnh cả về lượng và giá trị.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu thủy sản của Nga trong 9 tháng năm 2021 đạt 481,8 nghìn tấn, trị giá 1,77 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với 9 tháng năm 2020. Quần đảo Faroe, Belarus, Chile, Trung Quốc và Việt Nam là những thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Nga tính về lượng trong 9 tháng năm 2021.
Trong 9 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Nga từ Việt Nam tăng 79,8% về lượng và tăng 67,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 37 nghìn tấn, trị giá 130,8 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Nga chủ yếu là các sản phẩm cá tra, cá basa phi-lê; cá tầm đông lạnh; cá thờn bơn, cá trích, cá mòi ướp lạnh; mực, bạch tuộc đông lạnh. Đối với 2 mã sản phẩm xuất khẩu lớn nhất là thịt cá đông lạnh khác (không bao gồm phi lê) (HS 030499) và tôm đông lạnh (HS 030617), Việt Nam đều được hưởng mức thuế 0%, trong khi thuế MFN (thuế tối huệ quốc) là 5% (nhưng không dưới 0,1 euro mỗi kg) và thuế ưu đãi dành cho các nước GSP là 3,75%.
Tuy nhiên, các rào cản phi thuế quan (như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng…) mà Nga đang áp dụng đối với thủy sản của Việt Nam tương đối chặt chẽ, dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam còn hạn chế so với các quốc gia khác. Hiện Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga, trong tổng số 172 doanh nghiệp Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký với Nga.
Ngoài ra, việc không cho phép tồn dư Oxytetracyline trong thủy sản và mức giới hạn mặc định để xử lý lô hàng vi phạm là 10 ppb chặt hơn mức cần thiết so với quy định của Ủy ban CODEX (cho phép mức tồn dư trong thủy sản MRL là 200 ppb) và EU (cho phép mức tồn dư trong thủy sản MRL là 100 ppb); Đối với chỉ tiêu hóa chất cấm Malachite Green/Leuco Malachite Green, mức giới hạn mặc định để xử lý lô hàng vi phạm là 1 ppb, chặt hơn mức cần thiết so với quy định của EU (MRPL là 2 ppb).
Mặc dù hiện nay, Liên bang Nga là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng Cục Kiểm dịch động thực vật (FSVPS) vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu chưa phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Cụ thể như: Trình tự, thủ tục kiểm tra, công nhận các DN vào Danh sách được phép chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và các hướng dẫn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm của Liên Hợp quốc (Ủy ban CODEX).
Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp khả thi, để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình tại thị trường Liên bang Nga. Chú trọng công tác bảo đảm uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu sang thị trường này, đồng thời, tăng cường quảng bá hàng hóa Việt Nam tại thị trường Liên bang Nga.
Hoài Thương