Cá quế là loại cá đặc sản, có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cá truyền thống khác.
Cá quế là giống mới được một số hộ nuôi cá lồng ở xã Nam Tân (Nam Sách) nhập về nuôi. Đây là loại cá đặc sản, có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cá truyền thống khác.
Giá trị kinh tế cao
Năm 2017, giá bán nhiều loại cá xuống thấp do nguồn cung vượt cầu nên anh Nguyễn Dương Khiêm ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân đã tìm nuôi giống cá mới có giá trị kinh tế cao hơn. Ban đầu, anh nuôi thử nghiệm 10 lồng cá quế, mỗi lồng khoảng 5.000 con. Sau gần 2 năm nuôi, cá bắt đầu cho thu hoạch, mỗi con nặng từ 0,5-1 kg, mỗi lồng đạt từ 2 – 2,5 tấn. Dù trọng lượng cá không cao nhưng bán được giá, từ 140.000-150.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/lồng. Từ 10 lồng nuôi thử nghiệm, đến nay anh đã mở rộng gần 100 lồng nuôi, nhiều nhất xã Nam Tân.
“Đây là loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao nên tôi chọn làm giống chủ lực. Mỗi tháng, tôi bán ra thị trường từ 2 – 3 tấn cá. Dù là giống mới nhưng cá tiêu thụ nhanh và được coi là món ăn đặc sản tại nhiều nhà hàng ở Hà Nội. Với chất lượng tốt, tôi tin rằng thời gian tới cá quế sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến và lựa chọn”, anh Khiêm nói.
Cá quế có nguồn gốc từ Trung Quốc mới du nhập vào nước ta vài năm gần đây và được nuôi ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tại xã Nam Tân, giống cá này bắt đầu được nuôi thử nghiệm từ cuối năm 2017. Toàn xã có 4-5 hộ đang nuôi cá quế với tổng số hơn 100 lồng nuôi. Cá quế hình dáng giống như cá mè, da dày, vảy óng vàng. Thịt cá dày, ít xương dăm, thơm ngon, có vị ngọt lạ, giàu chất bổ và ít mỡ hơn các loại cá khác. Đặc biệt thịt cá có mùi thơm thoang thoảng hương quế.
Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: “Xét về giá trị kinh tế và dinh dưỡng, cá quế có giá trị cao hơn hẳn những giống cá khác. Cá quế hoàn toàn có thể thay thế cá song biển để chế biến thành các món ăn đặc sản với giá rẻ hơn”.
Khó nuôi
Theo anh Nguyễn Văn Toản, một trong những hộ nuôi cá quế ở xã Nam Tân, cá quế có nguồn gốc từ vùng lạnh nên không chịu được thời tiết nắng nóng. Nhiệt độ lý tưởng để cá sinh trưởng và phát triển tốt từ 18 – 20 độ C và chịu được nhiệt dưới 35 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ những tháng mùa hè ở khu vực trong tỉnh có thể tăng cao đến hơn 40 độ C. Trong điều kiện thời tiết bình thường, tỷ lệ hao hụt của cá quế trong quá trình nuôi từ 15 – 20%, nhưng khi thời tiết nắng nóng tỷ lệ cá chết có thể lên đến hơn 50% nếu không được chăm sóc đúng cách.
Anh Toản cho biết: “Tôi đang nuôi 2 lồng cá quế nhưng cá đang chết nhiều do thời tiết nắng nóng. Cá quế có giá trị kinh tế cao nhưng dễ chết nên gây thiệt hại lớn. Chỉ tính riêng vụ cá này, tôi đã thiệt hại vài trăm triệu đồng”.
Dù tương đối thành công với mô hình nuôi cá quế nhưng anh Khiêm khẳng định đây là loại cá khó tính và khó nuôi hơn các loại cá khác. Cá dễ chết khi nắng nóng và môi trường nước bị ô nhiễm. Chi phí đầu tư cũng cao hơn, giá mỗi con cá quế giống loại 30 con/kg là hơn 10.000 đồng, cao gấp nhiều lần so với giống cá khác. Cá sinh trưởng chậm, mỗi vụ thường kéo dài từ 1,5 – 2 năm, chi phí đầu tư cho mỗi lồng nuôi từ lúc bắt đầu cho tới khi thu hoạch khoảng 300 triệu đồng. Do thời gian nuôi kéo dài nên không thể tránh khỏi những tháng cao điểm nắng nóng. Để nuôi được giống cá quế, anh Khiêm chọn vị trí thả lồng ở chỗ nước sâu và được lưu thông thường xuyên để làm mát cho cá, phía bên trên lồng được che phủ nhằm giảm nhiệt độ của nước. Trong những ngày nắng nóng, chế độ ăn của cá cũng phải được chú ý, chỉ cho ăn vào lúc trời mát, lượng thức ăn giảm so với bình thường.
Dù cá quế có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng nhưng đây vẫn là giống cá mới đang trong thời gian nuôi thử nghiệm. Những hộ có nhu cầu nuôi cần tìm hiểu các đặc tính của loại cá này và kỹ thuật nuôi phù hợp nhằm tránh thiệt hại.
Trần Hiền
Báo Hải Dương