Thứ Tư, 20/11/2024, 6:30

Cá tra Việt Nam đắt khách quốc tế, xuất khẩu sẽ cán mốc 2 tỷ USD trong năm 2024

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Mặc dù đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh, cá tra Việt Nam vẫn tự tin chiếm 42% sản lượng toàn cầu.

Xuất khẩu cá tra tăng trưởng ấn tượng

Kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 10 đạt gần 202 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm nay sang các thị trường đạt 1,7 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng và những đơn hàng dồn dập dịp cuối năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2024 có khả năng vượt mốc 2 tỷ USD.

Trung Quốc và Hong Kong vẫn là điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tháng 10/2024, thị trường này tiêu thụ 61 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tổng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hong Kong trong 10 tháng đầu năm nay vẫn giảm 2% so với cùng kỳ và chỉ đạt 479 triệu USD.

Trong tháng đầu của quý cuối năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ ghi nhận tăng 65% so với cùng kỳ, đạt hơn 35 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 10 tháng năm nay đạt hơn 291 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ.

Trước bối cảnh Tổng thống Donald Trump tái đắc cử lần 2 và sẽ chính thức nhậm chức vào đầu năm sau, dự báo sẽ có những chính sách mới về thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có cá tra.

Theo chuyên gia VASEP, với tôn chỉ “nước Mỹ trên hết” hay là “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, tình hình được dự báo sẽ tốt lên, các đơn hàng sẽ tăng lên vì Việt Nam – Hoa Kỳ là đối tác chiến lược toàn diện, chưa kể có những chính sách riêng về thuế.

Đối với thị trường các nước EU, kim ngạch xuất khẩu tương đương với mức cùng kỳ năm ngoái, khi xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm nay sang khối này chỉ tăng nhẹ 0,04%, đạt gần 144 triệu USD. Một số thị trường trong khối EU ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số về nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Lithuania, Ireland, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Bồ Đào Nha,…

Tại châu Á, thị trường Nhật Bản là khó tính đối với cá da trơn nước ngọt nhưng Việt Nam đang thành công với sản phẩm sasimi, một sản phẩm rất tiềm năng.

Trong quý 4, các hoạt động thương mại dịch vụ bắt đầu sôi nổi, tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho các lễ hội sẽ là mùa cao điểm để xuất khẩu cá tra về đích. Điều kiện hoạt động trong nước cũng đang được củng cố để duy trì tiềm năng sản lượng xuất khẩu. Diện tích thả nuôi cá tra năm nay ước đạt gần 5.400 ha. Các địa phương tập trung nâng cao chất lượng giống; kiểm soát dịch bệnh; thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ mới nhằm giảm giá thành sản xuất; xử lý các rào cản kỹ thuật; kết nối, phát triển thị trường.

Trong năm 2025, ngành hàng tiếp tục kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và giải pháp phát triển thị trường cho ngành hàng cá tra. Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng vào phân khúc thị trường hồi giáo do tiêu thụ khá tốt, còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường khoảng 2,2 tỷ dân này thì các doanh nghiệp cần đạt các chứng nhận Halal.

Nguồn: Nhật Hạ (Tạp chí Thương Gia)