Thứ Ba, 25/04/2023, 17:00

Người nuôi cá tra thương phẩm đang lỗ 3.000 đồng/kg

Giá cá tra giảm do tình hình xuất khẩu giảm

(Aquaculture.vn) – Giá bán cá tra thương phẩm nuôi tại các tỉnh ĐBSCL hiện dao động từ 27.000 – 28.000 đồng/kg, với mức giá này, người nuôi lỗ từ 2.500 – 3.000 đồng/kg.

Giá cá tra giảm do tình hình xuất khẩu giảm
Giá cá tra giảm do tình hình xuất khẩu giảm (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Từ đầu năm đến nay, thị trường cá tra trong nước có nhiều biến động về giá. Vào đầu năm nay, giá cá tra tăng lên đến 31.000 – 32.000 đồng/kg, với những dự đoán trước có thể tăng đến 35.000 – 36.000 đồng/kg cho vào tháng 4/2023. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho biết, hơn 1 tháng nay, cá tra nuôi thương phẩm tại các tỉnh ĐBSCL đang rất khó bán.

Giá cá tra những ngày gần đây bất ngờ giảm mạnh, hiện cá tra được các doanh nghiệp mua vào với giá 27.000 – 28.000 đồng/kg trong khi chi phí sản xuất đã gần 30.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ 2.500-3.000 đồng/kg.

Nguyên nhân được cho là do xuất khẩu cá tra sang các thị trường thế giới như Mỹ và EU đang có chiều hướng giảm, nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu nên ngừng việc thu mua từ các ao nuôi. Song song với đó, yêu cầu thu mua cũng trở nên khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp chỉ thu mua khi cá đạt trọng lượng từ 1,2kg trở lên. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thu mua cá để bán ở thị trường nội địa, nhưng không đáng kể.

Với tình hình hiện tại, các hộ dân đang nuôi cầm chừng, nhiều hộ nuôi ngừng cho ăn, chờ giá tăng lên để bán.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến Nông sản và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần tăng cường đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng giá trị gia tăng. Đồng thời, quản trị sản xuất và áp dụng các biện pháp để giảm giá thành trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra. Thời gian tới cần tăng cường phân tích và dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm, phổ biến các quy định, rào cản kỹ thuật.

Tiếp tục phát triển quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học nhằm cung cấp bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với chi phí hợp lý, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu.

Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL, cần phải nâng cao chất lượng con giống, chất lượng di truyền một số tính trạng kháng bệnh, chịu mặn, tiêu tốn thức ăn, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thu Hiền (Tổng hợp)