Thứ Ba, 25/04/2023, 13:00

Cua biển: Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị

(Aquaculture.vn) Cua biển là một trong những đối tượng nuôi thủy sản có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây các mô hình nuôi cua rất phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường do tỷ lệ mắc bệnh và chết cao. Dưới đây là một số bệnh thường gặp trên cua biển và cách phòng trị bệnh.

Một số bệnh thường gặp khi nuôi cua biển và biện pháp phòng trị

1. Bệnh đen mang

Nguyên nhân:

Do các ký sinh trùng sán lá đơn chủ gây ra (Sán lá đơn chủ trắng nhỏ như sợi tơ, chúng đục thủng mang gây hoại tử mang cua). Bệnh thường xuất hiện nhiều sau khi nước có độ mặn thấp hoặc sau khi mưa lớn. Nấm, vi khuẩn dạng sợi, hay khi nồng độ các khí độc Amoniac và Sulfua hydro cao trong môi trường nuôi.

Biểu hiện:

  • Khi bị bệnh, mang cua sẽ xuất hiện những đốm đen, các tơ và áo mang chuyển màu đen, sau một thời gian mang có mùi rất tanh và thối từng phần cho tới toàn bộ mang cua.
  • Vỏ ngoài của thân cua bệnh có các đốm đen, sau đó gây mù mắt.
  • Cua bị bệnh bỏ ăn, gầy yếu, hô hấp kém nằm im không hoạt động.
  • Bệnh xuất hiện trên cả giai đoạn cua con và cua trưởng thành.

Phòng bệnh:

  • Thả cua đúng lịch thời vụ, cải tạo ao kỹ trước khi thả giống, giữ lớp bùn đáy có độ dày thích hợp (5-10cm).
  • Trong thời gian thường xảy ra dịch bệnh dùng vôi nông nghiệp CaCO3 2-3 kg/100m2 hòa nước tạt đều khắp ao.
  • Định kỳ tiến hành thay nước và cung cấp nước vào ao đảm bảo chất lượng nước tốt.
  • Tránh cho ăn quá nhiều.

Trị bệnh:

  • Tắm cho cua bằng Formol (nồng độ 16-30ml/m3nước) trong 15-20 phút, có sục khí, thời gian điều trị từ 6-8 ngày.
  • Đồng thời, dùng vôi bột để diệt các địch hại như ký sinh trùng, vi khuẩn.

2. Bệnh do vi khuẩn vibrio

Nguyên nhân: Do một số loài Vibrio anguillarum, V. alginolyticus, V. parhaemolyticus gây ra.

Biểu hiện:

Phần phụ bụng và cơ của cua bị hoại tử, cơ thể biến đổi màu sắc, hình thành các khối u màu trắng bên trong mô cơ thể (đặc biệt là mang). Khi mắc bệnh cơ thể yếu và hoạt động chậm chạp, ăn ít hoặc bỏ ăn.

Phòng bệnh:

  • Đảm bảo chất lượng cua giống, tốt nhất nên lấy giống cua sản xuất nhân tạo, ương trong giai đạt kích cỡ 1,5-2cm.
  • Thả nuôi với mật độ thích hợp, trong quá trình chăm sóc tránh làm xây xát cua, đảm bảo chất lượng nước tốt.
  • Sát trùng bể ương bằng dung dịch KMnO4(thuốc tím) với liều lượng 15-20 ppm (mg/l), ngâm dụng cụ ương nuôi trong 50 ppm Chlorine trong 1 giờ.
  • Phòng ngừa các mầm bệnh trong thức ăn (đặc biệt là thức ăn tươi sống) có thể khử trùng thức ăn trước khi cho vật nuôi ăn.

Trị bệnh:

  • Phun xuống ao 2-3 mg/lít Terramycin hoặc 1 mg/L Norfloxac với tần suất 1 lần/ngày, liên tục trong 3-5 ngày.
  • Trộn Terramycin vào thức ăn cho cua (với liều lượng 0,1-0,2 g/kg trọng lượng cơ thể cua), cho ăn 1-2 lần/ngày, liên tục trong 7 ngày.

3. Bệnh thủng vỏ

Nguyên nhân:

Do các tổn thương, xây xát do điều kiện nuôi nhốt không thích hợp, mật độ dày, môi trường nuôi bị ô nhiễm tạo điều kiện cho vi khuẩn Vibrio sp., Pseudomonas sp., Aeromonas sp., Spirillum sp., Flavobacterium sp., Vibrio vulnificus, V. parahemolyticus, V. splendidus V. orientalis xâm nhập gây bệnh.

Biểu hiện:

  • Ban đầu những đốm màu hơi trắng trên phần bụng giáp đầu ngực và dần chuyển thành các tổn thương loét có màu nâu đen. Có thể nhìn thấy vỏ, màng và lớp cơ bên trong.
  • Bệnh thủng vỏ hiếm khi gây chết cua, nhưng nếu vỏ bị bào mòn và đục thủng trên diện rộng có thể tạo điều kiện cho các vi khuẩn thứ cấp cũng như ký sinh trùng xâm nhiễm gây bệnh.

Phòng bệnh:

  • Tránh gây sốc, xây xát cua, cho ăn hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường nước.
  • Duy trì chất lượng nước tốt và có độ dày lớp bùn đáy thích hợp.
  • Cung cấp một lớp đất cát dày thích hợp cua có thể đào được, tác dụng làm giảm stress cho cua và giảm các chất bẩn bám trên cơ thể cua.
  • Định kỳ thông qua quá trình thay nước hoặc bắt mẫu, tiến hành chà và quét rửa phần lưng cho cua bằng bông gòn nhúng trong dung dịch i-ốt nhằm ngăn chặn chất dơ bám trong suốt quá trình nuôi và lưu giữ nhằm hạn chế việc phát triển của nguyên sinh động vật, là nơi cư trú của vi khuẩn phân giải kitin.

Trị bệnh:

  • Sử dụng chlorine 2 ppm và cho cua ăn thức ăn có trộn thuốc (sulfonamides 0,1-0,2% hoặc 0,05-0,1% terramycin) liên tục trong 5-7 ngày liên tục.
  • Phun thuốc trong ao với liều 2,5-3 ppm terramycin1 lần/ngày, liên tục trong 5-7 ngày.

4. Bệnh teo cơ (rệp cua)

Nguyên nhân:

Do ký sinh trùng Sacculina sp. bám vào phần thịt của khoang mai, có thể thấy qua lỗ thoát ở gốc càng cua. Rệp phát triển nhanh về số lượng và gây cản trở hoạt động của cua, hút chất dịch trong thịt cua, làm cua gầy và chết.

Phòng bệnh:

  • Sát trùng ao bằng chlorin 10ppm hoặc 100 ppm formalin và loại bỏ lớp bùn đáy trước khi thả giống.
  • Đảm bảo chất lượng cua giống, khỏe mạnh, không nhiễm bệnh.
  • Có thể thả cá rô phi để chúng sử dụng ký sinh trùng này làm thức ăn.

Trị bệnh:

Giảm độ mặn dưới 1‰ ֵhoặc chuyển cua qua nước ngọt, tắm cua trong dung dịch formalin 20-30ppm trong 20-30 phút hoặc dung dịch CuSO4 8ppm hoặc KMnO4 20ppm trong 10-20 phút hoặc phun xuống ao 0,7ppm hỗn hợp CuSO4 và FeSO4 tỷ lệ 5:2.

5. Bệnh run chân

Nguyên nhân:

Ký sinh trùng Rickettsia ký sinh trong cơ và mô liên kết và xâm nhập đến các mô bằng các tế bào máu của cua. Ngoài ra một số trường còn tìm thấy thể virus và vi bào tử.

Biểu hiện:

Rickettsia ký sinh trong các mô liên kết của tim, chân bò và ruột, huyết tương làm cho cua kém ăn, hoạt động yếu, không phản ứng với các tác động bên ngoài, bệnh nặng chân bò run.

Phòng bệnh:

Hiện chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu nên phòng bệnh là chủ yếu

  • Con giống đảm bảo chất lượng, kích thước đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, đầy đủ phụ bộ.
  • Giữ gìn môi trường sống trong sạch cho cua nuôi, duy trì chất lượng nước tối ưu, độ mặn từ 15 – 25‰, pH từ 7,5 – 8,2.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh thức ăn thừa.
  • Cải tạo ao thật kỹ trước khi thả nuôi. Phơi đáy từ 5 – 10 ngày, nếu đáy nhiều bùn thì vét bớt bùn, rác.
  • Bón vôi khắp đáy và trên bờ ao, quét vôi trong và ngoài đăng chắn, làm tốt khâu cải tạo, sát trùng, loại bỏ các chất cặn bã, chất thải của quá trình nuôi
  • Trước khi thả nên sát trùng bằng dung dịch formaline 20 – 30 ppm hoặc sunphát đồng 2 – 4 ppm trong vòng 20 – 30 phút. Có thể dùng thuốc phun vào ao trong thời gian kể từ lúc bắt đầu thả nuôi, nồng độ thuốc thấp hơn 7 – 10 ppm so với nồng độ tắm cho cua. Chỉ nên dùng với ao nhỏ, mật độ nuôi cao.
  • Để phòng các mầm bệnh trong thức ăn, nhất là thức ăn tươi sống, ta có thể khử trùng thức ăn trước khi cho cua ăn. Thức ăn rửa sạch ngâm trong thuốc tím nồng độ 5 – 10 ppm trong 20 – 30 phút. Rửa lại bằng nước sạch rồi cho cua ăn. Tốt nhất nên cho cua ăn thức ăn được nấu chín.

Thu Hiền (Tổng hợp)