Trung Quốc là nước xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, chiếm 33-50% thị phần. Những năm gần đây, thị phần của nước này có xu hướng giảm, nhất là tại Mỹ, nơi đang tăng nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Cá rô phi là một trong những loài cá thịt trắng được ưa chuộng tại nhiều thị trường, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, quý 1 năm 2024, giá cá rô phi tăng cao do thiếu hụt nguồn cung. Đây là một cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ và cả Trung Quốc.
Theo Trung tâm thương mại quốc tế (International Trade Centre – ITC), năm 2023 các thị trường tiêu thụ hơn 438 triệu USD cá rô phi. Trong đó, top 5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi là Mỹ, Canada, Hà Lan, Anh và Pháp, với giá trị nhập khẩu lần lượt là hơn 300 triệu USD, 33 triệu USD, 11 triệu USD, 10 triệu USD, và 9,4 triệu USD. Tính đến hết tháng 2 năm 2024, Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia nhập khẩu cá rô phi nhiều nhất thế giới với hơn 55 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái và Trung Quốc vẫn là nguồn cung cá rô phi lớn nhất cho thị trường này.
Cũng theo ITC, Mỹ liên tục là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá rô phi Việt Nam, tuy nhiên đến năm 2023 Hàn Quốc vượt Mỹ và trở thành thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi Việt Nam với hơn 2,5 triệu USD. quý 1 năm 2024, Hàn Quốc nhập khẩu 415 nghìn USD cá rô phi từ Việt Nam, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý 1 năm 2024, nguồn cung cá rô phi giảm đẩy giá cá rô phi tăng cao, đặc biệt là ở Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Đây có thể được coi là một cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Cá rô phi Trung Quốc chưa thể phục hồi ngay
Quý 1 năm 2024, cá rô phi ở Trung Quốc xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, toàn ngành đang phục hồi sau khi nông dân ngừng nuôi vào năm ngoái do giá thấp, dự kiến giá sẽ tiếp tục tăng đến tháng 5/2024. Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi lớn nhất cho Mỹ. Các chuyên gia dự báo nguồn cung cá rô phi từ Trung Quốc sẽ phục hồi trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, nhà cung cấp cá rô phi giống lớn thứ 2 trong khu vực cho biết nguồn cung vẫn thiếu, khiến giá cao.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu cá rô phi giống của ngành thủy sản Trung Quốc đang trở nên nghiêm trọng và có thể kéo. Trong vài tuần trở lại đây, giá cá rô phi đã tăng lên đáng kể tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc, đặc biệt ở tỉnh Quảng Đông. Giá tại trang trại đối với cá rô phi cỡ 500 gram trở lên ở tỉnh Quảng Đông là khoảng 11,40 NDT/kg (1,61 USD/kg) vào đầu tháng 5 và 11,20 NDT/kg ở tỉnh Hải Nam. Mức giá này cao hơn nhiều so với mức 8,5 NDT/kg cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm qua, thị trường bấp bênh, cung cầu không ổn định và việc người nuôi thua lỗ kéo dài đã khiến cho tình trạng người nuôi Trung Quốc không mặn mà với cá rô phi. Ngoài ra, các yếu tố khác như chi phí thức ăn tăng cao và điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến chi phí nuôi trồng tổng thể tăng lên cũng tác động không nhỏ đến sự sụt giảm về tỷ lệ thả giống cũng như lượng thức ăn nuôi cá, nhiều trại sản xuất giống không muốn đầu tư mới.
Ngoài ra Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu thô do lượng tồn kho trong ao ở miền nam Trung Quốc tiếp tục giảm. Dự đoán, cá rô phi nguyên liệu sẽ được đưa ra thị trường vào tháng 6/2024 do cá giống thả vào cuối năm ngoái đã đạt kích cỡ thu hoạch.
Ông Lin Xiaowen, Tổng Giám đốc của Hải Nam Xiangtai Fishery, một trong những nhà xuất khẩu cá rô phi lớn nhất của Trung Quốc, cho biết hiện giá thức ăn ép đùn đã tăng lên 5.600 NDT/tấn và chi phí nuôi cá rô phi trung bình đã lên tới 9,4 NDT/kg. Một số nhà máy chế biến hiện chỉ hoạt động với 30% công suất. Giá cá rô phi tăng đã mở ra nhiều cơ hội cho người nuôi. Tuy nhiên, nông dân vẫn thận trọng khi đầu tư vào đàn cá rô phi mới. Ngành thủy sản Trung Quốc cần nhanh chóng giải quyết những thách thức của tình trạng thiếu cá giống.
Mỹ thiếu nguồn cung cá rô phi
Quý 1 năm 2024, Mỹ nhập khẩu 19.600 tấn philê cá rô phi đông lạnh từ Trung Quốc, trị giá 73,6 triệu USD, giảm 13% về khối lượng và 8% về giá trị so với quý 1 năm 2023.
Trong tháng 3/2024, nhập khẩu philê cá rô phi tươi của Mỹ giảm 20% xuống còn 1.784 tấn, mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Lý do chủ yếu là do thiếu hàng từ các nguồn cung từ Trung quốc, Honduras, Mexico và Costa Rica.
Tháng 3/2024 nhập khẩu các sản phẩm cá rô phi của Mỹ từ Costa Rica tiếp tục giảm 27% so với cùng kỳ xuống 285 tấn và giảm 23% xuống 841 tấn trong quý 1 năm 2024.
Mỹ nhập khẩu khoảng 921 tấn philê cá rô phi tươi từ Colombia trong tháng 3/2024 và khoảng 2.906 tấn trong quý 1, vẫn giảm 5% so với tháng 3/2023 nhưng tăng 5% so với quý 1/2023, vẫn giảm 14% so với quý 4 năm 2023.
Tuy nhiên, Mỹ gia tăng nhập khẩu đáng kể từ Brazil. Xuất khẩu trung bình hàng tuần của Brazil sang Mỹ đã tăng từ gần 42 tấn năm 2023 lên mức ấn tượng 63 tấn trong quý đầu tiên của năm nay, tăng 49%. Tổng cộng, nhập khẩu philê cá rô phi tươi từ Brazil của Mỹ lên tới 355 tấn trong tháng 3/2024 và 810 tấn trong quý 1, tăng lần lượt 102% và 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này đã giúp Brazil bám sát Costa Rica ở vị trí thứ 2 trong các nước xuất khẩu philê cá rô phi tươi sang thị trường Mỹ, chỉ sau Colombia.
Trong suốt 4 năm liên tiếp kể từ năm 2019, Mỹ liên tục duy trì là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ sụt giảm mạnh và chỉ đạt gần 1 triệu USD, giảm 71% so với năm 2022 và giảm 75% so với năm 2019.
Cơ hội của cá tra
Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường quan trọng của cá tra Việt Nam. Khi nguồn cung cá rô phi tại 2 thị trường này khan hiếm, cá tra trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu cá rô phi, tăng nhập khẩu cá tra, chủ yếu là từ Việt Nam.
Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 về cá tra Việt Nam sau Trung Quốc & Hồng Kông. Trong quý I năm 2024, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 65 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng tháng 3 năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu gần 31 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng nhẹ 0,03% so với tháng 3 năm 2023 và tăng gần gấp đôi so với tháng 2 năm 2024. Đây cũng là tháng ghi nhận giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ cao nhất kể từ tháng 6 năm 2023. Giá trung bình xuất khẩu cá tra sang Mỹ những tháng đầu năm nay có nhích hơn so với quý IV năm 2023 tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này 3 tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên chủ yếu là do mức tăng trưởng 83% trong tháng đầu năm nay bù đắp cho sự sụt giảm trong tháng 2 năm 2024. Sự tăng trưởng ở thị trường Mỹ trong quý đầu năm nay là một trong những dấu hiệu khả quan cho năm 2024 với những đơn đặt hàng mới, khi lượng tồn kho tại quốc gia này đang giảm.
Tuy có sự sụt giảm 22% so cùng kỳ năm 2023, nhưng Trung Quốc & Hồng Kông tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, đạt 112 triệu USD, chiếm 27% tỷ trọng trong tổng giá trị Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường trong quý I năm 2024.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm là cá tra fillet, cắt khúc đông lạnh HS 0304, đạt 66 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 59% tỷ trọng. Tiếp đó là sản phẩm cá tra tươi/đông lạnh/khô nguyên con, cắt khúc (trừ cá thuộc mã 0304) chiếm 41% tỷ trọng và đạt kim ngạch 46 triệu USD, tăng 4% và cá tra giá trị gia tăng chiếm 0,3% với gần 305 nghìn USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 15/4/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt hơn 495 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ.
Hải Đăng
Cục Thủy sản