Thứ Hai, 10/06/2024, 11:00

Lâm Đồng: Dẫn đầu cả nước về nuôi cá nước lạnh

Ngày 7/6 tại thành phố Đà Lạt, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh; đồng thời đưa ra các giải pháp để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh tại các tỉnh, thành trong cả nước thời gian tới.

Bể nuôi cá giống của một hộ dân ở huyện Đam Rông với những con cá có thể nặng tới 40 – 50kg để cung cấp một phần cá giống cho người dân địa phương. Ảnh tư liệu: Nguyễn Dũng/TTXVN

Tham dự Hội nghị có 18/21 tỉnh trong cả nước tham gia nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và 1 số tỉnh miền Trung.

Cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi) là đối tượng thủy sản nuôi cá giá trị kinh tế cao, nhất là trứng cá Atamf muối (Caviar) được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Từ năm 2004 – 2005 cá hồi vân và cá tầm được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhập khẩu trứng cá đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm ở huyện Sa Pa (Lào Cai). Đến năm 2006, cá tầm được đưa vào Tây Nguyên nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh trong cả nước, chủ yếu ở khu vực phía Bắc và Tây Nguyên.

Theo thống kê của Cục Thủy sản, sau 2 năm được nuôi thành công tại Việt Nam, đến năm 2007 sản lượng cá nước lạnh đạt 95 tấn. Đến năm 2010 đạt 450 tấn, năm 2015 là 1.585 tấn, năm 2020 đạt 3.720 tấn và đến năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn, trong đó có 4.303 tấn cá tầm và 365 tấn cá hồi.

Hiện nay, Việt Nam được Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về sản xuất cá nước lạnh. 2 tỉnh Lâm Đồng và Lào Cai đã trở thành vùng phát triển, sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn nhất cả nước. Thống kê sản lượng cá tầm cho thấy năm 2021, sản lượng của tỉnh Lâm Đồng đạt 1.200 tấn, năm 2022 đạt 1.500 tấn và năm 2023 đạt 2.297 tấn, bằng trên 53% sản lượng cả nước. Tỉnh Lào Cai cũng có sản lượng cá tầm các năm từ 2021 đến nay lần lượt bằng 239 tấn, 757 tấn và 665 tấn, năm cao nhất bằng trên 23% sản lượng toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, bắt đầu thử nghiệm từ năm 2006, đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) với tổng diện tích khoảng 54 ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Địa bàn nuôi được giống cá giá trị kinh tế cao này tập trung ở các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt. Sản lượng cá nước lạnh trên toàn tỉnh đạt 2.300 tấn/năm đem lại giá trị ước đạt tới 450 tỷ đồng. Việc tiêu thụ cá tầm trên địa bàn tương đối thuận lợi, do đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, cung ứng thức ăn và tổ chức thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc sản xuất cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu là nắng nóng kéo dài; nguồn nước cung cấp cho sản xuất cá nước lạnh bị hạn chế; tác động của thiên tai như mưa lớn kéo theo lũ quét làm các ao hồ nuôi cá nước lạnh bị ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế; nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy sản nuôi cá nước lạnh ở mức cao, các doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi; còn thiếu những chuyên gia, cán bộ kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu về cá nước lạnh; tỉnh chưa có nhà máy chế biến thực ăn cho cá nước lạnh, làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh…

Theo Cục Thủy sản, mặc dù đạt được những tiến bộ lớn sau khi thử nghiệm và nuôi thành công cá nước lạnh tại Việt Nam, song ngành này vẫn đang gặp phải những khó khăn. Trong đó Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 đã bãi bỏ cả Quy hoạch phát triển cá nước lạnh, gây khó khăn cho các địa phương trong quy hoạch phát triển cá nước lạnh bền vững; việc thực thi pháp luật còn hạn chế: lũy kế đến tháng 5/2024 mới có 9/31 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tầm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện; có 32/845 cơ sở nuôi cá tầm thương phẩm được cấp mã số nuôi. Khó khăn lớn nhất là phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống, làm giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với cá nhập khẩu…

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản trong sản xuất cá nước lạnh ở Việt Nam, giống và thức ăn là 2 vấn đề phải luôn đồng hành để cùng đi được xa. Việc sản xuất giống cá nước lạnh cũng phải có kế hoạch, không để phát triển ồ ạt, tránh dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Vai trò của Hiệp hội cá nước lạnh ở các tỉnh phải có sự kết nối, đồng hành với nhau để cùng phát triển. Vấn đề môi trường cũng cần được chú ý tới nguồn nước nuôi cá, cần có giải pháp để tránh tác động của môi trường ảnh hưởng.

Trong các giải pháp về phát triển cá nước lạnh trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương tổ chức và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nước lạnh; cần tổ chức các lớp tập huấn về quy trình phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch cho cá nước lạnh; chủ động chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm cho các cơ sở nuôi và sản xuất giống; khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác, tạo vị thế của cá nước lạnh Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)

Báo Tin tức