Thứ Năm, 26/10/2023, 16:00

3 loài cá làm rung chuyển ngành nuôi trồng thủy sản Bangladesh

Cá rô sông Hằng (Anabas cobojius) có thể là loài có giá trị cao do tỷ lệ sống cao, chi phí thức ăn thấp và khả năng thu hoạch nhiều lần/năm

(Aquaculture.vn) Bangladesh đã trải qua sự gia tăng đáng kể về sản lượng cá trong 12 năm qua, chủ yếu nhờ nuôi cá tra, cá rô phi và cá rô sông Hằng (Anabas cobojius).

Sản lượng của ba loài cá này đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Trong đó, sản lượng cá tra nuôi hàng năm đã tăng từ 155.000 tấn trong năm 2010-2011 lên 395.000 tấn trong năm tài chính 2021-2022; trong khi sản lượng cá rô phi tăng từ 98.000 tấn lên 329.000 tấn; và sản lượng cá rô sông Hằng tăng 350% đạt 57.244 tấn trong cùng thời kỳ. Theo Bộ Thủy sản (DoF), sản lượng cá nuôi ở Bangladesh tăng gần gấp đôi từ năm 2011 đến năm 2022, từ 1,2 triệu tấn tăng lên 2,17 triệu tấn.

Việc nuôi trồng các loài này ngày càng tăng là do các yếu tố sẵn có về con giống, sử dụng thức ăn công nghiệp ngày càng tăng và nhu cầu thị trường. Việc giới thiệu phương pháp nhân giống cá tra nhân tạo vào những năm 1990 của Viện Nghiên cứu Thủy sản Bangladesh (BFRI) đóng vai trò then chốt trong việc phổ biến cá tra đối với người tiêu dùng thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp, khiến nó trở thành một nguồn protein động vật quan trọng. Tỷ lệ sống cao (gần 100%) của cá tra giống đã tiếp tục thúc đẩy nông dân ở nhiều vùng khác nhau của đất nước tham gia nuôi trồng.

Cá rô sông Hằng là loài cá nước ngọt bản địa và rất được người tiêu dùng ưa chuộng, mặc dù thực tế nó có sản lượng rất thấp trước khi áp dụng phương pháp nhân giống nhân tạo. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cá bố mẹ cải tiến về mặt di truyền từ Thái Lan từ năm 2003 đã tăng gấp đôi kích thước trung bình của cá và thúc đẩy sản lượng.

Nuôi cá rô sông Hằng có thể mang lại lợi nhuận vì loài này có thể được nuôi với mật độ cao trong ao nhỏ, thậm chí không cần thiết bị sục khí. Loài này có thể sống lâu mà không cần nước và môi trường bất lợi. Tỷ lệ sống gần 100%, chi phí thức ăn thấp, khả năng sản xuất nhiều vụ và nhu cầu cao đã khiến việc nuôi cá rô sông Hằng trở nên phổ biến trên khắp đất nước.

Cá rô sông Hằng (Anabas cobojius) có thể là loài có giá trị cao do tỷ lệ sống cao, chi phí thức ăn thấp và khả năng thu hoạch nhiều lần/năm
Cá rô sông Hằng (Anabas cobojius) có thể là loài có giá trị cao do tỷ lệ sống cao, chi phí thức ăn thấp và khả năng thu hoạch nhiều lần/năm

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), 56% nguồn cung cấp cá của Bangladesh từ ao và việc nuôi cá trong các ao này đã giúp sản lượng tăng gần gấp 6 lần trong 30 năm qua. Năm 1990, mức tiêu thụ cá bình quân đầu người hàng năm là khoảng 7,5kg nhưng hiện nay đã tăng lên 30kg.

Việc nuôi cá tra, cá rô phi và cá rô sông Hằng đã có tác động đáng kể đến việc tăng sản lượng cá ở Bangladesh, với tổng sản lượng cá đạt 4,7 triệu tấn trong năm tài chính 2022, tăng khoảng 55% so với 3,62 triệu tấn trong năm tài chính 2011.

Tiềm năng xuất khẩu?

Theo ông Yahia Mahmud, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Cá Bangladesh (BFRI), Bangladesh có tiềm năng thâm nhập thị trường các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng để xuất khẩu.

Còn theo FAO mặc dù quốc gia này chỉ có diện tích 148.000 km2 chưa bằng một nửa diện tích của Việt Nam. Tuy nhiên, khi nói đến xuất khẩu, tôm chiếm khoảng 71% tổng giá trị xuất khẩu 422 triệu USD, xuất khẩu khoảng 22.000 tấn. Phần lớn đối tượng xuất khẩu là tôm sú (P. monodon) được nuôi quảng canh.

Bangladesh có 175.000 ha đất nuôi tôm (nước lợ 155.000 ha, nước ngọt 10.000 ha), nhiều hơn diện tích đất mà Ấn Độ phân bố để nuôi tôm (160.000 ha). Tuy nhiên, sản lượng tôm của Bangladesh đang giảm khoảng 6-8% mỗi năm và số lượng nhà chế biến thủy sản định hướng xuất khẩu ở nước này đã giảm từ 140 xuống còn 30 do thiếu nguyên liệu thô.

Chính phủ Bangladesh gần đây đã phê duyệt việc nuôi thương mại tôm thẻ chân trắng để thúc đẩy xuất khẩu tôm, nhưng nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ cần một khoảng thời gian khá dài để phát triển do chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản (như trại giống, vườn ươm, kỹ thuật viên) vẫn chưa được phát triển.

Trong khi đó, cá tra và cá rô phi là những lựa chọn xuất khẩu đầy hứa hẹn vì các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra và cá rô phi có nhu cầu cao ở thị trường Hòa Kỳ, EU và châu Á. Các phương pháp canh tác hiện đại, đầu tư nhiều hơn ở trang trại, nhà máy chế biến, phát triển cơ sở hạ tầng và sự thẩm định từ Chính phủ có thể giúp họ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.

Ngọc Anh (Theo Thefishsite)