Thứ Hai, 26/04/2021, 17:46

Hy vọng mới cho sản xuất tôm sú từ ốc và tảo đáy

Việc bổ sung một số loại tảo đáy và ốc vào các hệ thống nuôi trồng thủy sản có thể giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú, cũng như tăng lợi nhuận từ sản xuất tôm đã được nghiên cứu thành công tại King Mongkut’s Institute of Technology Ladkrabang (KMITL) của Thái Lan.

Trong thí nghiệm hai sinh vật đáy là tảo xanh dạng sợi (Chaetomorpha sp.) và loại ốc nước ngọt (Stenothyra sp.) được thả vào một số ao tôm ngay sau khi được thu thập tại một ao nước lợ bỏ hoang. Các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng những loài này không có giá trị thị trường như các sản phẩm thủy sản, nhưng được coi là ứng cử viên đầy hứa hẹn làm thức ăn bổ sung cho họ Penaeidae nhiệt đới. Cả hai sinh vật đáy này đã được chứng minh là có khả năng thúc đẩy tăng trưởng cho tôm, chúng phát triển mạnh mẽ trong ao nuôi tôm. Chúng thường được tìm thấy ở những vùng nước tù đọng hoặc các khu vực ngập mặn dọc các bờ biển nhiệt đới.

Các thí nghiệm đã cho kết quả, tất cả các Stenothyra sp. được tiêu thụ hoàn toàn, Chaetomorpha sp. cũng chỉ còn lại một lượng nhỏ. Tổng cộng khoảng 44 kg tôm sú đã được sản xuất từ trọng lượng ban đầu là 5,4 g tôm post khi cho ăn Chaetomorpha sp. (trọng lượng ướt ban đầu là 6,81 kg, chiếm 8,37% tổng lượng thức ăn tiêu thụ; trọng lượng protein ước tính là 0,35 kg) và Stenothyra sp. (trọng lượng ướt ban dầu là 1,96 kg, chiếm 2,43% tổng lượng thức ăn tiêu thụ; trọng lượng protein ước tính là 0,16 kg) làm thức ăn bổ sung.

Thí nghiệm cũng đã chỉ ra rằng năng suất và hiệu quả sử dụng thức ăn cùng với lợi nhuận của nhóm được cho ăn sinh vật đáy lần lượt là khoảng 133%, 113% và 146% so với các giá trị của nhóm chỉ được cho ăn thức ăn nhân tạo. Ứng dụng của Chaetomorpha sp. và Stenothyra sp. ở giai đoạn đầu của nuôi thâm canh sẽ giúp cải thiện hiệu suất ban đầu của tôm, tăng tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn và lợi nhuận. Kỹ thuật tiên tiến này có thể nâng cao hiệu quả nuôi tôm sú thâm canh, và rất thích hợp với kỹ thuật nuôi tôm ao đất. Việc bổ sung thêm nhiều sinh vật đáy có thể giúp cải thiện về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống. Tuy nhiên, việc thu thập các sinh vật bổ sung này sẽ không khả thi khi áp dụng tại cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ, bởi nó tiêu tốn rất nhiều thời gian, nhân công và chi phí tài chính. Muốn nhân rộng được mô hình này cần nghiên cứu thêm các kỹ thuật đơn giản hóa việc tăng số lượng sinh vật đáy, chẳng hạn như tự nhân giống sinh vật đáy trong ao nuôi tôm.

Trái: Hậu ấu trùng P. monodon (Ảnh: Darryl Jory). Phải: Tảo xanh dạng sợi, Chaetomorpha; (Ảnh: I, Channer, qua Wikimedia Commons).

Ngọc Anh (Lược dịch)

2 thoughts on “Inforgraphic: Tổng quan ngành Tôm giống Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *