Thứ Ba, 24/09/2024, 6:01

Người nuôi tôm trăn trở tìm hướng đi phù hợp

 

(Aquaculture.vn) – Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác đã khiến cho nghề nuôi tôm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, người nuôi tôm Việt Nam đang “đỏ mắt” tìm kiếm phương pháp nuôi phù hợp để đối phó với những thách thức ngày một gia tăng…

Hiện nay có rất nhiều mô hình nuôi, công nghệ nuôi mới được triển khai và áp dụng (Ảnh: Hoàng Huynh)

Nuôi tôm ngày càng khó duy trì lợi nhuận

Trong những năm gần đây, ngành nuôi tôm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như thời tiết, môi trường, dịch bệnh và biến động thị trường, gây không ít trở ngại cho người nuôi. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, giá tôm nguyên liệu đã giảm mạnh, ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và mức đầu tư của người nuôi. Từ góc độ chung của ngành tôm, có thể nhận thấy rằng giá thành tôm nuôi ở Việt Nam vẫn còn tương đối cao so với các quốc gia khác, thậm chí cao hơn khoảng 1 USD/kg tôm nguyên liệu, điều này làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo thống kê, giá thức ăn cho tôm đã tăng lên 20 – 30% trong vòng một năm qua. Điều này đã tạo ra áp lực lớn lên người nuôi tôm, khiến nhiều hộ không thể duy trì lợi nhuận. Theo báo cáo từ các hiệp hội ngành nghề, nhiều hộ nuôi tôm hiện đang trong tình trạng thua lỗ. Một số người nuôi cho biết, họ chỉ thu hồi được 50 – 60% chi phí đầu tư, điều này khiến họ không thể tiếp tục duy trì hoạt động nuôi tôm.

Tại sự kiện Hội nghị khách hàng C.P Việt Nam tại Bạc Liêu ngày 16/8 vừa qua, ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng Giám đốc cấp cao C.P. Việt Nam, đã có những nhận định về tình hình ngành tôm thời gian tới, theo ông Boonlap, giá tôm tới đây dù có tăng cũng khó lòng trở lại mức giá như thời “hoàng kim” của con tôm trước đây do các nước đẩy mạnh phát triển nghề nuôi tôm với giá thành thấp. Vì vậy, nghề nuôi tôm trong thời gian tới đòi hỏi phải làm thế nào để tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm chi phí nhằm giảm giá thành để nâng cao cạnh tranh, giúp người nuôi tôm và ngành tôm đạt hiệu quả.

Với sự thăng trầm về giá và tỷ lệ thành công của nghề nuôi tôm trong hơn 10 năm qua, những nông dân nuôi tôm giàu kinh nghiệm hiện nay cũng không khỏi hoang mang… 

“Đỏ mắt” tìm kiếm phương pháp nuôi phù hợp

Hiện, có rất nhiều mô hình nuôi, công nghệ nuôi mới được triển khai và áp dụng. Nhưng, để tìm kiếm và áp dụng một phương pháp/công nghệ nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, đưa vụ nuôi về đích thành công và mang lại lợi nhuận đang là một thách thức với người nuôi.

Một trong những mô hình nuôi tôm được đánh giá cao hiện nay là mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Các hệ thống như RAS (Recirculating Aquaculture System) và mô hình nuôi tôm hai giai đoạn đang được nhiều người nuôi tôm áp dụng. Hệ thống RAS giúp tái sử dụng nước, giảm thiểu lượng nước thải và tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn giúp kiểm soát tốt hơn quá trình phát triển của tôm, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh và biến đổi môi trường.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để áp dụng các mô hình công nghệ cao. Việc đầu tư không đầy đủ quy trình, công nghệ sẽ có thể khiến vụ nuôi thất bại, đẩy người nuôi tới bờ vực phá sản. Một nông dân ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Nuôi tôm theo quy cách công nghiệp những năm gần đây rủi ro rất cao, tỷ lệ thua lỗ là 50%, không ít hộ dân nhiều năm liên tiếp thất bại dẫn đến nợ nần, thậm chí bán đất để trả nợ. Chi phí đầu vào đang tăng mà đầu ra giảm liên tục thì ảnh hưởng bà con rất nhiều. Thật ra, mô hình nuôi siêu thâm canh và bán thâm canh thì có ưu thế về năng suất đó nhưng nguy cơ của nó thì rộng khắp vì giá sụt là lỗ ngay”.

Trong bối cảnh này, người nuôi tôm đang tích cực nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới, từ nuôi tôm hữu cơ cho đến việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp nhằm hướng tới mục đích cải thiện chất lượng nước và giảm chi phí sản xuất. 

Người nuôi tôm đang tích cực tìm kiếm phương pháp nuôi phù hợp

Nuôi tôm vi sinh thịnh hành trở lại

Phương pháp nuôi sinh thái đang ngày càng được ưa chuộng. Khái niệm này dựa trên việc tạo ra môi trường tự nhiên cho tôm phát triển, giúp giảm thiểu chi phí và tăng cường sức đề kháng cho tôm. Nhiều hộ nuôi đã áp dụng thành công phương pháp này và ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong sản lượng.

Những phương pháp nuôi tôm sáng tạo ngày càng thu hút sự chú ý trong ngành công nghiệp thủy sản, trong đó có việc áp dụng công nghệ nuôi tôm bằng rơm rạ. Phương pháp này không chỉ tập trung vào việc cung cấp thức ăn cho tôm mà còn tối ưu hóa sự tương tác tự nhiên giữa rơm rạ và môi trường ao nuôi. Quy trình nuôi tôm bằng rơm gần đây nổi lên như một phương pháp mang lại hiệu quả cao trong bối cảnh khắc nghiệt hiện nay của ngành tôm. Đây được xem là mô hình “Rượu mới bình cũ”, bởi nó đã xuất hiện cách đây 20 – 30 năm về trước. Nhưng thời điểm hiện tại, phương pháp thực hiện mới đã mang lại những kết quả khả quan và phù hợp với thực tiễn.

Rơm rạ, một sản phẩm phụ từ nông nghiệp, không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Khi được sử dụng trong ao nuôi, rơm rạ có khả năng tạo ra môi trường sống phong phú cho các vi sinh vật có lợi, giúp cải thiện chất lượng nước và tăng cường sức khỏe cho tôm. Hơn nữa, công nghệ này còn giúp tiết kiệm chi phí cho người nuôi, đồng thời tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. Nhờ vào những lợi ích này, nuôi tôm bằng rơm rạ không chỉ góp phần tăng năng suất mà còn hướng tới một mô hình nuôi trồng bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế địa phương.

Mặc dù có nhiều phương pháp nuôi mới nhưng việc chuyển đổi không hề dễ dàng. Rào cản về kiến thức và kỹ năng vẫn là một vấn đề lớn. Nhiều người nuôi vẫn e ngại khi áp dụng công nghệ mới do chi phí đầu tư ban đầu. Bởi vậy, để thành công trong việc chuyển đổi phương pháp nuôi thì yếu tố chính vẫn là sự thay đổi về nhận thức, tư duy, cách làm gắn với việc học hỏi không ngừng của người nuôi; cùng với sự hợp tác giữa các bên liên quan như các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… để hướng tới một tương lai bền vững hơn cho ngành tôm.

Phạm Huệ