Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn kết hợp với rong câu chỉ vàng trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) giúp môi trường nuôi ổn định và tăng năng suất so với nuôi truyền thống.
Huyện Đầm Dơi có bờ biển dài 22 km với các cửa biển lớn như Gành Hào, Hố Gùi, Giá Lồng Đèn… đầy tiềm năng để phát triển kinh tế thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Đến nay, toàn huyện có hơn 62 ngàn ha nuôi trồng thủy sản và trở thành nền kinh tế mũi nhọn của huyện trong những năm qua, với nhiều loại hình nuôi khác nhau. Trong đó, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến của huyện chiếm hơn 43 ngàn ha.
Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi tôm đang đối mặt với những bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra như nhiệt độ tăng cao, mưa trái mùa, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Mặt khác, do nuôi quanh năm, không có thời gian phơi đầm ngắt vụ, rong tạp – như rong mền, rong đuôi chồn, rong nhớt,… – phát triển rất nhiều. Khi các loại rong này chết, chúng tích tụ dưới kênh, mương và trên mặt ao nuôi, sinh ra khí độc NH3, H2S,…, làm ảnh hưởng đến tôm, dẫn đến năng suất không cao.
Do đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đầm Dơi đã triển khai nuôi thử nghiệm tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn kết hợp với rong câu chỉ vàng (Gracilaria sp.).
Rong câu chỉ vàng được sử dụng trong các mô hình nuôi kết hợp với tác dụng xử lý môi trường nuôi thủy sản. Ngoài ra, theo các nghiên cứu, rong chứa nhiều hợp chất giúp tăng miễn dịch và có thể thay thế một phần thức ăn nuôi tôm công nghiệp. Rong câu kết hợp với các loài thủy sản khác giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái, hạn chế dịch bệnh trên nhiều đối tượng thủy sản. Bên cạnh đó, rong câu được đánh giá như một bộ máy lọc sinh học giúp xử lý nước ao, làm giảm ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm.
Ao nuôi tôm sau khi được xử lý nước sẽ rải rong câu chỉ vàng theo luống, theo tỷ lệ 1 – 1,5% diện tích ao nuôi. Sau khi tôm sú giống đạt từ 2 – 3cm thì thả vào ao nuôi. Trong quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi các yếu tố trong ao như: pH, kiềm, độ mặn,… Trong đó, độ pH thích hợp từ 7,8 – 8,2 và dao động trong ngày không quá 0,5 đơn vị. Ao nuôi có độ mặn thích hợp nhất từ 15 – 25‰. Khi mưa nhiều, xả bớt nước mặt để hạn chế độ mặn. Định kỳ 15 ngày sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy đạm và vi sinh phân hủy H2S để kiểm soát nền đáy ao nuôi và chất lượng nước.
Đối với tôm, thường xuyên quan sát tôm nuôi hoạt động bắt mồi, sức khỏe qua biểu hiện bên ngoài của tôm như màu sắc, phụ bộ, đường ruột,… để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường. Định kỳ 1 tháng 2 lần kiểm tra tốc độ tăng trưởng khối lượng của tôm để đánh giá tình trạng sức khỏe.
Đối với rong câu chỉ vàng, sau 2-3 ngày thả, rong bị dồn tụ phải điều chỉnh cho mật độ rong phân bổ điều trên diện tích mặt nuôi. Hằng tuần, quan sát sự phát triển của rong, nếu thấy có nhiều rong tạp (rong mềm, rong nhớt,…) xuất hiện, cần loại bỏ bằng cách thu gom thành từng đống và đưa ra khỏi ao hoặc nâng mực nước lên trên 60cm để hạn chế rong tạp phát triển lấn át rong câu chỉ vàng. Khi rong phát triển nhiều trên 50% diện tích ao nuôi, tiến hành thu bớt rong, chỉ chừa lại khoảng 20% diện tích là thích hợp.
Việc áp dụng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn kết hợp với rong câu, giúp môi trường nuôi tôm ổn định, hạn chế rong tạp phát triển, kiểm soát được tỷ lệ sống của tôm ở giai đoạn đầu, môi trường ít ô nhiễm, nên năng suất và sản lượng tăng so với nuôi truyền thống. Cụ thể, mô hình thực hiện thí điểm ở 40 hộ, với diện tích 80ha, cho sản lượng đạt 101,3% và năng suất đạt 385kg/ha. Trong khi nuôi quảng canh truyền thống không kết hợp, năng suất bình quân từ 250 – 300 kg/ha.