Thứ Tư, 4/10/2023, 13:30

Thu nhập ổn định nhờ nuôi lươn không bùn

Anh Quân với hồ nuôi lươn thương phẩm. Ảnh: Báo Thanh Niên

Anh Nguyễn Hữu Quân thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định là tấm gương điển hình cho lớp thanh niên trẻ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với tuổi đời chưa đến 40 nhưng anh đã sở hữu trang trại rộng hơn 2 ha, trong đó thu nhập nhờ nuôi lươn lên đến cả tỷ đồng/năm.

Anh Quân với hồ nuôi lươn thương phẩm. Ảnh: Báo Thanh Niên
Anh Quân với hồ nuôi lươn thương phẩm. Ảnh: Báo Thanh Niên

Được biết, thời gian đầu anh trồng keo là chủ yếu, nhưng với tinh thần ham học hỏi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, anh tham quan nhiều cơ sở chăn nuôi ở các địa phương.

Anh nhận thấy việc nuôi heo, gà, chim cút, bồ câu,… đầu ra chưa ổn định. Riêng nuôi lươn dễ tiêu thụ bởi nhu cầu tiêu thụ ngoài thị trường là rất lớn, trong khi đó nguồn lươn trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, vì vậy anh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng trang trại nuôi lươn không bùn.

Anh Quân cho hay: Sau khi đã tìm hiểu về kỹ thuật nuôi cũng như nghiên cứu thị trường tiêu thụ, tôi bắt tay vào việc xây dựng hệ thống ao xi măng để nuôi, trong đó: ao bùn nuôi lươn bổ mẹ, cho đẻ trứng với diện tích 50m2, 10 ao nhỏ ấp trứng với tổng diện tích 50m2, ao ương lươn bột thành lương giống 50m2, và hệ thống nuôi lươn thương phẩm khoảng 100m2 với 20 ô, mỗi ô có diện tích 5m2.

Ngoài việc nuôi lươn thương phẩm, tôi còn cung cấp giống cho các hộ dân có nhu cầu. Do nhu cầu ngày càng lớn nên anh mở rộng diên tích, tính đến nay diện tích nuôi lươn thương phẩm của anh lên đến 100 ô với tổng diện tích 500m2.

Anh sử dụng nước giếng được lắng qua hồ để loại bỏ các tạp chất, rồi mới cho vào các ô nuôi từ lươn giống đến lượn lấy thịt. Tất cả các công đoạn xử lý nước đều có hệ thống van đóng mở rất khoa học giúp cho việc thay nước trong hồ nuôi 2 lần/ngày được dễ dàng. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi lươn, anh tận dụng để tưới nước trồng cỏ, làm thức cho bò. Nguồn thức ăn cho lươn phải đảm bảo tươi sống, sau khi cho lươn ăn xong phải xả bỏ thức ăn thừa để tránh làm ô nhiễm môi trường nước nuôi, nhờ vậy lươn sinh trưởng và phát triển tốt, kích cỡ đồng đều, rất được thị trường ưa chuộng, anh cho biết thêm.

Với tỷ lệ ương nuôi lươn của anh đạt khá cao: tỷ lệ trứng nở đạt 95%, lươn bột sống trên 90%, còn lươn giống đạt tiêu chuẩn kích cỡ đồng đều đến 97%. Mỗi năm anh xuất bản 70.000 con lươn giống, với giá 5.000 đồng/con, anh thu về khoảng 350 triệu đồng.

Với 100 ô nuôi lươn thịt mỗi năm anh thu lên đến 5 tấn lươn thịt, với giá bán 130.000 đồng/kg, đem lại thu nhập 650 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập từ cây keo, nuôi bò trong diện tích trang trại cũng đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình.

Anh chia sẻ thêm: Hiện nay nhu cầu lươn giống và lươn thương phẩm trên thị trường ngày càng cao, việc sản xuất lươn giống không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Vì vậy, trong thời gian sắp tới, anh sẽ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất giống để phục vụ nhu cầu của bà con, cũng như nâng cao thu nhập hơn nữa cho gia đình. Ngoài ra, anh sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cũng như hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn cho hộ dân khác nếu họ có nhu cầu.

Với sức trẻ, chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi anh Quân là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên ở nông thôn học tập, tận dụng điều kiện của gia đình để vươn lên làm giàu cho bản thân và địa phương, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, giàu đẹp.

NTN
Nguồn: tepbac.com