Bén duyên với nghề nuôi ốc nhồi
Trò chuyện với phóng viên Báo Dân Việt, anh Bùi Xuân Bình cho biết: “Sau 7 năm, ăn ngủ với nghề nuôi ốc nhồi, hiện tôi cùng cộng sự trong công ty đang có mô hình nuôi ốc nhồi rộng hơn 6,5 ha. Trung bình một năm, chúng tôi xuất bán khoảng 10 tấn ốc nhồi thịt và 200 vạn ốc nhồi giống. Với giá ốc nhồi dao động từ 70.000- 120.000 đồng/kg ốc thịt, giá ốc nhồi giống là 500 đồng/con, sau khi trừ chi phí tôi cùng cộng sự thu về khoảng 3 tỷ đồng/năm”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, anh Bùi Xuân Bình nói: “Tôi đến với ốc nhồi hoàn toàn là cơ duyên. Trong một lần, cùng bạn bè đi ăn ở một nhà hàng chuyên các món đồng quê ở Hà Nội. Bữa ăn hôm ấy có món ốc nhồi om chuối đậu, đến khi thanh toán, tôi rất bất ngờ khi nhìn giá nồi ốc hôm đó thanh toán rất cao”.
Anh Bình tâm sự, anh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo Thanh Hóa, từng có thời gian dài gắn bó với đồng ruộng, ốc nhồi là một thứ gì đó rất đỗi bình dân và rẻ. Nhưng khi vào trong nhà hàng, ốc nhồi đã thành món đắt tiền.
“Tôi nghĩ ngay tới việc nuôi ốc nhồi. Khi vào tìm hiểu, tôi mới nhận ra nguồn ốc nhồi tự nhiên ngày càng cạn kiệt…”, anh Bình nhớ lại.
Ốc nhồi bị khai thác quá mức và trở nên khan hiếm vì tác động từ môi trường như nguồn nước ô nhiễm và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ trong trồng trọt.
Năm 2014, anh Bình cùng cộng sự của mình là anh Bùi Văn Hải bỏ vốn thu mua ốc nhồi của bà con bắt tự nhiên đem về thả nuôi ở ao của mình.
Nhận thấy những tín hiệu khá khả quan từ lứa ốc nhồi nuôi thử nghiệm, anh quyết định rót vốn cải tạo lại ao cá, xây bể xi măng rồi bắt đầu nuôi ốc nhồi. Ngay vụ đầu tiên, những con ốc nhồi nuôi tại trang trại đã mang về thu nhập cho 2 anh gần 100 triệu đồng…
Sau nhiều năm nuôi và tích luỹ kinh nghiệm, anh Bình thực hiện nhân nuôi ốc nhồi giống, vừa để có nguồn giống bảo đảm chất lượng phục vụ nuôi ốc nhồi thương phẩm của gia đình, vừa xuất bán ra thị trường.
Nông dân kiếm tiền tỷ xây biệt thự, sắm xe hơi
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Dân Việt về kỹ thuật nuôi ốc nhồi, anh Bùi Xuân Bình cho biết, môi trường sống và thức ăn của giống ốc nhồi này là phải sạch. Do đó, cần phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh.
“Dưới ao, tôi trồng thêm hoa súng và thả các loại bèo, rong khác nhau làm giá thể cho ốc bám vào, đẻ trứng…”.
“Thức ăn của ốc nhồi rất đơn giản, chủ yếu là bèo tấm, rau, củ, quả, thực phẩm thả nổi trên mặt nước… Chú ý phải quản lý được nguồn nước, theo dõi nhiệt độ, độ PH của nước thường xuyên để ốc có thể phát triển ổn định”, anh Bình chia sẻ thêm.
Không chỉ trăn trở nhân rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ốc nhồi, với mong muốn phát triển ốc nhồi theo hướng bền vững, năm 2018, anh Bình liên kết với một số hộ dân trong xã thành lập Công ty TNHH Thiên Bảo chuyên cung cấp ốc nhồi giống, thu mua ốc nhồi thương phẩm và ốc nhồi giống và chuyển giao kỹ thuật nuôi ốc nhồi theo hướng hữu cơ cho các hộ dân.
Gần đây, anh Bình đầu tư khoảng 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng rộng 1000m2 tập trung nuôi ốc nhồi sinh sản.
“Điểm ưu việt của nhà màng này là ổn định nhiệt độ cho ốc phát triển. Khi thời tiết quá lạnh, nhiệt độ xuống thấp cũng không ảnh hưởng tới ốc. Nếu thời tiết rét đậm rét hại, có thể thắp thêm điện sưởi ấm. Vào mùa mưa, nhờ có hệ thống mái che nhà màng nước mưa cũng không xối thẳng trực tiếp xuống ao nuôi làm thay đổi độ PH của nước”, anh Bình cho biết thêm.
“Vào vụ sinh sản, tôi gom trứng ốc nhồi cho vào rổ nhựa, đặt trong thùng xốp có nước bên dưới, để vào nơi râm mát, phun nước đảm bảo độ ẩm cho ốc nở đều. Sau khoảng 15 ngày, trứng ốc sẽ nở, tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 90%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi khoảng 20 ngày sau có thể xuất bán” – anh Bình nói.
Hiện tại, công ty của anh Bình đã mở rộng ra 7 chi nhánh lớn cùng với hơn 300 trại nuôi ốc nhồi theo hình thức liên kết ở tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành khác như: Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Nói về hướng phát triển trong tương lai, anh Bình rất muốn xây dựng một quy trình khép kín từ nuôi trồng đến chế biến các chế phẩm từ ốc nhồi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Bởi, người tiêu dùng, nhất là ở thành phố đang hướng tới nông sản sạch, chỉ cần sản phẩm bảo đảm chất lượng thì giá cao hơn họ vẫn sẵn sàng để mua.