Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, đến thời điểm cuối tháng 4, diện tích ốc hương thả nuôi trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 ha (thu hoạch ước đạt 290 tấn), trong đó ngoài 25,7 ha ở Ninh Hải, diện tích còn lại hầu hết tập trung tại vùng ven biển xã Phước Dinh (Thuận Nam). Nếu so với cùng kỳ năm trước, diện tích thả nuôi đã tăng thêm 19 ha, riêng Ninh Hải tăng 12,6 ha (tăng hơn 49%). Sở dĩ diện tích nuôi ốc hương tăng là do ốc hương có đầu ra trên thị trường tiêu thụ nội địa.
Còn nhớ cách đây 1 năm, vì tác động của COVID 19 nên ốc hương chỉ tiêu thụ nội địa, giá bán sụt giảm dẫn đến lãi suất thấp nên không kích thích người nuôi mở rộng diện tích thả nuôi. Đơn cử như Ninh Hải, cùng thời điểm này năm ngoái chỉ có hơn 13 ha, còn Phước Dinh thả nuôi chưa bằng 50% diện tích của năm 2019. Nhưng nay thì diễn tiến thị trường nội địa đang có những tín hiệu đáng mừng. Đầu tháng 4, chúng tôi đến khu vực nuôi tôm trên cát dọc ven biển thuộc các thôn từ Từ Thiện đến Sơn Hải 1 (Phước Dinh) để tìm hiểu. Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp, vùng này phổ biến nghề nuôi ốc hương trong ao cát trải bạt. Khác với tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng, ốc hương được thả nuôi từng đợt chứ không có thời vụ nhất định. Theo kinh nghiệm người nuôi, thường ốc nuôi trong vụ bấc chậm lớn hơn ốc nuôi trong vụ nam. Ốc hương có thời gian nuôi 7-8 tháng, tuy đầu tư vốn gấp đôi nuôi tôm nhưng nếu được giá sẽ cho thu nhập cao hơn và không sợ bị rủi ro do dịch bệnh. Giữa tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Gái, thôn Sơn Hải 1, với diện tích đìa nuôi 2 sào ốc hương, thu hoạch gần 10 tấn, giá bán 325.000 đồng/kg (loại 100 con) đã thu lãi gần 1,8 tỷ đồng.
Là mặt hàng thủy sản có giá trị kinh tế cao, những năm trước ốc hương có giá bán thương phẩm dao động từ 230.000-320.000 đồng/kg (loại 130 con/kg). Ốc hương tiêu thụ chủ yếu qua kênh xuất khẩu sang thị trường các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh (Thuận Nam) có 1 sào nuôi ốc hương, chia sẻ: Giờ tuy thị trường xuất khẩu chưa kịp mở lại nhưng ốc hương vẫn có tư thương đến mua, tiêu thụ ngay tại địa phương. Nếu năm ngoái, COVID 19 làm đứt khúc chuỗi xuất khẩu khiến ốc hương lao đao, giá bán giảm chỉ còn 180.000-200.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), thì nay nhờ tìm được đầu ra trên thị trường nội địa, ốc hương có xu hướng tăng dần giá. Anh Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Châu Cầu (doanh nghiệp hàng đầu chuyên nuôi ốc hương thương phẩm) tại thôn Sơn Hải 1, chia sẻ: Mọi năm bạn hàng nước ngoài như Trung Quốc, họ mua mỗi đợt 20-30 tấn ốc hương và đưa xe container đến chở hết một lần rất gọn, còn nay hằng ngày tư thương có thể mua 1-2 tấn, chậm nhưng chắc, hàng bán nội địa phải mất 15 ngày nhưng giá cao.
Vụ nuôi năm nay, ngoài 25 hồ nổi nuôi trong nhà, Công ty TNHH MTV Châu Cầu thả nuôi 3 đìa ngoài trời, đầu tháng Tư do tình hình trật tự an toàn vùng nuôi trở nên phức tạp, công ty buộc phải thu hoạch ốc hương sớm hơn 1 tháng tại 2 đìa (1,5 sào/đìa), sản lượng đạt khoảng 13 tấn. Khi đó ốc hương bán 380.000 đồng/kg (loại 80 con), còn hiện tại giá đã là 420.000 đồng/kg (cùng loại). Nếu so mức chênh lệch giá, với sản lượng trên công ty mất khoảng 520 triệu đồng vì thu hoạch sớm, chưa kể ốc hương non sẽ còn tăng trưởng trong 1 tháng, sản lượng còn cao hơn. Hiện công ty còn lại 1 ao lớn rộng 2 sào (ước sản lượng đạt 10 tấn), dự kiến qua lễ 30-4 sẽ thu hoạch tiếp. Anh Nguyễn Thanh Phi, thôn Sơn Hải 1, người được công ty hỗ trợ nuôi 1 sào đìa ốc hương cho hay, ốc hương nơi đây đang thu hoạch rộ và đa số bà con phấn khởi vì được mùa, được giá. Qua câu chuyện của Công ty TNHH MTV Châu Cầu và một số hộ nuôi, rõ ràng ốc hương đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường nội địa.
Theo anh Nguyễn Văn Châu, thường khách hàng Trung Quốc chỉ mua ốc hương nhỏ (loại size 120-150 con/kg) với giá trung bình 250.000 đồng/kg, ngược lại người Việt mình thích ăn ốc hương (loại không quá 100 con/kg), điều này đồng nghĩa là ốc hương nuôi cần thời gian và vốn bỏ ra nhiều hơn. Tuy nhiên, với giá bán ốc hương đang tăng cao bất ngờ, cho thấy ốc hương đã có đầu ra và khẳng định tiềm năng lớn của thị trường tiêu thụ nội địa. Nếu thị trường này tiếp tục duy trì thường xuyên, không còn chịu cảnh bấp bênh, lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu, ngành nuôi ốc hương tỉnh nhà sẽ có cơ hội phát triển ổn định và đóng góp tích cực cho kinh tế thủy sản.
Nguồn: Viet Linh