Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chế biến các nguyên liệu phụ phẩm thủy sản, đặc biệt từ tôm và cá tra của Việt Nam thời gian qua?
Những năm vừa qua, công nghiệp chế biến cá tra và tôm xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu, giải quyết được vấn đề về môi trường. Rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ cao cho việc chế biến các phụ phẩm cá tra và tôm.
Đối với các phụ phẩm cá tra, ngoài việc tách lọc lại những phần như bao tử, bóng cá thì những phần phụ phẩm khác như đầu, ruột, xương, đuôi cá được sử dụng làm bột cá – nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Cao cấp hơn, một số doanh nghiệp còn đầu tư công nghệ nhằm tách chiết xuất collagen và gelatin từ da cá. Việc đầu tư các công nghệ này giúp khép kín hoàn toàn được chuỗi sản xuất và chế biến cá tra. Việc tận dụng phụ phẩm có thể gia tăng 15 – 25% giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi và chế biến cá tra.
Trước những năm 2008 – 2009, khi chưa phát triển công nghiệp chế biến tinh bột cá, rất nhiều phụ phẩm không tận dụng hết và thải ra môi trường, gây ô nhiễm rất lớn. Hiện nay, tôi biết có khoảng 30 – 40 doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư vào chế biến bột cá từ phụ phẩm đầu cá và xương cá. Thêm vào đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào việc tách chiết xuất collagen từ da cá. Đây là bước tiến trong thời gian vừa qua để giải quyết những vấn đề về môi trường.
Riêng với ngành hàng tôm, chúng ta xuất khẩu dưới nhiều dạng gồm: Nguyên con; bóc vỏ; bỏ đầu. Do đó, phụ phẩm từ tôm thải ra môi trường cũng rất lớn. Việc đầu tư công nghệ để thủy phân, lấy đạm cũng như chiết tách chitin (chất có trong vỏ giáp xác, khi ly trích để sử dụng thường được biến đổi thành chitosan) và cao cấp hơn nữa là dùng công nghệ enzyme để sản xuất chitin – chitosan từ vỏ tôm, sản phẩm này có thể dùng làm dược phẩm hay các loại thuốc trừ nấm trên thực vật mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho ngành hàng này.
Giá trị mang lại từ việc chế biến các phụ phẩm từ thủy sản như thế nào, thưa ông?
Theo số liệu thống kê, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn/năm. Trong đó phụ phẩm chiếm khoảng 15 – 20% (khoảng hơn 1 triệu tấn). Đây là nguồn nguyên liệu quý để sử dụng và chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.
Đối với cá tra, việc tận dụng, chế biến tất cả các phụ phẩm, đặc biệt liên quan đến collagen từ da cá mang lại giá trị rất lớn. Mỗi năm, chúng ta sản xuất từ 1,5 – 1,7 triệu tấn cá tra và trong chế biến này khoảng 65 – 70% là phụ phẩm bao gồm đầu, xương, nội tạng, da cá.
Riêng với collagen, trên thế giới, mỗi năm nhu cầu từ 900 – 950 nghìn tấn collagen/năm, tương ứng với 7,5 – 8 tỷ USD. Nếu như chúng ta làm tốt khâu này thì sẽ đem lại giá trị gia tăng cho con cá tra.
Liên quan đến bột cá phục vụ cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu bột cá rất lớn, ngoài bột cá từ cá biển thì còn có bột cá từ cá tra, cá basa. Theo dự đoán của chúng tôi, thị trường Trung Quốc mỗi một năm có thể có nhu cầu đến 300 nghìn tấn. Nếu chúng ta chế biến tốt, tận dụng tốt phụ phẩm từ cá tra thì sẽ giúp gia tăng giá trị cho con cá tra của Việt Nam.
Trong ngành chế biến thủy sản, phụ phẩm từ ngành này có số lượng rất lớn, tuy nhiên sự đầu tư vào các nhà máy chế biến phụ phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước còn rất ít, theo ông, khó khăn vướng mắc ở đây là gì?
Về chế biến bột cá thì đơn giản, nhưng đối với collagen hay sản sản xuất chitosan từ chitin của tôm thì nó đòi hỏi công nghệ, quy trình mang tính chất cao hơn.
Trước kia, rất nhiều các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam để thu mua vỏ tôm, vỏ cua, vỏ ghẹ để họ làm thuốc trừ nấm. Cao cấp hơn là sử dụng công nghệ enzyme để sản xuất chitin – chitosan từ vỏ tôm. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai rất mạnh. Tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư để tận dụng phụ phẩm tốt này, gia tăng giá trị cho con cá tra, tôm Việt Nam.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phụ phẩm, tiến tới kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản, đặc biệt trong chế biến xuất khẩu thủy sản, hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Về các kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này, theo tôi, cần phải có sự đề xuất từ chính các doanh nghiệp qua đầu mối là Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương, hay bản thân doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các hoạt động này.
Cùng với sự hỗ trợ này, cần phải có sự đầu tư từ chính phía các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có đủ tiềm lực thì có thể nhập khẩu công nghệ, hay phát triển các công nghệ riêng của mình. Có như vậy mới có thể khai thác hết được giá trị của phụ phẩm thủy sản, gia tăng giá trị cho toàn ngành.
Nguồn: Công Thương