Thứ Sáu, 1/10/2021, 8:30

Một số đặc điểm sinh học sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita) phân bố ở ĐBSCL

Ngành Thân mềm có 8 lớp, Chân bụng là lớp lớn nhất với hơn 40.000 loài và cũng là lớp thích ứng cao nhất với môi trường sống (Richard and Gary, 2003). Họ ốc Ampullariidae thuộc lớp này với những loài ốc có kích thước lớn nhất trong các loài ốc nước ngọt. Ốc bươu đồng (Pila polita) là 1 trong 5 loài thuộc họ ốc Ampullariidae hiện phân bố ở Việt Nam (Đặng Ngọc Thanh và ctv., 2003).

 

Ngoài Việt Nam, ốc bươu đồng còn phân bố phổ biến ở Indonesia, Cambodia, Lào, Trung Quốc và Thái Lan, loài ốc bươu đồng này sống trong ao, mương vườn, kênh và ruộng lúa ở vùng đồng bằng (Dillon, 2000). Ốc bươu đồng là một loài thân mềm có giá trị kinh tế do thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng (Đỗ Huy Bích và ctv., 2003; Lê Văn Bình và Ngô Thị Thu Thảo, 2017), thành phần dinh dưỡng có trong 100 g ốc bươu đồng bao gồm: 84 kcal năng lượng; 11,1 g chất đạm; 0,7 g chất béo; 8,3 g chất bột đường; 1310 mg calcium; 64 mg photpho; 1 số loại vitamin (B1, B2, PP,…) và nhiều amino acid cần thiết cho cơ thể như lysine, methionine, phenylalanine, valine, leucine, isoleucine, threonine và tryptophan (Đỗ Huy Bích và ctv., 2003).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ốc bươu đồng là loài ốc bản địa sinh sống từ lâu đời ở thủy vực nước ngọt (chủ yếu là ở ao và mương vườn) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đặng Ngọc Thanh và ctv., 2003). Tuy nhiên, nguồn lợi ốc bươu đồng trong tự nhiên ngày càng suy giảm do nhiều nguyên nhân có thể là khai thác quá mức, môi trường ngày càng ô nhiễm, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Hiện nay, có ít nghiên cứu về mối tương quan chiều cao và khối lượng cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sinh học của ốc bươu đồng phân bố ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong xu thế đa dạng hóa các loài vật nuôi và nhu cầu bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, để có thể đưa một loài mới vào nuôi thì việc nghiên cứu đặc điểm sinh học nói chung và đặc điểm sinh sản nói riêng là rất cần thiết cho quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trên cơ sở đó nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản của ốc bươu đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện nhằm khảo sát một số đặc điểm về sinh sản của ốc bươu đồng, phục vụ cho những nghiên cứu về sản xuất giống đối tượng nuôi thủy sản này và các vấn đề có liên quan khác.

Lê Văn Bình nghiên cứu sinh khóa 2015, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, Ngô Thị Thu Thảo Khoa Thuỷ sản, Trường Đại học Cần thơ thực hiện.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2017. Địa điểm tiến hành thu mẫu khảo sát là mương vườn ở huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp; huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Mùa khô từ tháng 11 – 4 hàng năm và mùa mưa từ tháng 5 – 10 hàng năm (Viện khoa học khí tượng thủy văn môi trường, 2010). Dụng cụ kiểm tra môi trường thủy vực thu mẫu: nhiệt độ (máy đo Hanna), pH (máy đo Hanna), kiềm, NO2 – , NH4 + /NH3 (TAN), oxy hòa tan bằng bộ test SERA của Đức.

Phương pháp thu mẫu và xử lý số liệu Phương pháp thu mẫu ốc Mẫu ốc bươu đồng được thu từ tự nhiên mỗi tháng 1 lần bằng cách bắt bằng tay ở các thủy vực khác nhau (mương vườn, kênh và ruộng lúa) ở các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Mẫu ốc được thu từ 6 – 10 giờ vào buổi sáng. Tổng cộng có 5152 mẫu ốc bươu đồng (ốc cái: 2513 mẫu; ốc đực: 2639 mẫu; trong đó: 3367 mẫu thu mương vườn, 1173 mẫu thu kênh và 612 mẫu thu ruộng lúa) được thu và phân tích. Mẫu ốc còn sống được vận chuyển về Trại thực nghiệm Động vật thân mềm – Bộ môn Kỹ thuật nuôi Hải sản – Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ để tiến hành phân tích. Phương pháp xác định các chỉ tiêu kích thước và khối lượng ốc bươu đồng Chiều cao được đo từ đỉnh ốc đến vành miệng ốc bằng thước kẹp caliper (sai số 0,01 mm), chiều rộng là khoảng cách rộng nhất của tầng thân và vuông góc với chiều cao vỏ, khối lượng ốc được cân bằng điện tử 2 số thập phân (sai số 0,01 g). Phương pháp xác định các chỉ tiêu sinh học Hệ số điều kiện (CF): Mẫu ốc thu qua các tháng được cân khối lượng và đo chiều cao từng cá thể, sau đó xác định hệ số điều kiện từng tháng theo công thức của King (1995): CF =W/Lb (trong đó: W là khối lượng ốc (g); L là chiều cao của ốc (mm); b là hệ số tăng trưởng được xác định qua phương trình hồi quy W = a×Lb ). Đặc điểm tăng trưởng của ốc được thể hiện thông qua tham số tăng trưởng b (tăng trưởng đồng bộ khi b = 3, tăng trưởng ưu thế khối lượng hơn chiều cao khi b > 3, tăng trưởng ưu thế chiều cao hơn khối lượng khi b < 3) (Froese, 2006). Xác định chỉ số độ béo (Quayle and Newkirt, 1989): Độ béo (%) = Khối lượng thịt (g)/Khối lượng tổng (g) × 100 Chỉ số thể trạng (Condition Index, CI, Zetina et al., 2000): CI (mg/g) = DWS/DWV × 100; trong đó: DWS: khối lượng thịt ốc được sấy khô ở 60°C sau 24 giờ ; DWV: khối lượng vỏ ốc tươi (g). Tỉ lệ thịt khô (%) của ốc được tính theo công thức: (DWS/DWM) × 100; trong đó: DWS là khối lượng thịt được sấy khô ở 60oC sau 24 giờ (g); DWM là khối lượng thịt trước khi sấy (g). Phương pháp ghi nhận các chỉ tiêu môi trường Thu thập các chỉ tiêu môi trường tại điểm thu mẫu như nhiệt độ, pH, độ kiềm, hàm lượng NO2 – , NH4 + /NH3 (TAN) và oxy hòa tan, bằng bộ test SERA (Germany). Mẫu nước được lấy ở vị trí cách bờ 5 – 10 cm.

KẾT LUẬN Khối lượng, chiều cao và chiều rộng của ốc tăng dần cùng với gia tăng nhóm kích thước. Tương quan giữa chiều cao và khối lượng tổng cộng của ốc bươu đồng có dạng phương trình hồi quy, ốc cái là W = 0,0008*H2,6399 (R2 = 0,9078) và ốc đực là W = 0,0008*H2,6404 (R2 = 0,9033). Vào mùa mưa hệ số độ béo ở ốc bươu đồng cao hơn so với mùa khô, trái lại, mùa mưa chỉ số thể trạng ở ốc bươu đồng thấp hơn so với mùa khô. Trong khi đó, tỉ lệ nước và vật chất khô trong cơ thể không có sự thay đổi lớn theo mùa.

Hệ số độ béo tăng dần đến nhóm kích thước 46 – 50 mm ở ốc đực và 50 – 55 mm ở ốc cái, sau đó giảm dần đến nhóm kích thước >65 mm ở cả hai nhóm giới tính. Ốc bươu đồng cái ngoài tự nhiên có hệ số độ béo cao hơn ốc bươu đồng đực.

NTD
Theo Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Tập 56, Số 2B (2020): 117-126