Tại Núi Thành, mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng trong lồng bè, trong ao lót bạt được một số hộ triển khai thí điểm, mang lại hiệu quả bước đầu.
Hiệu quả ổn định
Mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng trong lồng bè được nhiều người dân triển khai ở các xã ven biển Tam Hải, Tam Hòa (Núi Thành), bước đầu cho hiệu quả kinh tế ổn định. Song, mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng trong ao nuôi lót bạt vẫn còn mới mẻ và bắt đầu manh nha tại xã Tam Tiến.
Bên cạnh học tập kinh nghiệm một số hộ nuôi tại Tam Hải, Tam Hòa, ông Nguyễn Văn Đức (thôn Ngọc An, xã Tam Tiến) vào Nha Trang, Ninh Thuận học hỏi kinh nghiệm, nhập cá giống, thả nuôi 3 lứa cá giống xen kẽ từ tháng 4.2019, tổng số lượng cá giống thả mỗi đợt là 3 vạn con.
Với 3 ao hồ nuôi tôm lót bạt được cải tạo kỹ, ông Đức sử dụng 1 ao nuôi hơn 1.000m2 làm khu ươm nuôi cá giống dành cho cá từ khi nhập về tới khi đạt 1 tháng tuổi. Với 2 ao nuôi hơn 2.000m2 còn lại, ông thả nuôi cá đạt 1 tháng tuổi trở lên và nuôi liên tiếp 4 tháng, tới khi xuất bán. Từ tháng 4.2020 tới nay, ông thả nuôi liên tiếp 3 lứa cá giống, mỗi lứa 3 vạn con. Hiện, lứa cá nuôi đầu tiên ông đã xuất bán với giá 120 nghìn đồng/kg tại ao; lứa cá thứ 2 chuẩn bị xuất ra thị trường và lứa cá thứ 3 mới 1 tháng tuổi đang được ươm nuôi tiếp…
Theo ông Đức, cá chim trắng vây vàng là đối tượng nuôi cho hiệu quả và thu nhập ổn định. Giá cá chim trắng vây vàng luôn ổn định. Thời điểm dịch Covid-19, loại cá này có mức giá 120 – 140 nghìn đồng/kg; bình thường xuất qua cửa khẩu giá sẽ cao, từ 140 – 180 nghìn đồng/kg.
“So với con tôm thì lợi nhuận từ con cá này không bằng nhưng ổn định hơn, rủi ro ít hơn, thị trường cũng rất chuộng” – ông Đức nói. Ông Đức nhẩm tính, 3 lứa nuôi liên tiếp khi xuất bán sẽ cho lãi 400 – 500 triệu đồng. Ông còn thả nuôi xen ghép cá này với tôm trong ao nuôi, giúp vật nuôi tận dụng thức ăn, không gian ao hồ…
Triển vọng nhân rộng
Theo ông Nguyễn Văn Đức, việc nuôi cá trong ao lót bạt giúp tận dụng diện tích ao nuôi rộng lớn từ các ao nuôi tôm trước đó nhưng do rủi ro, dịch bệnh, phải bỏ hoang ao hồ. Trước khi thả nuôi, ông Đức cải tạo ao nuôi rất kỹ, rắc vôi, xử lý mầm bệnh, vi sinh vật có hại. Mỗi tháng, để ao hồ luôn sạch sẽ, thông thoáng, chất lượng nguồn nước được cải thiện, ông dùng men vi sinh cải tạo môi trường nước, hạn chế nấm, vi khuẩn, tảo có hại phát triển. Cá chim trắng vây vàng nuôi trong ao lót bạt phải chú trọng đảm bảo lượng oxy, nhiệt độ phù hợp cho cá sinh trưởng, phát triển tốt là từ 26 – 32oC… Thức ăn cho cá là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, tảo, sinh vật phù du, cá lớn còn có thể ăn thêm cá tươi xắt nhỏ và tùy theo cỡ cá để điều chỉnh cho phù hợp. Mỗi ngày, cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát. Những ngày trời lạnh (nhiệt độ nước dưới 17oC) hoặc trời nóng (nhiệt độ nước hơn 36oC) không cho cá ăn.
Theo ông Lê Văn Hiệp – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, một số mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng trong lồng bè tại địa phương khá hiệu quả. Ở Tam Hải, có thể kể tới hộ ông Hoàng Anh Thi nuôi 6 lồng với 3.000 con giống; còn ở Tam Hòa điển hình là mô hình của hộ ông Ninh Đức Chính với diện tích ao nuôi rất lớn. Mô hình nuôi trong ao lót bạt ở một số hộ xã Tam Tiến là hướng mới, đòi hỏi phải đảm bảo lượng oxy cần thiết cho môi trường ao nuôi, tránh thất thoát.
“Mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng là hướng chuyển đổi cơ cấu con vật nuôi hiệu quả. Dù lợi nhuận từ cá chim trắng vây vàng không bằng con tôm nhưng ổn định và rủi ro ít hơn. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo, người dân nên chuyển đổi dần những diện tích nuôi tôm thường xuyên bị thiệt hại do rủi ro dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường sang nuôi cá chim trắng vây vàng, nuôi cá bớp, cá mú, cá dìa… cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Có thể chuyển đổi toàn bộ diện tích sang nuôi các đối tượng cá có kinh tế hoặc xen nuôi một vụ tôm với một vụ cá trong năm để có lợi nhuận cao” – ông Hiệp nói.
Triêu Nhan
Nguồn: Baoquangnam.vn