Thứ Ba, 10/10/2023, 16:00

Bình Định: Kể chuyện Mỹ Thành nuôi hàu Thái Bình Dương

Một dây hàu 3 tháng tuổi của anh Trần Vũ Nam ở thôn Vĩnh Lợi 1, xã Mỹ Thành. Ảnh: GIA BẢO

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực đầm Ðề Gi thuộc xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã khấm khá lên nhờ nuôi thành công giống hàu Thái Bình Dương.

Theo ngư dân quanh đầm khu vực này, trước đây đầm chỉ có một ít tàu thuyền neo đậu, phần lớn còn lại bỏ không. Từ khi dân triển khai mô hình nuôi hàu thì mặt đầm trở nên giàu sinh khí, rộn ràng hơn.

Thành công đến nhanh

Hàu giống được cấy sẵn vào trong vỏ hàu lớn, xâu vào dây cước rồi cột vào các thanh bè (bằng tre, bạch đàn…) treo lơ lửng dưới nước, được ngư dân mua từ các tỉnh phía Bắc và Khánh Hòa… Nuôi hàu có một điểm rất thuận lợi là không cần cho ăn như những loài vật nuôi khác, nó tự ăn các sinh vật phù du và tảo biển có trong nước. Nuôi hàu thương phẩm có thể xuất bán ở ba giai đoạn: Khi hàu còn nhỏ có thể bán để làm thức ăn cho tôm hùm; ở giai đoạn hàu sữa cỡ trung bình có thể bán để tách lấy thịt và hàu thương phẩm khi con hàu lớn đạt kích thước tối đa, khoảng 20 cm.

Là người đầu tiên nuôi thành công hàu Thái Bình Dương ở vùng ven đầm Đề Gi, chị Phạm Thị Thi, 33 tuổi, ở thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành, cho biết: Tôi có nhiều năm nuôi tôm thất bại, đến năm 2021, được một số người anh trong nghề giới thiệu về giống hàu Thái Bình Dương, tôi bắt đầu tìm hiểu. Càng nghiên cứu tôi càng thấy hấp dẫn, lại khả thi, phù hợp với vùng ven đầm nên tôi gác việc nuôi tôm lại, triển khai thử nghiệm nuôi hàu…

Ban đầu chị Thi nuôi một bè, chỉ 4 tháng sau khi thả nuôi, hàu đạt kích cỡ hàu sữa, chị gọi bán thành công toàn bộ 20 tấn hàu, lãi khoảng 200 triệu đồng. Chị Thi chia sẻ: Cùng một lứa hàu sữa nhưng kích cỡ hàu rất khác nhau, hàu to giá dao động 30.000 – 35.000 đồng/kg, hàu sữa đã tách bỏ vỏ có giá 90.000 – 100 nghìn đồng/kg. Đối với loại để làm thức ăn cho tôm hùm, ốc hương, chỉ ở mức 5.500 – 6.000 đồng/kg. Nói chung chính tôi cũng không ngờ thành công lại đến nhanh như vậy, có lẽ một phần do tôi cũng đã quen việc nuôi tôm, kỹ thuật nuôi các loài thủy sản.

Mô hình của chị Thi gây ấn tượng lớn nên nhiều hộ xung quanh cũng nhanh chóng học theo và áp dụng. Số hộ nuôi tăng nhanh đồng thời lượng lồng bè và khối lượng hàu thả nuôi cũng tăng đột biến nhưng mức lãi từ loài vật nuôi vẫn đủ hấp dẫn nên số hộ gia nhập làng bè nổi nuôi hàu Thái Bình Dương vẫn đều đặn tăng thêm.

Bình Định: Kể chuyện Mỹ Thành nuôi hàu Thái Bình Dương
Một dây hàu 3 tháng tuổi của anh Trần Vũ Nam ở thôn Vĩnh Lợi 1, xã Mỹ Thành. Ảnh: GIA BẢO

Tìm hướng đi để hỗ trợ bà con

Hầu hết những người nuôi hàu ở Mỹ Thành cho biết, trung bình sau khoảng 4 – 4,5 tháng nuôi 1 bè hàu rộng từ 350 – 400 m2 sẽ thu được khoảng 20 tấn hàu sữa, nếu tiếp tục nuôi đến tháng thứ 6 – 7 sẽ thu được khoảng 40 tấn hàu cỡ lớn, khi đó hệ số lãi sẽ lớn hơn rất nhiều nhưng việc nuôi cũng cực hơn, tỷ lệ rủi ro cũng cao hơn.

Cuối năm 2022, anh Trần Vũ Nam ở thôn Vĩnh Lợi 1 bắt đầu thả nuôi 3 bè hàu/hơn 1.300 m2. Cùng thời điểm đó, khoảng 40 hộ trong thôn cũng khởi sự nuôi hàu. Anh Nam cho biết: Như nhiều hộ nuôi hàu khác, tôi cũng thích bán hàu sữa hơn, sau mỗi vụ hàu tôi lãi khoảng 120 triệu đồng. Thịt hàu là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, vì vậy tôi đang tìm cách kết nối để phát triển đầu ra, mở rộng vùng tiêu thụ.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Mỹ Thành, trên địa bàn xã hiện có khoảng 50 hộ đang nuôi hàu bằng lồng bè ở ven đầm Đề Gi, tập trung nhiều nhất ở thôn Vĩnh Lợi 1, rải rác ở các thôn Hưng Tân, Vĩnh Lợi 2. Nghề nuôi hàu mang lại nguồn thu nhập tốt cho ngư dân, đồng thời góp phần ổn định hệ sinh thái, môi trường nước. Từ khi vùng ven đầm này có nghề nuôi hàu, con hàu chưa khi nào bị mất giá.

Thời gian qua, việc nuôi hàu đã tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nhất là lao động nữ (tiền công ở mức 200 – 250 nghìn đồng/ngày). Đặc biệt lượng vỏ hàu dồn lại từ hàu chết, hàu tách vỏ… được đem bán đi cho các lò vôi, là nguồn nguyên liệu làm vôi được đánh giá cao.

Ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, chia sẻ: Do lượng hộ nuôi hàu ngày càng lớn có thể sẽ khiến việc tiêu thụ khó khăn hơn, nên trong định hướng phát triển kinh tế vùng ven biển của huyện và tỉnh, chúng tôi đang nghiên cứu giúp bà con tìm thêm nơi tiêu thụ, đồng thời có thể kết nối để khai thác làng nuôi hàu trên mặt đầm Đề Gi vào lĩnh vực du lịch. Ngồi trên bè ngắm cảnh biển đầm rất đẹp, nếu còn thưởng thức hương vị con hàu tươi thì rất hấp dẫn!

Hàu Thái Bình Dương (còn có tên là hàu Nhật Bản, hàu Miyagi) có nguồn gốc từ vùng ven biển châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt ở Nhật Bản. Hàu Thái Bình Dương có kích thước lớn (trung bình 18 – 20 cm) và giàu dinh dưỡng nhất trong các loài hàu.

Hàu Thái Bình Dương được du nhập vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, được sản xuất giống, nuôi thương phẩm phổ biến ở các vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa…

Gia Bảo

Nguồn: Báo Bình Định