Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định, phong trào nuôi cá rô đầu vuông đã bắt đầu được nhân ra trên diện rộng. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt về quy mô và diện tích mà chưa có sự định hướng của các cơ quan quản lý sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ về rủi ro dịch bệnh. Bà con nuôi cá cần chú ý một số vấn đề cơ bản trong việc phòng và trị bệnh cho cá rô đầu vuông như sau:
1. Phòng bệnh
– Luôn giữ cho môi trường bể sạch sẽ, tránh gây xáo trộn môi trường trong quá trình nuôi.
– Định kỳ 10 – 15 ngày dùng vôi bột với liều lượng 1 – 2 kg/100m2 hoà nước tạt để ngừa bệnh cho cá.
– Cá thả nuôi khỏe mạnh, mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm. Cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng.
– Thường xuyên bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.
– Theo dõi các hoạt động của cá, kịp thời phát hiện cá bị bệnh cách ly để điều trị.
2. Trị bệnh
* Hội chứng lở loét
– Nguyên nhân: có thể do kí sinh trùng, vi khuẩn, nấm và các yếu tố môi trường.
+ Kí sinh trùng: một số kí sinh trùng đơn bào (Trichodina, Ichthyophthirius, Chilonella)
+ Vi khuẩn Aeromonas hydrophia, Pseudomonas sp, Vibrio sp. …có liên quan đến một số bệnh lở loét da của cá.
+ Nấm Saprolegnea, Achlya liên quan đến bệnh lở loét da cá.
– Triệu chứng: hiện tượng cá nổi lờ đờ bỏ ăn và cuối cùng là chết. Các dấu hiệu bên ngoài thể hiện trên cơ thể cá: xuất hiện các vết loét màu đỏ, thương tổn lan rộng thành những vết loét lớn.
– Trị bệnh: bằng cách bón Chlorine trực tiếp xuống ao với liều lượng 1ppm, ngày hôm sau bón 0,5 ppm sau đó tiến hành thay 50% lượng nước. Kết hợp cho ăn kháng sinh: Oxytetracyline với liều lượng 50 mg/kg cá/ngày.
* Bệnh do vi khuẩn Aeromonas
– Nguyên nhân: do trực khuẩn Aeromonas hydrophila. Vi khuẩn này thường sống ở nước, đặc biệt là nước có nhiều hữu cơ.
– Triệu chứng: da xuất hiện vết viêm đỏ, lở loét dần và sâu vào bên trong cơ. Bụng trương chứa đầy dịch nhớt.
– Trị bệnh: dùng kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá: Sulfamid liều dùng 100-200 mg/kg cá/ngày. Ngoài ra dùng Rifamycine cho ăn với liều lượng 25-50 mg/1kg cá/ ngày cho ăn 5-7 ngày. Dùng Chlorine bón 0,5-0,7 ppm, ngày hôm sau tiến hành thay 30-50% lượng nước.
* Bệnh trùng bánh xe (Trichodinosis)
– Nguyên nhân: có nhiều giống loài thuộc họ trùng bánh xe gây bệnh cho cá. Thường gặp các loài thuộc giống Trichidina, Trichodinella….
– Triệu chứng bệnh: trên thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục, da cá chuyển màu xám, cá nổi từng đàn trên mặt nước.
– Trị bệnh: sử dụng kết hợp 2 hóa chất xanh methylen (0,3 ppm) và đồng sunphat CuSO4 (0,5 ppm) bón trực tiếp xuống ao. Ngày thứ 2 giảm một nửa lượng thuốc sau đó tiến hành thay nước.
* Bệnh trùng quả dưa (Ichthyphthiriosis)
– Nguyên nhân: trùng gây bệnh thuộc loài Ichthyphthiriosis midtiliis.
– Triệu chứng: da, mang, vây của cá bệnh có nhiều trùng bám thành những hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi đục có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Da và mang cá có nhiều nhớt, màu sắc hơi nhạt. Cá bệnh thường nổi từng đàn trên mặt nước, bơi lờ đờ.
– Trị bệnh: sử dụng xanh methylen bón trực tiếp xuống ao. Nồng độ sử dụng 0,7 ppm, bón 2 lần liên tiếp ngày sau giảm một nửa lượng thuốc.
Trên đây là một số lưu ý cơ bản về việc phòng và trị bệnh cho cá rô đầu vuông để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Thành Nguyên
Tepbac.com