Mô hình nuôi tôm càng xanh bắt đầu du nhập về tỉnh Thanh Hóa từ năm 2020. Sau hơn 2 năm được đưa vào thả nuôi, mô hình này đang dần chứng minh được hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Đến thăm mô hình nuôi tôm càng xanh của gia đình anh Nguyễn Văn Nam, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) đúng lúc đang thu tỉa lứa đầu tiên. Nhìn những con tôm to khỏe, đủ để thấy được sự phù hợp của nguồn nước, thổ nhưỡng cũng như điều kiện khí hậu nơi đây đối với đối tượng con nuôi này.
Chia sẻ với chúng tôi về cơ sở lựa chọn đối tượng tôm càng xanh để đưa vào thả nuôi, Nguyễn Văn Nam cho biết: Là người từng có kinh nghiệm nhiều năm trong việc chăm sóc diện tích nuôi thủy sản ở các tỉnh miền Tây, nên khi có dịp đến cánh đồng thôn Vĩnh Trị 2, xã Hoằng Quang, anh Nam nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình nuôi thủy sản của vùng đất này. Vì vậy, sau khi khảo sát địa hình, tự lấy mẫu đất, mẫu nước gửi đến các đơn vị chuyên môn nhờ phân tích, rồi tham khảo ý kiến từ nhiều người có kinh nghiệm, năm 2020, anh quyết định thuê khu đất này và tiến hành cải tạo, đưa tôm càng xanh vào thả nuôi. Sau 3 tháng nuôi, tôm càng xanh sinh trưởng, phát triển tốt, nên anh quyết định mở rộng quy mô nuôi lên tới 2 ha. Sau 6 tháng thả nuôi với quy mô lớn, diện tích nuôi tôm càng xanh bắt đầu cho thu hoạch. Anh Nam cho biết: Hiện tại, anh đang lọc ra các con to để tiến hành thu hoạch. Anh dự kiến, sau 6 tháng nuôi, năng suất tôm đạt khoảng 1,2 đến 1,4 tấn/ha, doanh thu đạt từ 300 đến 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 120 đến 150 triệu đồng/ha.
Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình nuôi, anh Nam cho biết: Ưu điểm lớn nhất của đối tượng con nuôi này là thời gian nuôi có thể kéo dài, nên người nuôi không bị áp lực bởi thị trường. Tôm nuôi 6 tháng là có thể cho thu hoạch. Tuy nhiên, thời gian nuôi có thể kéo dài tới 1 năm, thậm chí dài hơn. Tôm nuôi càng lâu, trọng lượng và giá thành càng quá cao, lợi nhuận cũng tăng lên, nên người nuôi không lo bị ép giá. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để nuôi tôm càng xanh cũng không quá cao, kỹ thuật nuôi cũng đơn giản. Bản thân tôm càng xanh là đối tượng nuôi khỏe, khả năng thích nghi cao, nên ít xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro thấp. Ngoài ra, đối với người eo hẹp về nguồn vốn và không chủ động được thị trường như anh thì có thể lựa chọn phương thức hữu cơ, tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có trong nguồn nước, bổ sung thêm cá tạp và sẽ giảm được chi phí. Bí quyết nuôi thành công tôm càng xanh, chính là nguồn nước phải sạch; do đó, người nuôi cần chú trọng đến việc vệ sinh, xử lý nguồn nước trước khi dẫn vào ao nuôi. Quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh nước, tiêu diệt tạp khuẩn gây bệnh trên tôm bằng các chế phẩm sinh học. Ngoài ra, việc lựa chọn con giống thả nuôi cũng quan trọng không kém. Hiện nay, hầu hết con giống tôm càng xanh đều đang phải nhập từ tỉnh ngoài. Vì vậy, các hộ dân cần phải tìm hiểu, lựa chọn các cơ sở cung ứng giống uy tín, bảo đảm chất lượng để đặt mua.
Kết quả bước đầu đã cho thấy sự phù hợp với triển vọng của mô hình nuôi tôm càng xanh. Vì vậy, một số hộ dân ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Yên Định đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình này. Được biết, để giúp mô hình nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả kinh tế cao, hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm càng xanh bằng hình thức nuôi hữu cơ, nuôi công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường cho các hộ nuôi. Đồng thời, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền về mô hình để nhân rộng.
Bài và ảnh: Hương Thơm
Báo Thanh Hóa