Cần Giờ là vùng đất chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều, do đó trong vùng có sự hiện diện của các loại đất phèn và đất phèn mặn đặc biệt là loại đất phèn tiềm tàng. Đối với vùng đất bị nhiễm phèn nặng, việc phơi đáy ao sẽ dẫn đến hiện tượng mao dẫn, làm phèn từ bên dưới chuyển lên bề mặt, pyrit (FeS2) trong đất có điều kiện tiếp xúc với không khí và phát triển thành phèn hoạt động khi gặp oxi. Hậu quả là khi nước cấp vào ao nuôi sau vài ngày sẽ xuất hiện lớp phèn sắt vàng (do oxi hóa Fe2+ Fe3+) phủ khắp đáy ao. Quá trình oxi hoá sắt sulphua trong đất chua phèn sản sinh ra axit H2SO4. Axit này được giải phóng vào nước khi thiếu CaCO3 là nguyên nhân làm cho độ pH của nước trong đầm hạ thấp cực độ, ảnh hưởng tới lượng khoáng vật trong đất, làm mất cân bằng trong hệ thống carbonat, giải phóng kim loại nặng và độc tố vào trong nước, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn thức ăn tự nhiên của tôm, hậu quả là làm cho tôm chậm phát triển hay không lột vỏ được. Ngoài ra, các ion Fe3+, Al3+ sinh ra trong quá trình này sẽ gây khó khăn cho việc gây màu nước. Khi người nuôi tôm bón phân gây màu nước đầu vụ nuôi (urê, lân) thì phân lân sẽ bị các ion Fe3+, Al3+ hoặc lớp phèn ở đáy ao hấp thụ nên không phóng thích được vào môi trường nước. Trong ao có sự mất cân đối giữa tỉ lệ đạm và lân, do đó không đủ dinh dưỡng cho tảo phát triển và khó gây màu nước. Việc bón vôi cũng không thuận lợi do vôi bị lớp phèn đáy ao giữ lại, làm cho việc nâng pH lên khó khăn. Bên cạnh đó, lớp phèn tiềm tàng còn làm giảm hiệu lực của chlorine khi sát trùng nước, vì vậy đối với đặc điểm của loại đất này ta nên tăng hàm lượng của chlorine.
Ngoài ra, lớp đất đáy đầm trong quá trình đào ao nuôi sẽ được sử dụng để đắp đê, khi lớp đất này phơi trong không khí tạo nên lượng phèn đáng kể. Mưa lớn sẽ làm cho phèn rửa trôi xuống đầm. Để được xây dựng từ đất phèn thì sự phát triển của cây cỏ bao phủ mặt đê rất chậm, khiến cho sự xói mòn thêm mãnh liệt. Điều đó sẽ tốn công bảo dưỡng đê và vận chuyển trầm tích ra ngoài đầm nuôi. Thêm vào đó, do quá trình oxy hóa, axit sunfurit cùng với sắt và nhôm hoạt tính dội xuống đầm cùng với đất xói mòn làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước.
Đối với các ao cũ, công tác cải tạo ao, nhất là xử lý nền đáy ao cần được quan tâm đúng mức. Đây được xem là phần kĩ thuật có tính chất quyết định trong quá trình nuôi tôm. Việc làm này có tác dụng làm giảm lượng khí độc như NH3, H2S, CH4 cũng như các mầm bệnh tích tụ trong đáy ao ở vụ trước. Nếu việc cải tạo ao không tốt, đầm nuôi tôm sẽ diễn biến theo chiều hướng có hại, sản lượng tôm sẽ thấp dần, đi đến thoái hóa và hoang hóa.
Mặt khác, nếu sau một vụ nuôi tôm mà không rút nước, không nạo vét, bón vôi, phơi đáy, hoặc ao nuôi lâu ngày bỏ hoang không cải tạo với mức nước trong ao thấp (<30 cm) vào mùa khô sẽ tạo điều kiện tốt cho tảo đáy phát triển. Sự phát triển của nhiều thế hệ tảo chồng chất lên nhau làm cho đáy ao có một lớp phủ màu xanh lam đen. Nếu cải tạo ao không kĩ, khi lấy nước vào ao, các lớp tảo chết từ đáy ao bị bong tróc nổi lên liên tục đầy khắp mặt ao, gây trở ngại cho sự phát triển của tôm mới thả. Các đê bao được hình thành khá lâu nhưng không có kế hoạch duy tu bảo dưỡng sẽ trở nên lỏng lẻo, việc rò rỉ là không thể tránh khỏi. Hệ thống sục khí oxi và hệ thống cánh quạt nước nếu không lắp đặt đúng cách cũng làm cho oxi xuống sâu bên dưới lớp bùn đáy, đây cũng là tác nhân làm cho phèn tiềm tàng trở thành phèn hoạt động, làm giảm chất lượng nước ao nuôi ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm hoặc làm cho tôm chết. Hơn nữa, đáy ao có độ sâu không đồng bộ sẽ không phát huy được tác dụng của quạt nước. Nếu phần đáy ao có mức nước <0,8m thì quạt nước sẽ xói mòn đáy ao mạnh và nước sẽ bị đục. Nếu phần đáy ao có mức nước >1,2m thì ảnh hưởng của quạt nước đến đáy ao sẽ bị hạn chế do đó các chất bẩn lắng tụ sẽ không được cuốn đi một cách triệt để.
Tóm lại, hoạt động nuôi tôm đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp, tích cực và tiêu cực lên đời sống cũng như môi trường tự nhiên của Huyện Cần Giờ. Tất cả các khâu từ chuẩn bị ao, làm đất, cung cấp thức ăn, sử dụng hóa chất, thu hoạch và xả thải đều tạo ra những biến đổi môi trường xung quanh ao nuôi tôm. Đa số các ao nuôi có mực nước thấp, bờ không giữ nước tốt, cống đơn giản, ao lắng không có hoặc có cũng không được sử dụng đúng cách. Do đó, việc quản lý nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho một loạt các vụ gần đây thất thu gây khó khăn lớn cho bà con nuôi tôm Huyện Cần Giờ. Việc đánh giá tác động nội vi của kỹ thuật xử lý nền đất, sử dụng hóa chất và thức ăn nuôi tôm, bệnh tôm và xác tôm chết, tác động ngoại vi của thủy triều, xâm nhập mặn, lan truyền ô nhiễm từ thượng lưu và biển tới chất lượng môi trường nước nuôi tôm sẽ giúp chúng ta có cơ sở khoa học để đưa ra các biện pháp quản lý tổng hợp nhằm cải thiện và đảm bảo an toàn nước vùng nuôi tôm Cần Giờ.
Lê Mạnh Tân
Nguồn: htraqua.vn