Cá chép giòn thực chất là cá chép mà chúng ta vẫn thường ăn. Sự khác biệt giữa cá chép giòn và cá chép thường là thịt cá chép giòn dai, giòn, săn chắc, bụng không có mỡ. Cá chép giòn không phải do giống mà cần phải sử dụng một loại thức ăn đặc biệt để nuôi đó là hạt đậu tằm.
Để nuôi cá chép giòn, phải thực hiện qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 sử dụng giống cá chép thường để nuôi lên cá chép thương phẩm (cá đạt 0,8 kg – 1kg/con), giai đoạn 2 là nuôi cá chép thương phẩm lên cá chép giòn.
1. Chuẩn bị ao nuôi
Cũng giống như các đối tượng nuôi nước ngọt khác, ao nuôi cá chép giòn thương phẩm có chất đáy không bị chua, mặn; gần nguồn nước sạch, không có các mạch nước ngầm độc hại gây nguy hiểm cho cá. Nên bố trí ao gần chuồng trại hoặc gần nhà để tiện chăm sóc, quản lý; gần đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển thức ăn, vận chuyển cá giống và cá thương phẩm khi thu hoạch.
Trước khi nuôi cá, phải chuẩn bị ao theo các bước sau:
– Kè đá, xi măng hoặc lót bạt ao nuôi, hoặc làm giai đặt trong ao, mục đích để hạn chế nguồn thức ăn tự nhiên, cá sẽ sử dụng hoàn toàn thức ăn đậu tằm.
– Tháo cạn ao, dọn sạch bèo, cỏ, vét bùn (nếu lượng bùn quá nhiều), san phẳng đáy.
– Tẩy vôi khắp đáy ao để diệt cá tạp và mầm bệnh bằng cách rải đều từ 8-10kg vôi bột cho 100m2 đáy ao.
– Phơi ao khoảng 3 ngày, sau đó lấy nước vào ao với mức từ 1,5 – 1,8 m, nước lấy vào ao phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm bẩn. Nước lấy vào ao cần được lọc bằng đăng hoặc lưới để phòng cá dữ, cá tạp, khi nước đạt mức 1,8 – 2m thì tiến hành thả cá.
2. Chọn cá giống:
Lựa chọn cá chép đã nuôi thương phẩm đạt trọng lượng từ 0,8 – 1kg, khỏe mạnh, vây vẩy hoàn chỉnh, không sây sát, không mất nhớt, cỡ cá đồng đều; cá bơi lội linh hoạt, nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn; không có dấu hiệu bệnh để tiến hành thả nuôi. Cũng có thể nuôi cá chép từ nhỏ đến khi đạt trọng lượng 0,8 – 1kg/con thì tiến hành nuôi cá chép giòn.
3. Vận chuyển cá giống:
Cá giống được vận chuyển trong bao có oxy, bằng xe lạnh. Cá sau khi bắt dưới ao được thả vào bể lớn có sục khí, chọn những con khỏe mạnh không trầy xước thả vào bao đã chứa sẵn khoảng 20 lít nước sạch, mỗi bao vận chuyển khoảng 10 con. Sau đó cho vòi oxy xuống đáy bao nhằm đuổi hết không khí ra ngoài rồi nắm chặt miệng bao, mở van cho oxy vào từ từ cho đến khi bao thật căng thì rút vòi oxy ra, xoắn chặt miệng bao, buộc lại bằng dây cao su.
Lưu ý khi xếp bao: Các bao phải xếp chặt vào nhau để tránh dịch chuyển, va chạm khi di chuyển. Nên vận chuyển cá vào lúc sáng sớm hay chiều tối nhằm tránh thời điểm nhiệt độ quá cao. Cũng có thể vận chuyển cá vào ban đêm để đến ao lúc sáng sớm thì thả cá.
4. Thả cá:
Cá được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả, cần ngâm bao cá trong nước ao khoảng mười phút, sau đó mở bao từ từ để cá bơi ra. Mật độ thả trong ao từ 1-1,5 con/m2, nếu thả trong giai có thể thả với mật độ cao 12-13 con/m2
5. Chăm sóc và quản lý:
Trong thời gian đầu mới thả nuôi nên cho cá ăn thức ăn bình thường, sau khoảng 1 tuần tiến hành cưỡng bức để cá ăn đậu tằm.
Luyện tập cho cá ăn đậu tằm bằng cách bỏ đói cá từ 2 – 3 ngày sau đó cho cá ăn 1 lượng nhỏ đậu tằm đã được ngâm trong thời gian 12h – 24h. Sau khi cá ăn quen thức ăn đậu tằm, cho cá ăn 2 lần/ngày vào lúc 6 – 7h và 16 – 17h. Khẩu phần ăn từ 1,5 – 2% khối lượng cá, thức ăn cho vào sàng ăn đặt dưới đáy ao, lồng nuôi. Sàng làm bằng khung sắt có diện tích 1m2, chiều cao 25 – 30 cm, được vây 2 lớp, 1 lớp lưới thép, 1 lớp lưới cước để ngăn đậu trôi ra ngoài.
6. Thu hoạch
Kiểm tra cá trong ao, giai, nếu thịt cá đạt độ giòn nhất định thì tiến hành thu hoạch, thường thời gian nuôi từ 5 – 6 tháng. Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch.
Nguồn: kythuatnuoitrong.edu.vn