Thứ Ba, 27/06/2023, 11:00

Quy trình nuôi thương phẩm cá song chấm nâu/cá mú chấm cam trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp

Cá song chấm nâu
Cá song chấm nâu
Cá song chấm nâu

1. Chuẩn bị ao

a. Chọn và thiết kế ao nuôi

– Ao nuôi có diện tích từ 1.000 – 5.000m2 (phù hợp nhất từ 1.500 – 3.000m2), độ sâu 1,8 – 2,5m, mực nước 1,5 – 2m. Ao hình vuông hoặc hình chữ nhật bo tròn ở góc ao, đáy ao có độ dốc 5%, nghiêng về phía hố ga.

– Bờ ao được kè bê tông hoặc lót bạt, hệ số mái bờ từ 1 – 1,5. Nền đáy là đất sét pha cát hoặc đáy cát hoặc cát pha bùn. Đáy không bị rò rỉ, thoát nước hay xì phèn.

– Hố ga ở giữa ao, hình vuông (kích thước 1,2m x 1,2m), đáy hố ga sâu hơn đáy ao từ 0,4 – 0,5m, gờ thành trên của hố ga cao hơn đáy ao 0,2m, mặt trên hố ga có lưới để chắn cá nhưng vẫn để chất thải đi qua. Từ hố ga có 01 ống nhựa PVC đường kính 250 – 300 mm kéo dài đến mương thoát nước thải. Tại vị trí cuối đường ống nhựa PVC có khóa đóng mở khi cần thiết.

– Đáy ao nuôi đặt 4 cụm ống nhựa PVC hoặc HDPE (mỗi cụm có thể tích 1,5 – 2m3) để tạo chỗ ẩn nấp cho cá. Ống nhựa được đặt cách bờ ao tối thiểu 1,5 m và có đường kính phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá.

– Cống thoát: Ngoài đường ống PVC để tháo chất thải đáy ao, mỗi ao nuôi được bố trí 01 cống thoát nước, xây ở giữa bờ ao, nối giữa ao nuôi với mương thoát nước thải. Cống thoát có khẩu độ từ 0,8 – 1m, dùng để thoát nước mặt và để thu hoạch cá.

– Hệ thống cấp nước gồm 01 ống nhựa PVC hoặc HDPE nối từ ao chứa nước đến ao nuôi, đường kính ống tối thiểu 110 mm, được đặt cùng với hướng 3 dòng chảy khi quạt nước ao nuôi.

– Máy quạt nước cho ao nuôi gồm 2 bộ máy quạt nước được đặt ở 2 phía đối diện trong ao, mỗi bộ gồm 4 – 6 cánh quạt được kéo bởi mô tơ điện hoặc đầu máy dầu diezen.

b. Ao chứa

Thể tích nước trong ao chứa tối thiểu bằng 0,8 – 1 lần thể tích ao nuôi. Ao chứa nên có độ sâu lớn hơn ao nuôi để giảm diện tích ao chứa.

c. Cải tạo ao nuôi

Tháo cạn nước trong ao, loại bỏ các sinh vật trong ao (cá, tôm, cua tạp, rong, cỏ…), vét bỏ bùn thối, phơi khô đáy ao 1 – 2 tuần, khử trùng đáy ao và bờ ao bằng vôi bột. Lượng vôi sử dụng theo bảng 1.

Bảng 1. Lượng vôi sử dụng theo pH của đáy ao

pH Lượng vôi bột (kg/1000m2)
6-7 30-60
4,5-6 60-100
3-4,5 100-180

d. Lấy nước và cấp nước

– Lấy nước vào ao chứa: Chọn thời điểm đầu kỳ con nước cường để lấy nước. Lấy trực tiếp qua mương dẫn hoặc dùng máy bơm và lọc qua lưới lọc để ngăn địch hại. Khử trùng nước bằng Chlorine 10 ppm, sục khí hoặc quạt nước ít nhất 1 ngày cho hết dư lượng chlorine. Sau 5 – 7 ngày, kiểm tra chất lượng nước ao chứa đạt yêu cầu theo quy định tại bảng 2 thì cấp nước vào ao nuôi.

Bảng 2. Thông số chất lượng nước

Thông số Giá trị giới hạn
pH 7,5 – 8,5
DO (mg/l) > 4
Độ mặn (‰) 10 – 30
Nhiệt độ (oC) 20 – 32
NH3 (mg/l) < 0,02
H2S (mg/l) < 0,05

– Cấp nước vào ao nuôi: Cấp nước vào ao nuôi đạt độ sâu 0,5 – 0,6m để gây màu nước trước khi thả cá giống.

e. Gây màu nước cho ao nuôi

Nếu độ trong > 60 cm, bón phân urê từ 2 – 2,5 kg/1.000m2 và phân lân với liều lượng 4 – 5 kg/1.000m2 (chỉ cần gây màu cho ao nuôi 1 lần duy nhất vào đầu thời điểm nuôi). Sau 3 – 5 ngày gây màu, sinh vật phù du trong ao phát triển, độ trong của ao đạt 30 – 40 cm hoặc nước ao có màu xanh, vàng thì thả cá giống. Tiếp tục cấp nước và duy trì mực nước ao nuôi đến độ sâu 1,5 – 2 m.

2. Chọn và thả cá giống

– Mùa vụ: Miền Bắc (từ Huế trở ra) thả giống từ tháng 5 – 8, miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào) thả giống quanh năm.

– Nguồn gốc và chất lượng cá giống:

+ Chọn mua cá giống từ những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.

+ Cá khỏe mạnh; không bị nhiễm VNN, ký sinh trùng; không dị hình, dị tật; không bị xây sát, mất nhớt; cỡ cá đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn. Cá đã ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

– Thuần và luyện cá giống:

+ Trước khi nhận và thả cá giống 03 ngày, người nuôi thông báo cho cơ sở cung cấp giống độ mặn tại ao nuôi để điều chỉnh độ mặn ương cá giống. Độ mặn được điều chỉnh tốt nhất với mức tăng hoặc giảm tối đa 2 – 3‰/ngày.

+ Trước khi thu cá để vận chuyển, ngừng cho cá ăn trước 12 giờ, dồn cá lại góc bể hoặc tháo bớt nước để tăng mật độ cá (lưu ý phải luôn đảm bảo dưỡng khí oxy cho cá). Việc thu cá phải nhẹ nhàng bằng vợt vải mềm, ca, chậu… Trong quá trình thao tác bắt cá, hạn chế để cá rời khỏi mặt nước.

– Vận chuyển cá giống:

+ Vận chuyển kín (phương tiện là máy bay, ô tô, tàu thuyền): sử dụng các túi nilon đóng cá chuyên dụng (có nhiều kích cỡ tùy chọn), lồng hai túi vào với nhau, cấp nước sạch (có cùng độ mặn với nước thuần cá) vào 1/3 – 2/5 thể tích túi. Cho cá vào túi theo mật độ 10 – 12 con/lít nước (cỡ cá 8 -10 cm), thời gian vận chuyển tối đa 15 giờ. Bơm căng ô-xy, buộc chặt túi và đặt vào thùng xốp, duy trì nhiệt độ vận chuyển từ 20 – 22oC bằng túi đá lạnh đặt trong thùng xốp.

+ Vận chuyển hở (ô tô, tàu thuyền): Sử dụng thùng composit thể tích từ 0,5 – 1 m3, cấp 3/5 thể tích nước sạch (có cùng độ mặn với nước thuần cá). Cho cá vào thùng theo mật độ 4.000 – 5000 con/m3 (cỡ cá 8 – 10cm), thời gian vận chuyển tối đa 24 – 36 giờ. Sục khí liên tục bằng máy thổi khí hoặc bình ô-xy nguyên chất. Duy trì nhiệt độ vận chuyển 22 – 24oC (tốt nhất sử dụng xe bảo ôn).

Chú ý: Thay 50% nước sau 12 giờ vận chuyển.

– Thả cá giống:

+ Kích cỡ giống thả: chiều dài 8 – 10cm (8 – 9 g/con), mật độ: 2 con/m2.

+ Thả cá vào thời điểm trời mát, lúc sáng sớm hoặc chiều tối.

+ Nếu thời gian vận chuyển cá giống ít hơn 5 giờ, tiến hành thả cá như sau: bổ sung từ từ nước ao nuôi vào dụng cụ chứa cá giống và thả từ từ cá trong dụng cụ chứa giống ra ao nuôi.

+ Nếu thời gian vận chuyển cá giống lớn hơn 5 giờ thì thả cá như sau: tắm khử trùng cho cá giống bằng formalin nồng độ 55ppm trong thời gian 20 – 30 phút để loại bỏ ký sinh trùng và cá yếu, sau đó thả từ từ ra ao nuôi thương phẩm.

3. Chăm sóc và quản lý

a. Thức ăn và cho cá ăn

– Thức ăn:

+ Giai đoạn từ khi thả cá đến khi đạt khối lượng 200 g/con: sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dụng hàm lượng protein từ 45 – 48%, lipid từ 8 – 14%, dạng viên tròn dẹt, có đặc tính chìm chậm để nuôi cá song chấm nâu.

+ Giai đoạn cá có khối lượng > 200g/con: Sử dụng thức ăn công nghiệp có thành phần dinh dưỡng quy định tại Bảng 3.

Bảng 3. Thành phần dinh dưỡng của thức ăn công nghiệp cho cá song

Chỉ tiêu chất lượng Hàm lượng dinh dưỡng
Protein (%) ≥ 45
Lipid (%) ≥ 9
Xơ thô (%) ≤ 2,7
Tro (%) ≤ 11
Ẩm (%) ≤ 8,1
Chất dẫn dụ Taurine (%) 0,5

– Khẩu phần ăn: căn cứ vào giai đoạn phát triển của cá mà sử dụng cỡ viên và lượng thức ăn công nghiệp cho phù hợp. Khẩu phần cho ăn hằng ngày đối với từng kích cỡ cá được quy định tại Bảng 4.

Bảng 4. Khẩu phần ăn cho cá song chấm nâu

Kích cỡ cá (cm) Đường kính viên thức ăn (mm) Khẩu phần ăn (% khối lượng cá/ngày) Số lần/ngày Giờ cho ăn
8 – 15 1,5 – 5 1,5 – 4 2 7 – 8; 16 – 17
>15 – 20 5 – 8 1,5 – 2 1 7 – 8
>20 8 – 10 0,8 – 1,5 1 7 – 8

Bảng 5. Chế độ thay nước và quạt nước

Thời gian nuôi (tháng) Tần suất thay nước Lượng nước thay mới (%) Hình thức thay nước Thời điểm quạt nước
0 – 2 15 ngày/lần hoặc khi DO < 3,5mg/l 40 – 50 Rút nước đáy Quạt nước trước khi rút nước đáy
3 – 4 10 ngày/lần hoặc khi DO < 3,5mg/l 40 – 50 Rút nước đáy Quạt nước trước khi rút nước đáy
5 – 7 7 ngày/lần hoặc khi DO < 3,5mg/l 50 – 60 Rút nước đáy Từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hoặc khi DO < 3,5mg/l
>7 5 ngày/lần hoặc khi DO < 3,5mg/l 60 – 80 Rút nước đáy Từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hoặc khi DO < 3,5mg/l

Chú ý: Khi nước trong ao nuôi có nhiệt độ < 15oC hoặc > 32oC cần giảm lượng thức ăn trong ngày từ 30 – 50%, khi nhiệt độ nước trong ao < 12oC hoặc > 35oC thì ngừng cho ăn.

– Cách cho ăn: cho ăn thủ công và tuân thủ nguyên tắc “3 xem” (xem điều kiện thời tiết, xem chất lượng môi trường, xem tình trạng sức khỏe của cá) và nguyên tắc “4 định” (chất lượng thức ăn, khối lượng thức ăn, thời gian cho ăn, địa điểm cho ăn). Từ đó kiểm tra, giám sát thức ăn và khả năng sử dụng thức ăn hàng ngày của cá, tránh dư thừa thức ăn.

b. Chế độ thay nước và quạt nước

– Chế độ thay nước và quạt nước phụ thuộc vào diễn biến chất lượng nước trong ao cũng như yếu tố thời tiết, được quy định tại Bảng 5.

– Lưu ý: Khi thời tiết mưa lớn hoặc trời oi bức cần phải quạt nước cho ao nuôi.

c. Quản lý môi trường ao nuôi

– Luôn luôn giữ mực nước trong ao nuôi từ 1,5 – 2 m, tạo vùng phân bố nhiệt ổn định cho cá.

– Duy trì mật độ tảo trong ao nuôi ở mức hợp lý thông qua chỉ số độ trong nước ao 30 – 40 cm và màu nước ao. Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn của cá, tránh dư thừa.

– Sử dụng định kỳ các dòng men vi sinh cấy vào ao nuôi với thành phần lợi khuẩn: Bacillus subtilis, Bacillus amyloliquefaciens, Saccharomyces erevisiae

– Kiểm tra 2 lần/ngày đối với các chỉ tiêu: nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, độ trong nước ao; kiểm tra 2 lần/tháng đối với các chỉ tiêu: NH3, NO2, NO3, H2S, Vibrio tổng số.

+ Nhiệt độ: ngưỡng cho phép đối với cá song chấm nâu là từ 20 – 32oC, thích hợp từ 24 – 28oC. Điều chỉnh mực nước ao ở độ sâu > 2m có thể khống chế được nhiệt độ ở trong ngưỡng cho phép.

+ Độ mặn: Độ mặn đối với cá song nuôi ao từ 10 – 30‰ (độ mặn biến động từ 2 – 3‰ trong ngày không ảnh hưởng đến cá nuôi). Nếu độ mặn nằm ngoài ngưỡng trên thì thay 30% nước ao nuôi.

+ pH: pH thích hợp cho nuôi cá từ 7,5 – 8,5. Nếu pH < 7,5, sử dụng vôi CaCO3 với liều lượng 20kg/1.000m3 nước ao; sau khi xử lý 1 – 2 giờ, kiểm tra lại chỉ số pH của nước ao nuôi và tiếp tục té nước vôi nếu pH chưa đạt. Nếu pH > 8,5, bật quạt nước và rút nước đáy ao từ 20 – 30% lượng nước trong ao. Cấp nước mới đủ cho ao, đồng thời tạt hỗn hợp rỉ đường ngâm với men vi sinh (tỷ lệ 100:1, sục khí trong 12 giờ) với liều lượng 5 – 10 kg/1.000m2.

+ Oxy hòa tan (DO): Hàm lượng DO thích hợp từ 4 – 6 mg/l (ngưỡng cho phép ≥ 3,5 mg/l). Quạt nước sau khi trời mưa, vào thời điểm từ 0 – 5 giờ sáng hoặc các thời điểm quan trắc giá trị DO dưới 3,5 mg/l.

+ Tảo: Nếu tảo phát triển quá mức (độ trong ao nuôi < 30 cm, màu nước ao xanh hoặc vàng đậm), phải xiphong chất thải ở đáy ao hoặc tháo nước đáy ao từ 40 – 50% lượng nước ao, kiểm tra lượng thức ăn và điều chỉnh theo hướng giảm. Cấp thêm nước mới, bổ sung chế phẩm vi sinh có chủng Nitrobacter, Nitrosomonas, Bacillus (hòa tan chế phẩm vi sinh vào trong thùng nước và té đều khắp ao) với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong thời gian này, chạy liên tục máy quạt nước từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

+ NH3: Tiêu chuẩn đối với cá nuôi là < 0,02 mg/l. Nếu hàm lượng NH3 trong ao cao thì cần rút nước đáy và thay 30% nước đáy ao nuôi mỗi ngày trong 3 ngày liên tục. Sử dụng định kỳ chế phẩm vi sinh có chủng Nitrobacter, Nitrosomonas, Bacillus với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

+ NO2: Giá trị NO2 cho phép đối với cá nuôi < 2,0 mg/l. Nếu NO2 tăng cao cần rút nước đáy ao và thay 30% nước ao.

+ NO3-: Giá trị NO3- cho phép đối với cá nuôi < 10 mg/l. Nếu giá trị NO3- cao quá mức, cần phải rút nước đáy ao và thay nước mới hàng ngày với lượng từ 30 – 60% và thay liên tục cho đến khi giá trị NO3- trong ao về dưới ngưỡng cho phép.

+ H2S: Giá trị H2S cho phép đối với cá nuôi < 0,05 mg/l. Nếu H2S cao hơn ngưỡng cho phép, giảm 30 – 40% lượng thức ăn, ít nhất trong 3 ngày cho đến khi giá trị H2S trở lại bình thường;

+ Vibrio tổng số: Mật độ Vibrio tổng số cho phép trong ao < 1.000 kl/ml. Khi mật độ Vibrio >1.000kl/ ml, thì cần phải tháo nước đáy ao 40 – 50% và thay nước mới.

Cục Thủy sản