Thứ Ba, 13/07/2021, 17:00

Phòng trị bệnh lở loét cho cá lóc

Phòng bệnh có tính chất quyết định đến kết quả nuôi, trong đó tẩy dọn ao, bể nuôi theo đúng qui trình kỹ thuật để diệt các tác nhân gây bệnh là rất quan trọng.

Hiện nay phong trào nuôi cá lóc phát triển khá mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, nhất là vào mùa nước nổi. Bà con thường nuôi cá trong ao, trong bể lót bạt nilon hay trong bè. Cá lóc trong tự nhiên thường rất khỏe, ít bệnh tật, nhưng trong điều kiện nuôi nhân tạo với mật số cao thì cá lóc cũng có nhiều bệnh gây hại. Nhiều gia đình mới nuôi cá lóc, chưa có nhiều kinh nghiệm đã thất bại do dịch bệnh gây ra.

Trong mùa lũ, các ao, hồ nuôi cá thường tích tụ nhiều phù sa, nhiễm bẩn, mùn bã, rác và các chất thải làm ô nhiễm nguồn nước và tiềm ẩn những mầm bệnh cho cá nuôi. Cá lóc nuôi trong mùa lũ thường hay xuất hiện các loại bệnh do các loại kí sinh như trùng bánh xe, sán lá đơn chủ, xuất huyết do nhiễm virus, đốm đỏ do vi khuẩn, bệnh do nhóm giáp xác gây ra. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất với cá lóc nuôi là bệnh ghẻ hay còn gọi là hội chứng lở loét. Bệnh lở loét xảy ra trên cá lóc nuôi không chỉ có ở nước ta mà còn có nhiều ở các nước Đông Nam Á, các nước trong khu vực Thái Bình Dương.

Nguyên nhân:

Những tác nhân gây bệnh cho cá gồm virus, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng và các yếu tố môi trường. Nguyên nhân gây bệnh trước nhất là virus, nấm cũng được coi là yếu tố quan trong gây ra hội chứng lở loét. Có thể chúng cùng với các loại kí sinh trùng làm cá bị thương tổn tạo điều kiện cho các tác nhân chính gây bệnh cho cá.

Ngoài các yếu tố môi trường như nhiệt độ thay đổi, môi trường nước quá dơ bẩn, sự ô nhiễm có thể gây sốc và làm cá nhiễm bệnh, nhiều quan điểm cho rằng nấm ký sinh trong nội tạng Aphanomyces được coi là tác nhân chính gây ra bệnh này. Bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa mưa (tháng 10-12) và đầu mùa khô (tháng 1-2).

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là cá ăn ít hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, nổi lờ đờ, da xám, có vết loét hoặc các đốm đỏ phát triển ở đầu, thân, vây và đuôi. Sau một thời gian bị bệnh cá kiệt sức và chết.

Quan sát bên ngoài cá thấy xuất hiện nhiều vết nhỏ màu xám hay đỏ. Mang, quanh mắt và da xuất huyết, toàn thân có màu xám tối. Thương tổn lan rộng thành những vết loét lớn trên vẩy, thân cá… Khi cá bệnh nặng sẽ thấy máu chảy ở hậu môn. Giải phẫu cá sẽ thấy bóng hơi xuất huyết và teo dần, gan thận cũng xuất huyết. Khoang bụng có dấu hiệu tích nước, có nhiều dịch nhờn và xuất huyết.

Phòng bệnh cho cá:

Phòng bệnh có tính chất quyết định đến kết quả nuôi, trong đó tẩy dọn ao, bể nuôi theo đúng qui trình kỹ thuật để diệt các tác nhân gây bệnh là rất quan trọng. Quản lý tốt môi trường nuôi, cung cấp nước nuôi cá bằng nước sạch. Ổn định môi trường, kìm hãm sự phát triển của mầm bệnh bằng cách xử lý định kì 15 ngày/lần bằng dung dịch Vimekon (1g/1m3 nước). Tránh làm cá bị xây xát, không để cá bị nhiễm các loại bệnh ngoài da sẽ tạo điều kiện cho bệnh cá phát triển.

Cho cá ăn đủ thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng cao làm cá khỏe sẽ có sức đề kháng tốt. Thường xuyên trộn thức ăn với men tiêu hóa, vitaminC, premix.

Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ) khuyến cáo cách phòng trị bệnh ghẻ cá, xử lý ao nuôi bằng vôi, giữ cho môi trường ổn định, dùng hóa chất formon và thuốc tím làm giảm bớt mật độ vi khuẩn và diệt nấm ký sinh trùng, dùng kháng sinh diệt vi khuẩn làm lành vết thương trên da cho cá.

Trị bệnh:

Khi cá có dấu hiệu bị bệnh cần thay 50% nước bằng nước sạch, vệ sinh xung quanh ao nuôi. Xử lý nước bằng Fresh Water với lượng 1 kg (650 gói A + 350 gói B) cho 1.000-1.500m3 nước. Trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá liên tục trong 7 ngày theo liều 250 g Desery + 50 ml Vime-Fenfish 2000 cho 1 tấn cá.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận