Thứ Ba, 22/11/2022, 8:41

Nuôi cá chẽm nhất định cần kiểm soát chỉ số môi trường

Cá chẽm (tên khoa học là Lates calcarifer) sống được cả ở biển và nước ngọt. Trước đây cá chẽm được đánh bắt từ thiên nhiên, nhưng hiện nay đã được nuôi rông rãi ở nhiều địa phương vì năng suất tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc điểm, tập tính

Cá chẽm hay còn gọi là cá vược sở hữu thân hình thoi, dẹt bên. Chiều dài gần bằng 2,7 – 3.6 lần chiều cao, thông thường khoảng 19 -25cm. Đầu to, mõm nhọn, chiều dài hàm trên kéo dài đến ngang giữa mắt. Hai vây lưng liền nhau, giữa lõm. Vây đuôi tròn lồi. Thân màu xám, bụng trắng bạc. Chúng thuộc loài cá dữ điển hình ở cửa sông, chúng có số lượng đông trong các kênh rạch, đầm phá và nhất là trong các đầm nuôi tôm.

Cá chẽm là loài rộng muối và có tính di cư xuôi dòng, thường phân bố ở các vùng nước ven bờ, cửa sông, rừng ngập mặn và có thể sống ở mật độ sâu 40m. Giai đoạn mới nở thường đa số phân bố ven biển gần các cửa sông nước lợ, có thể tìm thấy cả trong các thủy vực nước ngọt. Trong tự nhiên, loài có tập tính sinh trưởng trong vùng nước ngọt và nước lợ sau đó di cư ra môi trường nước mặn để sinh sản. Do thuộc loài cá dư nên thức ăn ưa thích của chúng là các loài cá tạp, tôm và các loài giáp xác khác.

Quản lý môi trường trong điều kiện nuôi lồng

Thông thường, tiêu chuẩn lựa chọn vị trí nuôi được phân thành 3 nhóm chính: nhóm các yếu tố liên quan đến sự sống của cá nuôi (nhiệt độ, độ mặn, mức độ nhiễm bẩn, sự nở hoa của tảo, sinh vật gây bệnh,..), nhóm các yếu tố về độ sâu (chất đáy, giá thể…) và nhóm các yếu tố về điều kiện lập trại nuôi (phương tiện, an ninh, kinh tế, xã hội,..).

Cần kiểm soát các chỉ tiêu có trong nước ao nuôi cá chẽm. Ảnh: danviet.mediacdn.vn

Những chỉ tiêu cần thiết cho việc nuôi lồng cá được tốt, phải đảm bảo độ sâu đáy lồng cách đáy biển ít nhất 2 – 3 m, ít sóng to, hạn chế gió lớn (tránh nơi sóng cao trên 2m) và tốc độ dòng chảy nhỏ (dưới 1m/s) nếu không sẽ làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, hoạt động của cá bị suy yếu khiến cá chậm lớn và dễ sinh bệnh.

Bên cạnh đó, cần tránh nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng có thể gây chết cá do thiếu ôxy, thức ăn thừa và mùn bã dễ tích tụ ở đáy lồng gây ô nhiễm và các chỉ số sau:

– Tốc độ nước thích hợp trong khoảng 0,2 – 0,6 m/s.

– Đảm bảo hàm lượng ôxy 4 – 6 mg/l, nhiệt độ 25 – 30°C

– Độ mặn từ 27 – 33%

– Tránh xa những nơi gây ô nhiễm dầu, chất thải công nghiệp và sinh hoạt

– Hạn chế nơi có tàu bè qua lại, nơi có thể xảy ra thủy triều đỏ.

Cần phải thường xuyên theo dõi lồng, do luôn luôn ngập nước lồng có thể bị phá hoại bởi các động vật thủy sinh như cua, rái cá,… nếu bị hỏng cần sửa chữa ngay hoặc thay mới. Ngoài ra, lưới lồng còn là nơi dễ bị kín và lắng đọng phù sa. Do dó, việc vệ sinh lưới theo phương pháp cơ học là có hiệu quả và rẻ nhất. Ở những vùng có nhiều sinh vật gây bám cần sử dụng lồng lưới luân phiên nhau.

Quản lý đối với nuôi ao

Chọn nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, ха khu dân cư, ха nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo các yếu tố môi trường ổn định, tránh những vùng bị nhiễm phèn. Địa điểm nuôi gần đường giao thông, nguồn điện, gần nguồn cá giống. Bên cạnh đó cần có nguồn nước tốt và đẩy đủ quanh năm.

Các yếu tố môi trường cần phải đảm bảo trong khoảng thích hợp với nhiệt độ nước từ 26 – 32°C, độ pH 7,5 – 8,5, hàm lượng ôxy 4 – 9 mg/l, NH3 (ít hơn 1 mg/l), chất đáy ao (cát bùn, bùn pha sét,..). Biên độ triều tốt nhất cho nuôi cá chẽm phải trong khoảng từ 2 – 3 m, với biên độ này ngay cả ao sâu 1,5 m cũng có thể tháo cạn hoàn toàn khi triều xuống hay cấp nước dễ dàng khi triều lên.

Trong quá trình nuôi cần theo dõi màu nước thường xuyên, theo dõi các yếu tố môi trường, duy trì mực nước trong ao (1,2 -1,5 m) và tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

– Giám sát tình trạng sức khỏe của cá, các bệnh lý nhằm ứng phó kịp thời.

– Định kỳ thay nước để loại bỏ thức ăn thừa trong ao (3 ngày/lần, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước trong ao), khi nhiệt độ ao tăng cao cần phải thay nước ngay nếu không cá sẽ chết.

– Thời gian đầu nuôi chỉ nên chạy máy quạt nước vào buổi tối, tùy theo tổng khối lượng cá mà điều chỉnh thời gian chạy máy cho thích hợp.

– Định kỳ 15 ngày hoặc sau khi thay nước cần tiến hành bón vôi cho ao nuôi (2 – 3kg/100 m2) nhằm xử lý nước và phòng bệnh cho cá.

Nhất Linh
Tép bạc