Thứ Hai, 21/11/2022, 17:57

Nhiều lợi ích từ mô hình nuôi ghép cá chép trong ao sạch

Hiện nay, mô hình nuôi ghép cá chép trong ao đang mang lại nhiều lợi ích, thu hút sự quan tâm của nhiều bà con nông dân Hưng Yên.

Với công nghệ nuôi sạch trong môi trường nước an toàn, hình thức nuôi ghép cá chép giúp tăng hiệu quả chăn nuôi thủy sản theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Cá chép được nuôi ghép tại xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi cho hiệu quả cao. Ảnh: BNEWS phát

Mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên triển khai tại các xã: Hưng Long (thị xã Mỹ Hào), Việt Hưng (Văn Lâm), Tân Tiến (Văn Giang), Hoàn Long (Yên Mỹ, Quang Hưng (Phù Cừ), Hạ Lễ (Ân Thi). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% cá chép giống (45.000 con), 46% lượng thức ăn công nghiệp (gần 22.000kg), 50% lượng chế phẩm sinh học xử lý nền đáy ao và khí độc trong ao, vitamine C, men tiêu hóa.

Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cũng đã cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật theo yêu cầu của mô hình gồm: xử lý ao nuôi vét bùn cải tạo, tẩy trùng bằng vôi bột, lọc nước; hướng dẫn chủ hộ cách quản lý ao nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh cho cá…

Đồng thời, kiểm tra thường xuyên bờ ao, cống cấp thoát nước, dọn sạch rác, chất thải xung quanh khu vực ao nuôi; không sử dụng các thiết bị, hóa chất, dụng cụ gây hại cho cá; chỉ sử dụng chế phẩm sinh học có lợi để cải thiện môi trường ao nuôi. Cùng với thức ăn hỗn hợp, thuốc phòng bệnh, các chủ hộ còn sử dụng thức ăn tự chế biến như: ngô, thóc ủ mầm… đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Cán bộ sở Nông nghiệp và PNTT tham quan mô hình nuôi cá chép tại một hộ dân ở huyện Văn Giang, Hưng Yên. Ảnh: BNEWS phát

Theo các hộ tham gia mô hình, nuôi ghép cá chép trong ao mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Do thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, ao nuôi đảm bảo vệ sinh nên đàn cá không bị bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng thịt ngon.

Ông Đặng Văn Thuân, ở xã Hoàn Long (Yên Mỹ) cho biết, sau 8 tháng nuôi, chỉ tính riêng giống cá chép đạt tỷ lệ sống gần 72%, khối lượng bình quân gần 900 gam/con; mỗi ha mặt nước cho năng suất gần 20 tấn, thu lãi gần 100 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ các giống cá khác trong cùng ao nuôi.

Còn ông Nguyễn Quang Minh ở xã Hạ Lễ (Ân Thi) chia sẻ, cá chép khi nuôi ghép với các loài khác tận dụng được tầng nước, thức ăn giữa các loài, giảm chi phí đầu tư và cho hiệu quả kinh tế cao.

Hình thức nuôi này có triển vọng nhân rộng ở nhiều loại hình mặt nước, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cũng như thay đổi tư duy, cách làm của nông hộ trong phát triển nghề nuôi thủy sản, tăng năng suất, chất lượng cao gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Yên cho hay, công nghệ nuôi ghép cá chép trong ao nhằm phát triển cá chép và các đối tượng cá truyền thống đạt năng suất cao gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả cho bà con nông dân. Từ hiệu quả trên, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hưởng ổn định, giá trị kinh tế cao./.

PV/TTXVN

baomoi.com