Luân trùng là những động vật có kích thước nhỏ (µm) phù hợp trong giai đoạn ương ấu trùng, đặc biệt luân trùng có giá trị dinh dưỡng cao (giàu acid béo và HUFA) và được xem là nguồn thức ăn quan trọng quyết định đến tỷ lệ sống và sức khỏe con giống.
Luân trùng đều phát triển tốt nhất khi nuôi bằng tảo Chlorella sp., nhưng tốn diện tích và chi phí nuôi cấy tảo. Bên cạnh việc sử dụng tảo tươi và tảo khô, người nuôi còn sử dụng men bánh mì làm thức ăn cho luân trùng, do men bánh mì dễ cho ăn và rẻ tiền. Tuy nhiên, nếu nuôi luân trùng hoàn toàn bằng men bánh mì thì năng suất không ổn định và quần thể mau tàn, giá trị dinh dưỡng thấp và làm thay đổi chất lượng nước ảnh hưởng đến mật độ và phát triển của luân trùng.
Nhằm giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng luân trùng nhóm nghiên cứu trường Đại Học Cần Thơ Huỳnh Thanh Tới và ctv (2022) tiến hành bố trí kết hợp giữa vi tảo Chlorealla sp. và men bánh mì Saccharomyces cerevisiae để xác định mật độ và tốc độ phát triển của luân trùng.
Thí nghiệm bao gồm 5 nghiệm thức sẽ kết thúc khi mật độ luân trùng (luân trùng/mL) giảm liên tục 2 ngày.
NT1 (100T): cho ăn với tỉ lệ 100% tảo (mật độ tảo cho kết quả tốt về tăng trưởng quần thể được chọn để tiến hành bố trí thí nghiệm tiếp theo).
NT2 (75T): cho ăn với tỉ lệ 75% tảo + 25% men bánh mì.
NT3 (50T): cho ăn với tỉ lệ 50% tảo + 50% men bánh mì.
NT4 (25T): cho ăn với tỉ lệ 25% tảo + 75% men bánh mì.
NT5 (0T): cho ăn với tỉ lệ 100% men bánh mì.
Về chất lượng nước ao nuôi, tất cả các chỉ số đều phù hợp với sự phát triển của luân trùng. Nhiệt độ trung bình giữa các NT trong thời gian dao động 24,7°C – 24,8°C và pH dao động là 8,3 -8,4. Nồng độ NO2 – dao động từ 0,05 – 0,13 mg/L trong quá trình nuôi. Hàm lượng TAN tích tụ khá nhiều vào cuối chu kỳ thí nghiệm, dao động từ 0,49-1,31 mg/L vào ngày nuôi thứ 7 tuy nhiên không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của luân trùng.
Tăng trưởng quần thể của luân trùng Brachionus calyciflorus bị ảnh hưởng bởi mật độ tảo trong môi trường nuôi, mật độ đạt cao nhất (688 luân trùng/mL) khi cho ăn 80.000 tế bào/luân trùng/ngày. Quần thể luân trùng B. calyciflorus giảm dần khi cho ăn hoàn toàn bằng men bánh mỳ, nhưng khi thay 25%-50% tảo Chlorella bằng men bánh mỳ thì tăng trưởng quần quần thể luân trùng B. calyciflorus có cải thiện, mật độ đạt 898 luân trùng/mL và 747 luân trùng/mL, cao hơn cho ăn hoàn toàn bằng tảo.
Phần trăm luân trùng mang trứng ở nghiệm thức NT2 (75T) cho ăn 75% tảo kết hợp 25% men bánh mì đạt 33% cao nhất so với các nghiệm thức còn lại. Tuy nhiên càng về sau thì các nghiệm thức bổ sung men bánh mì với hàm lượng cao thì tỷ lệ luân trùng mang trứng càng giảm dần cho chất lượng nước suy giảm.
Nước nuôi luân trùng bằng men bánh mỳ thường khá dơ và tạo hạt, có thể làm cho độ nhớt của nước tăng lên. Theo Hagiwara et al. (1998), độ nhớt của nước tăng lên gây ảnh hưởng đến hoạt động bơi lội, lọc thức và khả năng lấy oxy từ môi trường nước, đây có thể là nguyên nhân luân trùng ở các nghiệm thức cho ăn với men bánh mì với liều cao thường có phần trăm con mang trứng trong quần thể thấp hơn so với nuôi bằng tảo.
Nhìn chung, nếu so sánh với luân trùng cho ăn hoàn toàn bằng tảo thì tốc độ tăng trưởng quần thể của luân trùng cho ăn bằng tảo kết hợp với men bánh mì với tỉ lệ 50:50 cao hơn.
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy khi thay thế 25-50% tảo bằng men bánh mì trong nuôi cấy luân trùng thì tốc độ tăng trưởng và mật độ của luân trùng đạt tỷ lệ cao nhất. Đây là đóng góp quan trọng góp phần giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất.