Thứ Năm, 3/11/2022, 15:11

Đầu tư phát triển nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp

(Aquaculture.vn) – Hôm nay (03/11), tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội thảo Quốc gia về nuôi biển năm 2022”. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội thảo.

Hội thảo Quốc gia về nuôi biển năm 2022, xoay quanh các vấn đề giải pháp thực hiện nhiệm vụ thí điểm phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển quy mô công nghiệp giai đoạn 2021-2025; Định hướng và giải pháp phát triển nuôi biển năm 2030; Giải pháp khoa học công nghệ phục vụ nuôi biển công nghiệp. Thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư, nuôi trồng thủy sản biển tham dự.

Toàn cảnh Hội thảo Quốc gia về nuôi biển 2022, diễn ra tại Quảng Ninh sáng ngày 3/11/2022.

Tính đến nay, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển là 153.300ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000ha.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phùng Đức Tiến cho biết, diện tích nuôi biển nước ta ước đạt 80.000ha, sản lượng đạt trên 750.000 tấn. Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cho rằng phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt. Tình trạng hoạt động nuôi biển tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp chưa phát triển đồng bộ, nguồn lực cho phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn hạn chế…

“Nếu không đẩy mạnh được nuôi biển từ nay đến năm 2025 thì khó có tiền đề để đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển vào năm 2030”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, dự kiến năm 2022, cả nước phấn đấu diện tích nuôi biển đạt 80.000 ha (chưa tính nuôi xen ghép) và 9 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 750.000 tấn. Trong đó một số đối tượng nuôi chính như: Cá biển đạt diện tích 11.000ha và 4 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng đạt 65.000 tấn; Nhuyễn thể đạt 57.000ha và 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn; Tôm hùm đạt 4 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 2.500 tấn; Rong biển đạt 11.000ha, sản lượng đạt 150.000 tấn; Các đối tượng khác đạt sản lượng 52.500 tấn.

Dự kiến đến năm 2023, diện tích nuôi biển đạt 90.000ha (chưa tính nuôi xen ghép) và 9,5 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Trong đó, một số đối tượng nuôi chính như: Cá biển đạt 15.000ha, 4,3 triệu m3 lồng nuôi, tổng sản lượng đạt 75.000 tấn; Nhuyễn thể đạt 57.000ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 630.000 tấn; Tôm hùm đạt 4,2 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 2.800 tấn; Rong biển và các đối tượng khác đạt 18.000ha, sản lượng đạt 142.200 tấn.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, Quảng Ninh vẫn đang canh cánh nỗi trăn trở về việc phát triển tiềm năng nghề nuôi biển. “Quảng Ninh có đầy đủ các điều kiện tự nhiên, hạ tầng, vị trí và chất lượng nguồn nhân lực. Dẫu vậy, nhiều năm qua tỷ lệ nông nghiệp chỉ chiếm 3%, trong đó kinh tế thủy sản chiếm một nửa, trước tiềm năng như vậy thì đây là vấn đề cần phải đặt câu hỏi”, ông Thành cho biết.

Tại tỉnh Quảng Ninh, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh đạt 32.092ha, tăng 50,66% so với cùng kỳ. Trong đó 7.500ha nuôi tôm, cá biển ao đầm đạt 2.208ha, 9.500ha nuôi nhuyễn thể, 2.500ha nuôi thủy sản nước ngọt, 10.384ha nuôi các đối tượng khác và 14.502 lồng nuôi cá biển.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng đầu năm 2022 của Quảng Ninh đạt 65.185 tấn. Đã thả nuôi khoảng 5.181 triệu con giống các loại. Trong đó, 1.790 triệu con tôm giống, 3.100 triệu con giống nhuyễn thể, 52 triệu cá biển giống, 49 triệu giống cá nước ngọt, 190 triệu con giống khác. Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, trong đó cơ sở sản xuất ương dưỡng giống cá biển là 8 cơ sở, chiếm 44%, cung ứng khoảng 2.221 triệu giống thủy sản ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Sau khi nghe các báo cáo tham luận, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến tình hình nuôi biển trong thời gian qua cũng như tiềm năng, định hướng phát triển ngành nuôi biển. Đồng thời đề xuất một số định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là trên vùng biển hở theo hướng công nghệ cao, bền vững. Theo các đại biểu, khi phát triển nuôi biển theo quy mô công nghiệp thì cần có sự kết nối đầu ra hỗ trợ tiêu thụ được các sản phẩm thủy sản nuôi. Trong đó chi phí sản xuất như chi phí lồng bè, thức ăn, con giống… chiếm vị trí quan trọng.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, Tổng Cục Thủy sản cần phối hợp với các bộ, ban ngành tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạ tầng nuôi, các chính sách hỗ trợ, rà soát điều chỉnh luật quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp phát triển. Trong đó, chọn tỉnh Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong mô hình xây dựng ngành nuôi biển theo hướng công nghiệp.

Phạm Huệ

 

Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1664/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu chung: Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng biển, đảo của Tổ quốc.

Mục tiêu cụ thể: Từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850 nghìn tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8 đến 1 tỷ USD. Ðến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8 đến 2 tỷ USD.

 

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận