Trong quá trình nuôi tôm khó có thể tránh khỏi nước ao nuôi xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Việc này đòi hỏi người nuôi phải có sự hiểu biết, kỹ thuật và cách áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, nâng cao năng suất ao nuôi.
Nước ao có màu trà đậm sau một tuần
Nguyên nhân: Màu nước phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển của tảo trong ao nuôi. Nước ao có màu trà đậm là biểu hiện hàm lượng dinh dưỡng tương đối tốt. Nước có các loài thuộc nhóm tảo cát (silic) như Chaetoceros, Nitzschia Closterium, Phaeodactylum tricornutum…Những loài tảo này đều là nguồn thức ăn rất tốt cho tôm giống vào giai đoạn đầu mới thả, giúp tôm khỏe mạnh, màu sắc cơ thể sạch bóng, hỗ trợ tôm tiêu hóa hấp thụ thức ăn tốt, đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng.
Biện pháp xử lý: Không cần phải xử lý nước mà chỉ cấp thêm nước sạch vào ao (15 ngày/lần, mỗi lần 5 – 7% lượng nước ao) để làm loãng mật độ tảo và kích thích tôm lột xác.
Nước ao bị đục vào buổi tối
Nguyên nhân: Nước ao nuôi bị đục vào buổi tối chứng tỏ tôm bị thiếu thức ăn. Do đặc tính của tôm, ăn mạnh vào buổi tối nên khi bị đói chúng thường sục sạo xới tung nền để tìm kiếm thức ăn và làm ao nuôi tôm bị đục nước.
Nếu tình trạng này kéo dài, tôm sẽ có nguy cơ tiếp xúc nhiều với các khi độc tích tụ ở nền đáy ao và khi đói chúng sẽ có xu hướng ăn mùn bã hữu cơ, kéo theo một số vi khuẩn vào cơ thể gây ra bệnh đường ruột trên tôm.
Cách khắc phục: Người nuôi cần tiến hành kiểm tra tôm, nếu thấy dải phân trong ruột có màu đen thì đúng là tôm bị thiếu thức ăn và đã ăn mùn bã hữu cơ. Trong trường hợp này, cần bổ sung thức ăn đầy đủ và tiến hành xi phông loại bỏ chất thải của ao tôm ra ngoài. Đồng thời, duy trì chế phẩm sinh học trong ao để át vi khuẩn có hại và giúp hệ sinh thái nước ao nuôi được cân bằng, giúp tôm phát triển tốt.
Nước nuôi tôm xuất hiện nhiều bọt trắng lâu tan
Nguyên nhân: Nếu xuất hiện bọt trắng lâu tan khi quạt là do nước ao có nhiều chất cặn lơ lửng như xác tảo tàn, chất hữu cơ từ thức ăn dư thừa, tảo, vi khuẩn dạng sợi, hạt đất và các hạt rắn lơ lửng khác, hoặc đôi khi có thể là do chất lượng nước kém. Bọt có thể màu trắng, vàng nâu nhạt, xanh tảo tùy thuộc vào tác nhân gây ra bọt.
Nếu bọt nổi ở giữa ao hoặc các khu vực dưới đáy có nhiều bùn thải, nếu bùn đáy đen, hôi chứng tỏ ở khu vực đó tích tụ và tạo nhiều khí độc như H2S, NH3. Khí H2S, NH3 có thể làm tôm bị nhiễm độc, nồng độ cao có thể làm tôm chết.
Xử lý: Khi có bọt trắng xuất hiện nhiều trong ao, cần nhanh chóng xử lý để giảm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm. Khi bọt nổi dày lúc quạt tạt vào bờ thì cần vớt bọt khỏi ao, tiến hành ớt váng tảo tàn nổi trên mặt ao. Tăng cường chạy và oxy đáy để cung cấp đủ ôxy hòa tan, tối thiểu trên 4 ppm và rắc vôi ở các khu vực có quy tụ chất thải, bùn đáy ao, nhất là khi pH nước ao thấp, duy trì pH trong khoảng 7,5 – 8,3. Sử dụng vi sinh để xử lý đáy và nước.
Khi phát hiện ao nuôi có nhiều bọt, cần giảm lượng thức ăn xuống một nửa so với mức bình thường trong quá trình xử lý cho đến khi hết lượng khí độc thì tăng lượng thức ăn trở lại bình thường (tránh để thức ăn dư thừa nhiều khi ao xuất hiện bọt trắng để giảm lượng khí độc trong ao). Ngoài ra, bà con nên bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa vào khẩu phần thức ăn của tôm để tăng sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch và kích thích tôm săn mồi bình thường.
Để ngăn ngừa hiện tượng ao tôm có nhiều bọt trắng xuất hiện, người nuôi cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, quản lý chặt chẽ môi trường ao nuôi, tránh để thức ăn dư thừa tích tụ lâu ngày làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Đồng thời thường xuyên sử dụng chế phẩm vi sinh trong quá trình nuôi để làm sạch, ổn định màu nước, giảm thiểu các mầm bệnh gây bệnh cho tôm.