- Bệnh do vi khuẩn Aeromonas
Tên bệnh: Bệnh đốm đỏ, lở loét và xuất huyết.
Mùa vụ xuất hiện bệnh: mùa thu và mùa xuân.
Dấu hiệu bệnh lý: Cá ăn ít, trên thân xuất hiện các đốm đỏ và phát triển thành các vết loét. Khi giải phẫu thấy gan, thận nhũn mềm, màu sậm đen.
Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp tổng hợp.
Trị bệnh: Trộn thuốc Doxycycline 0,2 – 0,3g/1 kg thức ăn hoặc Oxytetracycline 2 – 4g/1kg thức ăn, kết hợp vitamin C, B – Complex liều lượng 20 – 30mg kg cá/ngày. Cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày.
- Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas spp
Tên bệnh: Bệnh lở loét do vi khuẩn Pseudomonas spp.
Mùa vụ xuất hiện bệnh: mùa xuân, mùa thu và mùa đông. Dấu hiệu bệnh lý: Xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, xung quanh miệng và nắp mang, phía mặt bụng, bề mặt cơ thể có thể chảy máu, tuột vẩy nhưng không xuất huyết vây và hậu môn.
Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Trị bệnh: Dùng Oxytetracyclin hoặc Rifamycin cho cá ăn 7 ngày liên tục với liều lượng: Ngày thứ nhất cho ăn từ 55 – 77mg/kg trọng lượng cá, ngày thứ 2 trở đi giảm 1/2 so với ngày đầu, đồng thời cho ăn kết hợp vitamin C, B-Complex liều lượng 20 – 30mg/ kg cá/ngày.
- Bệnh do vi khuẩn Edwardsiella spp
Tên bệnh: Bệnh gan thận mủ, xơ rách vây đuôi.
Mùa vụ xuất hiện bệnh: Khi thời tiết biến động nắng, mưa.
Dấu hiệu bệnh lý: Vi khuẩn E.ictaluri là tác nhân gây bệnh mủ gan, gây chết cá hàng loạt và rất khó điều trị. Giai đoạn gây hại nặng nhất từ cá hương lên giống và từ giống đến dưới 600 g/con. Khi nhiễm bệnh, trên gan thận cá xuất hiện các đốm mủ màu trắng lấm tấm.
Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Chọn con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh; sát trùng các dụng cụ như lưới, vợt, sọt, ống dây… bằng chlorine 10 – 15 g/m3 trong 30 phút, rửa sạch và phơi khô sau khi sử dụng, vào mùa dịch bệnh không nên cho cá ăn loại cá tạp ươn, thối. Vớt cá chết ra khỏi ao càng sớm càng tốt, chôn cá chết trong hố cách ly có rải vôi sống (CaO) để tiệt trùng.
Trị bệnh: Cá nhiễm E.ictaluri, dùng Florfenicol liều lượng 0,1 – 0,2g/kg thức ăn và cho cá ăn liên tục 7 ngày. Bổ sung vitamin C 20 – 30mg/kg cá/ ngày để tăng cường sức đề kháng cho cá.
- Bệnh nấm thủy mi
Bệnh do một số loài nấm thuộc các giống Achlya, Saprolegnia, Leptolegnia… gây ra.
Mùa vụ xuất hiện bệnh: Mùa xuân.
Dấu hiệu bệnh lý: Khi mới ký sinh, cá có hiện tượng ngứa ngáy, gầy, màu đen sẫm. Khi nấm phát triển nhiều, quan sát thấy rõ các búi nấm màu trắng tại vị trí nấm ký sinh trên thân cá.
Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Không để cá nuôi bị suy nhược vì đó là điều kiện thuận lợi để nấm thủy mi phát triển.
Trị bệnh: Sử dụng dung dịch muối ăn 3% tắm cho cá 15 – 20 phút hoặc dung dịch thuốc tím (KMnO4) nồng độ 10 – 20 g/m3 tắm cho cá từ 15 – 30 phút; hoặc formalin nồng độ 200 – 250ml/m3 tắm trong 30 phút.
* Một số lưu ý:
Khi tắm cho cá phải có máy sục khí. Đối với bệnh do vi khuẩn gây ra phải dùng kháng sinh điều trị, do đó phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh tối thiểu 20 ngày trước khi xuất bán
Đặng Xuân Trường
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia