Hiện nay, mô hình nuôi ếch đang dần phổ biến ở nhiều địa phương, sức cạnh tranh thị trường ngày một tăng cao. Vì vậy, người chăn nuôi cần được tiếp cận với những kĩ thuật nuôi ếch thương phẩm bài bản hơn, để đạt được hiệu quả kinh tế tốt nhất, đem lại nguồn lợi nhuận cao.
I. Ðặc điểm sinh học:
1. Phân bố và sinh sống:
– Ếch là loại động vật máu lạnh, sống ở 2 môi trường trên cạn và dưới nước.
– Phổi ếch cấu tạo đơn giản nên ngoài thở bằng phổi, ếch còn thở bằng da.
– Ếch chịu rét và nóng kém.
– Ếch thích những nơi có nhiều thức ăn tự nhiên: ruồi, muỗi, giun, ốc, các loại ấu trùng côn trùng.
– Mắt ếch không tinh, ếch chỉ nhìn rõ những con vật di động và phản ứng bắt mồi rất nhạy bén. Còn những vật tĩnh, ếch lại phát hiện kém.
– Ếch không ưa nước phèn, mặn.
2. Tính ăn:
– Ngoài thức ăn tự nhiên nói trên, ếch còn ăn được các loại cám gạo, bột bắp trộn với cá tạp,…
– Trong nuôi thương phẩm, ếch ăn được thức ăn viên công nghiệp.
– Ếch thường ngồi một chỗ để quan sát những con mồi di động, khi con mồi tiến lại gần, ếch dùng lưỡi đớp lấy con mồi, cuốn ngay vào miệng.
3. Sinh trưởng:
– Nuôi ếch giống với kích cỡ 3 – 5 g/con, sau 1 tháng có thể đạt trung bình từ 40 – 50 g/con.
– Nuôi tiếp 2 – 3 tháng thành ếch thương phẩm có thể đạt trung bình từ 150 – 200 g/con.
4. Sinh sản
– Mùa ếch đẻ từ tháng 3 – 7 âm lịch. Ếch đẻ rộ vào những đêm mưa.
– Ếch đẻ trứng, sau 7 – 10 ngày trứng nở thành nòng nọc (thở bằng mang như cá).
– Nòng nọc phát triển 30 – 40 ngày sẽ chuyển thành ếch và sống trên cạn.
– Ếch 1 năm tuổi có thể tham gia sinh sản khoảng 2.500 – 3.000 trứng/năm. Ếch 2 – 3 năm tuổi sẽ cho thế hệ con tốt hơn với số lượng trứng đẻ khoảng 4.000 – 5.000 trứng/năm.
– Ếch đẻ theo từng cặp (theo tỷ lệ 1đực/1cái)
II. Kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm:
1.Chuẩn bị bể nuôi
– Bể sau khi xây hoặc sửa xong phải tẩy rửa chất xi măng bằng cách ngâm nước và xả bỏ nhiều lần (có thể dùng thân cây chuối chặt nhỏ cho vào hồ ngâm 1 tuần rồi xả bỏ sẽ nhanh sạch chất xi măng hơn). Sau khi ngâm tẩy chất xi măng khoảng 3 – 4 tuần, kiểm tra độ pH nước trong bể đạt từ 6,5 – 7,0 là có thể thả ếch vào nuôi được.
– Vệ sinh, chà rửa bể sạch sẽ, khử trùng bằng Chlorine hoặc thuốc tím trước khi thả ếch vào nuôi.
– Cho nước vào từ 20 – 30 cm (chỗ sâu nhất khoảng 30 cm).
– Chuẩn bị hệ thống bè nổi cho ếch lên ăn và nghỉ ngơi.
– Thiết kế hệ thống cấp thoát nước bằng ống nhựa PVC.
– Thiết kế hệ thống lưới che chắn, bảo vệ ếch.
2. Chọn ếch giống
– Qui cách giống: Chọn ếch cỡ 45 ngày tuổi (khoảng 3 – 5 g/con) khỏe mạnh, phản ứng nhanh nhẹn, màu sắc đậm, không nhiễm bệnh hay bị dị tật.
– Chọn ếch giống sản xuất tại cơ sở tin cậy, ếch có chất lượng tốt để nuôi thương phẩm. Tốt nhất nên chọn ếch giống ở các cơ sở gần khu vực nuôi để ếch dễ thích nghi với môi trường và thời gian vận chuyển ngắn nhằm giảm tỷ lệ ếch chết sau khi thả nuôi.
3. Thả giống
– Kiểm tra lại môi trường nước trước khi thả giống (pH = 6,5 – 8,5; nhiệt độ từ 28 – 300C).
– Thời gian thả: lúc trời mát (sáng hoặc chiều).
– Mật độ thả nuôi: Tùy vào kinh nghiệm của người nuôi có thể thả 80 – 150 con/m2.
– Khử trùng ếch bằng nước muối trước khi thả nuôi (liều lượng 2 – 3%)
– Sau khi thả nuôi ếch được khoảng 7 – 10 ngày nên lựa những con ếch lớn vượt đàn đem nuôi riêng để tránh trường hợp con lớn ăn con bé.
– Nước trong bể nuôi phải thay thường xuyên, có thể dùng nước sông, nước ao để nuôi ếch, nhưng nước phải đảm bảo sạch. (về lý học và hóa học).
4. Chọn thức ăn cho ếch
– Chọn thức ăn công nghiệp dạng viên có độ đạm từ (22 – 35%) tùy vào độ tuổi của ếch mà cho ăn độ đạm và kích cỡ thức ăn khác nhau. Có thể sử dụng thức ăn chuyên dùng cho ếch hoặc cho cá.
– Chất lượng: Thức ăn có mùi vị hấp dẫn, không bị ôi thiu, ẩm mốc,..
5. Cho ăn
– Thức ăn nên được tưới nước khoảng 15 – 20 phút trước khi cho ăn.
– Cho ăn bằng cách rải đều thức ăn trực tiếp vào bể. Hạn chế cho ăn tập trung một chổ.
– Lượng thức ăn cho ăn căn cứ theo ước tính % trọng lượng đàn ếch và theo thực tế kiểm tra sau mỗi lần cho ăn.
– Tháng đầu cho ăn 7 – 10% trọng lượng đàn ếch
– 2 tháng sau giảm còn 3 – 5% trọng lượng đàn ếch
– Số lần cho ăn:
+ Tháng đầu cho ăn 3 – 4 lần/ngày (sáng, trưa, chiều, tối).
+ Khi lớn cho ăn 2 – 3 lần/ngày vào buổi sáng, trưa và chiều
Có thể tham khảo biện pháp cho ăn như sau:
– Ếch từ 3-30 gram chọn thức ăn viên có kích thước 2 – 3 mm và có hàm lượng protein khoảng 35%.
– Ếch 30 – 100 gram dùng thức ăn có kích thước 3 – 4 mm, hàm lượng protein là 30%.
– Ếch 100 – 150 gram sử dụng thức ăn có kích thước 5 – 6 mm và hàm lượng protein khoảng 25%.
– Ếch lớn hơn 150 gram có thể dùng thức ăn có kích thước 6 – 8 mm và hàm lượng protein khoảng 22%.
6. Chăm sóc
Quản lý nguồn nước và phòng bệnh
* Chế độ thay nước
– Tháng đầu ít thay nước, 2 – 3 ngày thay nước một lần, mực nước duy trì ở mức 20 – 30 cm.
– Tháng thứ hai trở đi thay nước mỗi ngày, mực nước có thể giảm xuống còn 10 – 15 cm.
– Khi ếch lớn thì không cần để giá thể cho ếch ngồi, mực nước duy trì khoản 8 – 10 cm.
– Thời gian thay nước thích hợp nhất là vào buổi sáng, phải thay nước trước khi cho ếch ăn.
* Phân cỡ:
– Hằng ngày kết hợp với việc cho ăn và thay nước là việc tách đàn, phân cỡ ếch.
– Thông thường là phân thành hai cỡ lớn và nhỏ tương đối đều nhau. Việc phân cỡ càng kỹ thì ếch ít có cơ hội ăn thịt lẫn nhau, giảm tỷ lệ hao hụt đáng kể.
* Chăm sóc
– Kiểm tra quan sát thường xuyên các hoạt động của ếch để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp bị bệnh.
– Trường hợp ếch bị bệnh phải tách riêng ra khỏi bể để điều trị.
– Định kỳ 7 – 10 ngày bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức đề kháng và tiêu hóa tốt thức ăn.
– Kiểm tra thường xuyên các hệ thống cấp thoát nước, lưới bảo vệ đề phòng thất thoát ếch.
– Cần tránh không cho nước mưa vào bể nhiều làm cho độ pH và nhiệt độ nước trong bể nuôi giảm đột ngột gây sốc cho ếch, nhất là giai đoạn ếch còn nhỏ dễ bị hao hụt rất nhiều.
– Định kỳ 2 tuần cân ếch một lần để kiểm tra mức tăng trọng và trọng lượng trung bình cả đàn. Từ đó có cơ sở điều chỉnh chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý.
7. Thu hoạch
– Sau 3 – 4 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng trung bình 200 – 250 g/con, có thể thu hoạch toàn bộ.
III. Một số bệnh thường gặp trong quá trình nuôi:
Trong quá trình nuôi ếch thương phẩm nếu việc phòng bệnh không tốt có thể dẫn đến một số bệnh như: bệnh trướng hơi do ếch ăn không tiêu hoặc ăn nhằm thức ăn bị nấm; bệnh ghẻ; viêm ruột; bệnh mù mắt, vẹo cổ; bệnh lở loét, đỏ chân.
Trong điều kiện nuôi hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng thì việc sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều trong trị bệnh cho ếch là không phù hợp. Do đó người nuôi phải áp dụng các biện pháp nuôi theo hướng An toàn thực phẩm sẽ man lại hiệu quả kinh tế nhất định. Chính vì vậy trong quá trình nuôi phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp là thích hợp nhất.
* Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trong nuôi trồng thủy sản:
– Chọn vị trí nuôi:
+ Địa điểm xây dựng hệ thống nuôi phải có nguồn nước sạch, đảm bảo cung cấp khi cần thiết. Không có nguồn nước thải công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật,… đổ vào.
+ Nên có hệ thống ao hoặc bể để xử lý nước trước khi cấp vào bể nuôi sau mỗi lần thay nước.
– Tẩy trùng bể nuôi:
Trước khi thả nuôi nên sử dụng một số loại hóa chất như thuốc tím, clorine,… phun khắp bể nuôi để 1 – 2 ngày thì rữa sạch lại trước khi cấp nước vào nuôi.
– Tiêu diệt tác nhân gây bệnh:
Giống khi đem về có thể mang mầm bệnh, do vậy cần tiến hành kiểm tra, nếu có sinh vật ký sinh trên cơ thể thì tùy theo kết quả kiểm tra mà chọn thuốc trị bệnh cho thích hợp.
+ Thường dùng phương pháp tắm cho vật nuôi bằng các loại như: Muối ăn NaCl 2 – 4% trong thời gian 5 – 10 phút trước khi thả nuôi hoặc CuSO4 (sulphat đồng) 2 – 5ppm (2 – 5g/m3) trong thời gian 5 – 15 phút trước khi thả nuôi.
+ Vệ sinh dụng cụ nuôi: Tác nhân gây bệnh có thể lây lan từ bể này sang bể khác. Vì vậy dụng cụ nuôi nên dùng riêng biệt từng bể nuôi hoặc phải xử lý xong mới đem vào bể nuôi khác. Trong trường hợp không đủ dụng cụ thì có thể dùng thuốc tím KMnO4 10 – 12g/m3 để ngâm ít nhất 1 giờ và rữa sạch mới sử dụng.
+ Tiêu diệt vật chủ trung gian: dọn sạch cỏ rác xung quanh khu vực nuôi để hạn chế nơi ẩn nấp và sinh sản của sinh vật gây hại.
– Vệ sinh môi trường trong quá trình nuôi:
Trong quá trình nuôi thường xuyên dùng vôi bột để ổn định pH, khử trùng làm sạch nước trước khi cho vào hệ thống nuôi, liều dùng khoản 2 kg/100 m3 nước trong khi nuôi. Ngoài ra có thể dùng muối ăn NaCl 2 – 4% tạt vào bể nuôi sau khi đã thay nước.
– Tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi:
+ Kiểm tra chất lượng giống trước khi thả
+ Chất lượng con giống phải thuần chủng, đồng đều về kích cỡ, không sây sát và không nhiễm bệnh nguy hiểm trong quá trình nuôi.
+ Sử dụng con giống lai tạo, có sức đề kháng đưa vào nuôi
+ Cho vật nuôi ăn theo phương pháp “4 định” đó là: Định chất lượng thức ăn, định số lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian và số lần cho ăn.
– Dùng thuốc phòng ngừa trước mùa phát sinh bệnh:
Đa số các loại bệnh đối với vật nuôi thủy sản thường xuất hiện vào mùa mưa đối với Miền nam, do đó phải có biện pháp dùng thuốc phòng ngừa dịch bệnh, sẽ hạn chế được tổn thất. Thuốc dùng phòng bệnh thường là các loại trị ngoại ký sinh và nội ký sinh.
Tấn lực – Trung tâm DVKTNN
nongnghiep.vinhlong.gov.vn