Chủ Nhật, 30/04/2023, 8:00

Kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản: Những điều cần biết

Sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh khiến việc phòng trị bệnh không còn tác dụng (Ảnh: chephamsinhhoc.net)

(Aquaculture.vn) Hiện nay các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, người nuôi cần trang bị những hiểu biết về bản chất, cơ chế hoạt động và các tác hại của kháng sinh để có thể sử dụng hiệu quả, an toàn, đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản.

Người nuôi cần trang bị những hiểu biết khi dùng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
Sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh khiến việc phòng trị bệnh không còn tác dụng (Ảnh: chephamsinhhoc.net)

Kháng sinh là thuốc có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp trong điều kiện nhân tạo. Chúng có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm các vi sinh vật. Vì thế, kháng sinh được dùng để trị các bệnh nhiễm khuẩn cho cả ở người, vật nuôi và cây trồng.

Dựa vào cơ chế tác động, người ta có thể phân kháng sinh thành 2 nhóm: diệt khuẩn và ức chế khuẩn.

  • Nhóm diệt khuẩn có khả năng tiêu diệt hẳn vi khuẩn gây bệnh như Rifamycin hay các kháng sinh thuộc nhóm Quinolones.
  • Nhóm ức chế khuẩn (chỉ kìm hãm hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không tiêu diệt) như Erythromycin, Spiramycin, Oxytetracycline hoặc các kháng sinh thuộc nhóm Sulphonamides.

Tác hại của việc sử dụng kháng sinh sai cách

Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách có thể dẫn đến nhiều tác hại như vi khuẩn kháng thuốc khiến việc phòng trị bệnh không còn tác dụng; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng; thay đổi hệ vi sinh vật tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái hoặc gây hại cho các loài sinh vật tự nhiên.

  • Dùng kháng sinh không đúng liều, dùng liều quá cao có thể gây ngộ độc cho vật chủ ảnh hưởng đến khả năng chống chịu với bệnh, tích tụ dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt thuỷ sản; dùng liều quá thấp cũng sẽ làm thất bại trong điều trị và dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc.
  • Sử dụng các loại kháng sinh với hàm lượng nhỏ phối trộn trong thức ăn của thuỷ sản với mục đích phòng bệnh, kháng sinh tiêu diệt cả các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của tôm khiến cho tôm chậm lớn hoặc chúng có thể diệt các vi khuẩn có lợi trong môi trường nếu đưa vào nước ao.
  • Điều trị chỉ dựa vào việc sử dụng kháng sinh, không sử dụng các liệu pháp hỗ trợ, làm cho việc điều trị kéo dài.
  • Thiếu thông tin đầy đủ về vi khuẩn gây bệnh. Đây là trường hợp phổ biến nhất và có lẽ khó cải thiện nhất. Người nuôi chẩn đoán và điều trị bệnh chỉ dựa vào những thay đổi quan sát được bằng mắt thường của tôm, cá.
TT Tên hóa chất, kháng sinh TT Tên hóa chất, kháng sinh
1 Aristolochia spp và các chế phẩm từ chúng 13 Green Malachite (Xanh Malachite)
2 Chloramphenicol 14 Ipronidazole
3 Chloroform 15 Các Nitroimidazole khác
4 Chlorpromazine 16 Clenbuterol
5 Colchicine 17 Diethylstilbestrol (DES)
6 Dapsone 18 Glycopeptides
7 Dimetridazole 19 Trichlorfon (Dipterex)
8 Metronidazole 20 Gentian Violet (Crystal violet)
9 Nitrofuran (bao gồm cả Furazolidone) 21 Trifluralin
10 Ronidazole 22 Cypermethrin
11 Enrofloxacin 23 Deltamethrin
12 Ciprofloxacin 24 Nhóm Fluoroquinolones

Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản

Những lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Không sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh do virus gây ra và để phòng bệnh.

Áp dụng các nguyên tắc: đúng loại, đúng bệnh, đúng cách, đúng liều, đúng lúc và đủ thời gian theo chỉ dẫn.

  • Lựa chọ những loại kháng sinh được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, tránh sử dụng những loại kháng sinh lạ.
  • Không nên sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật thủy sản nuôi vì dễ làm cho vi khuẩn “nhờn thuốc” hay kháng thuốc. Chỉ dùng kháng sinh để điều trị sau khi đã xác định được mầm bệnh.
  • Chọn kháng sinh phù hợp với mục đích sử dụng: Ưu tiên sử dụng kháng sinh phổ hẹp, hạn chế sử dụng kháng sinh phổ rộng có thể gây nhờn thuốc. Dùng đủ liều, không dùng liều tăng dần.
  • Sử dụng, bảo quản thuốc đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất: Liều lượng, thời gian sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không sử dụng thuốc kém chất lượng (hết hạn sử dụng, bảo quản không đúng cách, không rõ nguồn gốc xuất xứ). Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, để cách biệt với dầu máy, hóa chất độc và thức ăn. Các loại thuốc đã mở bao gói nếu dùng chưa hết phải được cột chặt, tránh thuốc bị ẩm làm giảm chất lượng.

Một số các giải pháp thay thế kháng sinh

  • Men vi sinh
  • Thảo dược
  • Vaccine
  • Kháng thể lòng đỏ trứng (IgY)
  • Thực khuẩn thể
  • Beta glucan

Chỉ nên sử dụng kháng sinh khi cần thiết, cần sử dụng hợp lý và thận trọng. Ngoài ra, không nên quá lạm dụng kháng sinh, đặc biệt là về lâu dài để chống lại bệnh do vi khuẩn. Cần chú trọng các biện pháp phòng ngừa, cải thiện cân bằng môi trường vi khuẩn trong ao nuôi để nâng cao đề kháng tự nhiên của động vật thủy sinh, ưu tiên các giải pháp thay thế kháng sinh trong nuôi trồng.

Thu Hiền