Thứ Tư, 2/11/2022, 8:30

Hiệu quả mô hình nuôi cua thâm canh

Nuôi cua biển thâm canh trên vùng nuôi nuôi thường xảy ra dịch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao đã mở ra hướng đi mới, vừa góp phần khai thác tốt thế mạnh về đất đai, lao động, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) có hơn 1 ha diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, toàn bộ số diện tích này môi trường nuôi đã xuống cấp, nhiều năm nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh. Vì thế, gia đình chị đã chuyển sang nuôi cua xen ghép một số đối tượng khác theo hình thức quảng canh cải tiến, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể.

Đầu năm 2022, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn thực hiện mô hình nuôi cua thâm canh với diện tích mặt nước rộng 1 ha, thả nuôi 10 nghìn con giống. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình chị đã đầu tư cải tạo ao, chuyển đổi sang nuôi cua thương phẩm có sử dụng thức ăn công nghiệp. Khi tham gia mô hình, gia đình được hỗ trợ 50% về con giống, thức ăn và các loại vật tư khác theo quy định.

Chị Phượng cho biết: “Khi nuôi cua có sử dụng thức ăn công nghiệp cho thấy các yếu tố môi trường từ độ mặn, độ pH, đến độ trong rất phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cua. Đặc biệt, so với nuôi cua sử dụng cá tạp như trước đây thì với thức ăn công nghiệp gia đình không còn phải lo về việc tìm kiếm thức ăn hàng ngày, cua phát triển đồng đều và tỷ lệ sống cao, qua đó giảm được khá nhiều chi phí đầu tư nên hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Cũng theo anh chị Phượng, thời tiết năm nay khá bất lợi cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nguồn nước mặn lấy vào khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, sau hơn 5 tháng nuôi, tỷ lệ cua sống đạt trên 65%, trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 0,3 – 0,4kg, dự kiến sản lượng đạt gần 2 tấn cua thương phẩm. Với giá bán bình quân 250 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

Với những kết quả đạt được, cho thấy, về lâu dài, nuôi cua bằng thức ăn công nghiệp sẽ dần giảm được áp lực khai thác nguồn cá nhỏ làm thức ăn cho cua từ tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, còn giúp tạo thêm nguồn hàng hoá thuỷ sản giá trị cao bảo đảm về chất lượng, số lượng cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài địa phương.

Ông Hoàng Hải Đường – Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Mô hình nuôi cua thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp của hộ chị Phượng là hướng phát triển mới trên địa bàn, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Vì thế, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục khảo sát, vận động bà con đến tham quan, học hỏi, từng bước nhân rộng mô hình nhằm phát triển nghề nuôi cua bền vững tại địa phương”.

Phát triển nuôi cua thâm canh tại những diện tích nuôi trồng thủy sản thường xảy ra dịch bệnh, nuôi tôm kém hiệu quả là hướng đi phù hợp, vừa góp phần khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cua thương phẩm là một trong những kỹ thuật mới rất cần được áp dụng nhân rộng để tháo gỡ một số khó khăn mà trước kia người dân gặp phải về việc tìm kiếm nguồn thức ăn, cũng như quản lý chăm sóc./.

Nguyễn Hoàn

Khuyến nông Hà Tĩnh