Nuôi hàu treo dây vùng cửa sông đang mở ra hướng đi mới cho người dân Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trong phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản bền vững.
Đi dọc vùng cửa sông Ba Lạt, xã Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bình (nơi sông Hồng đổ ra biển) không khó để bắt gặp những bè tre nuôi hàu treo dây của người dân các xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thanh nằm san sát nhau, nối dài tít tắp.
Theo nhiều hộ dân nơi đây, mặc dù nghề nuôi hàu nước lợ mới phát triển ở địa phương nhưng đã mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản hiệu quả, bền vững. Góp phần giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiến tới làm giàu.
Anh Tạ Văn Thiết, xã Nam Thanh, người đầu tiên đưa hàu về nuôi tại vùng cửa sông Ba Lạt chia sẻ: Năm 2018, anh quyết định chuyển hướng, đưa nghề nuôi hàu nước lợ về phát triển tại quê nhà. Anh mời các chuyên gia, những người nuôi hàu có kinh nghiệm ở Quảng Ninh về khảo sát, đánh giá nguồn nước ở vùng cửa sông Ba Lạt. Kết quả thu được là nguồn nước ở đây hoàn toàn phù hợp với việc nuôi hàu.
Sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý đường thủy anh đã tiến hành làm bè đưa lứa hàu đầu tiên về nuôi thử. Sau 6 tháng, nhận thấy toàn bộ số hàu nuôi tại vùng cửa sông sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh anh đã quyết định đầu tư làm lớn.
Vậy là, từ vài ô ban đầu, rồi tăng lên 200 bè, đến hiện tại, anh Thiết đã có cho mình 500 bè nuôi hàu cấp 1, cung cấp giống cho đầu mối tại Quảng Ninh nuôi tiếp để bán hàu thịt (mỗi bè diện tích khoảng 80m2, nuôi được 600 dây hàu, mỗi dây có trọng lượng 4-5kg).
Anh Thiết cho biết: Hàu rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, sống chủ yếu nhờ vào nguồn tảo, phù du tự nhiên nên không tốn chi phí thức ăn. Người nuôi chỉ cần sử dụng con giống chất lượng, được lấy từ các cơ sở sản xuất giống uy tín.
Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi, vệ sinh bè nuôi để hạn chế ốc, các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Tuy nhiên, muốn nuôi thành công hàu ở vùng cửa sông, người nuôi phải nắm được tập tính sinh trưởng theo mùa của hàu và phải thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước, nếu không hàu dễ mắc bệnh và chết.
“Để hàu sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh ngoài con giống chất lượng, nguồn nước rất quan trọng. Nước mặn quá hay ngọt quá hàu cũng đều sẽ chết. Nuôi hàu vùng cửa sông có lợi thế là dòng nước mặn, ngọt lên xuống liên tục nên độ mặn của nước giữ được ổn định từ 10-20 PPT giúp hàu thuận lợi phát triển”, anh Thiết cho hay.
Cũng theo anh Thiết, ngoài những yếu tố thuận lợi, nuôi hàu ở vùng cửa sông cũng đối diện với nhiều rủi ro như thiên tai, bão lũ, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước từ thượng nguồn đổ về… Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, các hộ đều phải tính đến phương án sẵn sàng di dời bè vào sâu trong sông hay ra ngoài gần biển khi độ mặn của nước thay đổi (độ mặn của nước vượt quá 25-30 PPT hàu sẽ chết).
Do đó, bè được làm nổi trên mặt nước, chằng buộc bằng dây cước đảm bảo thuận lợi khi cần tách bè để di chuyển và thường xuyên cắt cử người trực 24/24 để trông nom và theo dõi độ mặn của nước. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu khá cao, trung bình để 1 bè nuôi hàu đi vào hoạt động chi phí đầu tư hết khoảng 6,5 triệu đồng, trong khi nếu muốn có lãi phải nuôi với số lượng bè nhiều.
Về hiệu quả kinh tế, anh Thiết chia sẻ, trung bình anh xuất bán hàu với giá 30.000 đồng/dây. Như vậy, với mỗi bè nuôi được 600 dây, anh thu về 18 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí anh có lãi 50%. Anh tạo công ăn việc làm cho 6 lao động chính với thu nhập 8-9 triệu đồng/người và 20 công nhân thời vụ.
Trung Quân – Huy Bình
Báo Nông nghiệp