Thứ Hai, 28/11/2022, 13:52

Triển vọng nghề nuôi cá tầm ở Bắc Ninh

Cá tầm tưởng chừng chỉ nuôi được ở vùng lạnh, nhưng được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh.

Đến nay, mô hình này đã được nuôi thành công trên các con sông ở tỉnh Bắc Ninh, mở hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Bể thả nuôi cá tầm giống. Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.800 ha mặt nước đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản, với hơn 2.400 lồng nuôi cá trên sông. Để khai thác tốt tiềm năng, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xây dựng mô hình, đưa giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như cá lăng chấm, lăng đen, diêu hồng, chép giòn, nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch, ba ba… Nhận thấy tiềm năng từ nghề nuôi cá tầm mang lại, tháng 6/2019, Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đề tài “ Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá tầm Siberi (Acipenser baerii) thương phẩm bằng lồng trên sông Đuống tại huyện Thuận Thành và Gia Bình”, với quy mô 4.000 con. Sau một năm nuôi, đề tài này được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể phát triển đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông.

Gia đình anh Hoàng Huy Tập, ở xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành là một trong hai hộ tham gia đề tài với 2 lồng nuôi, hơn 2.000 con cá tầm. Thực tế nuôi cho thấy, cá tầm có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở sông Đuống bởi nhiệt độ nước sông tại vị trí đặt lồng với độ sâu từ 3,5 m trở lên rất phù hợp cho cá tầm sinh trưởng. Nhờ tuân thủ đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật trong các khâu nuôi và kinh nghiệm sẵn có, sau 1 năm, cá nuôi đạt trọng lượng từ 1,8 – 2,5 kg/con.

Anh Hoàng Huy Tập cho biết, cá tầm là loài thủy sản nước lạnh, chỉ ưa sống và phát triển tốt ở nhiệt độ nước từ 8-22 độ C, cá tầm chủ yếu được nuôi tại các khu vực miền núi phía Bắc. Nuôi cá tầm đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật chăm sóc; trong đó, nhiệt độ và môi trường nước đóng vai trò quan trọng nhất.

Do vậy, lồng cá phải lựa chọn nơi có dòng chảy nhẹ, độ sâu từ 3-3,5m để đảm bảo mát mùa hè, nhưng không quá lạnh vào mùa đông. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc, cần cho ăn đúng, đủ liều lượng và thời gian. Từ thành công ban đầu, đến nay, gia đình anh Tập đã nhân rộng lên 5 lồng, với 10.000 con/năm.

Tháng 4/ 2022, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tầm trên sông Thái Bình, tại hai hộ ở xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, với 7.500 con. Khi tham gia mô hình này các hộ nuôi sẽ được hỗ trợ kỹ thuật nuôi và 50% tiền giống, thức ăn chăn nuôi. Do cá Tầm là loài sống ở vùng lạnh như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La… với nền nhiệt độ trung bình  từ 8-25­oC nên đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Thoan, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài cho biết, gia đình ông được hỗ trợ, chuyển giao gần 2.500 con cá tầm với trọng lượng 2,5 lạng để thả nuôi. Đến nay, sau 7 tháng nuôi hiện mỗi con cá tầm có trọng lượng từ 1,7-1,8 kg. Dự kiến, tháng 4/ 2023, khi cá đạt trọng lượng từ 2,2 đến 2,4 kg/con, gia đình ông sẽ xuất bán.

Theo ông Thoan, cá tầm là loài cá ưu lạnh nên thời điểm nuôi cá tầm trên sông tốt nhất bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, tốc độ cá lớn rất nhanh. Mỗi tháng, cá thể tăng trọng từ 600-800 gram, thậm chí có con tăng đến 1kg. Tuy nhiên, vào mùa hè, phải giảm lượng thức ăn để cá tiêu bớt mỡ, giảm thiểu tình trạng cá chết do nắng nóng. Hiện, giá cá tầm thương phẩm giữ giá ổn định ở mức trên 200.000 đồng/kg nên việc nhân rộng mô hình này rất triển vọng.

Đánh giá về hiệu quả mô hình nuôi cá tầm tại địa phương, ông Trần Đình Tập, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, qua đánh giá thực tế, việc nuôi cá tầm bằng lồng trên sông đã bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đây là đối tượng nuôi mới khác hoàn toàn quy trình nuôi cá lăng, cá diêu hồng, cá chép giòn… Do vậy, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh tiếp tục mở các lớp tập huấn, kỹ thuật, đặc biệt là hỗ trợ giống con các hộ nuôi, bởi chi phí mua giống cá này là tương đối lớn.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh, từ thành công ban đầu, đến nay, trên địa tỉnh đã có 6 điểm nuôi cá tầm, với 25 lồng nuôi ở các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Lương Tài và Gia Bình.

Ông Ngô Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau hơn 3 năm thực nghiệm mô hình, thực tế cho thấy, cá tầm là đối tượng sống thích nghi trên hệ thống sông như sông Đuống, sông Thái Bình. Sau khi kết thúc đợt nuôi tại hai hộ nuôi ở xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, Trung tâm sẽ đánh giá kết quả cụ thể và có những khuyến cáo, tuyên truyền nhân rộng các lồng nuôi cá tầm trên hai con sông này.

“Việc nuôi cá tầm trên sông là hướng đi mới cần được nhân rộng nhằm khai thác thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, nuôi con đặc sản thường kéo dài thời gian, vốn đầu tư lớn cho con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh. Do vậy, để nhân rộng mô hình, thời gian tới, ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng. Đồng thời, đề xuất các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi yên tâm đầu tư thời gian, công sức và có thể hạn chế rủi ro tiềm ẩn khi tiếp cận những giống thủy sản mới”, ông Ngô Thanh Hải cho hay.

Quang Nhiều (TTXVN)
baotintuc.vn
Báo