Bệnh phát sinh trên một số loài cá cảnh thường xuất hiện do nhiều tác nhân phối hợp và tương tác gây nên bệnh, điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị nếu không tìm ra được chính xác các tác nhận gây bệnh chính. Do vậy, việc khống chế và loại trừ các tác nhân gây bệnh là giải pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả, hữu hiệu và cần thiết.
I. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh trên các loại cá cảnh xuất hiện thông thường do rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân sau:
+ Do phương pháp quản lý chất lượng môi trường nước chưa tốt: chất lượng nước kém, không được xử lý kỹ trước khi cấp vào bể nuôi, các thông số môi trường vượt ngưỡng cho phép hoặc biến động liên tục là các bị sốc, bổ ăn, suy yếu dẫn đến giảm sức đề kháng và nhiễm bệnh. Ngoài ra các thông số môi trường còn làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các loài vi sinh vật gây bệnh, nấm, các loài tảo độc làm lây lan dịch bệnh.
+ Kinh nghiệm nuôi, kỹ thuật chăm sóc: người nuôi mới tham gia nuôi cá cảnh còn hạn chế kinh nghiệm, chưa nắm vững các kỹ thuật chăm sóc như cho ăn, thay nước, tập tính sống của cá, vệ sinh bể nuôi làm trầy xước, cá bị stress…..là một trong các nguyên nhân gián tiếp làm suy giảm sức đề kháng của cá, tạo điều kiện cho mần bệnh xâm ngập vào cơ thể gây bệnh cho cá.
+ Quản lý thức ăn và cho ăn: trong quá trình nuôi, việc sử dụng các loại thức ăn không phù hợp gây thiếu hụt dinh dưỡng cho cá kéo dài làm rối loạn các quá trình trao đổi chất trong cơ thể cá, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể cá.
+ Các loài vi sinh vật gây bênh: các loài vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng có thể tấn công và gây bệnh cho cá khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi và sức đề kháng cá bị suy giảm.
+ Sức đề kháng của cá: sức đề kháng cá là yếu tố quan trọng, là cơ hội phát sinh bệnh hay làm cá bị nhiễm bệnh thêm trầm trọng. Sức đề kháng của cá phụ thuộc vào bản chất của từng loài, từng giai đoạn phát triển, chế độ chăm sóc, phương pháp cho ăn và điều kiện môi trường.
II. Một số phương pháp phòng bệnh tổng hợp
Trong quá trình nuôi, cơ sở của việc phòng bệnh cho cá cảnh đều dựa trên ba nguyên tắc chính gồm: quản lý môi trường, kiểm soát mầm bệnh và sức khỏe, sức đề kháng của cá. Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trên cá cảnh bao gồm:
+ Quản lý môi trường nuôi: việc quản lý các yếu tố môi trường nuôi các gồm các yếu tố
– Các thông số chất lượng nước bao gồm: pH, nhiệt độ, độ kiềm, hàm lượng oxi hòa tan, các loại khí độc H2S, NH3….tất cả đều nằm trong ngưỡng thích hợp, tối ưu cho sự phát triển của từng loài.
– Hạn chế sự biến động của các yếu tố môi trường kể trên sẽ làm cá bị sốc, stress, gây suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho mần bệnh tấn công. Biên động trong ngày của nhiệt độ không quá 3-4oC, pH biến động không quá 0,3.
– Thiết kế các hệ thống bể lọc hoặc thay nước định kỳ giúp cải thiện chất lượng, giảm hàm lượng các chất độc hại trong quá trình nuôi.
+ Kiểm soát mầm bệnh
– Thường xuyên làm vệ sinh, khử trùng bể, dụng cụ nuôi, cây thủy sinh và nguồn nước trước khi cấp vào bể nuôi.
– Cá trước khi thả nuôi cần được khử trùng bằng cách tắm nước muối nồng độ 5-8‰ trong 5-10 phút hoặc các loại chất khử trùng khác như iodine, thuốc tím…. Có thể thả nuôi vào các bể nuôi cách ly 5-7 ngày trước khi thả cá vào nuôi chung trong trang trại.
– Rửa sạch hoặc khử trùng các loại thức ăn tươi sống như trùn chỉ, tôm, tim bò tươi…..bằng nước muối nồng độ 3-5%, iodine, thuốc tím nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào hệ thống nuôi.
+ Chăm sóc, tăng cường sức đề kháng cho cá
– Lựa chọn con giống có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng….
– Lựa chọn đối tượng nuôi ghép phù hợp với tập tính của mỗi loài, nuôi với mật độ phù hợp, tránh gây sốc, stress cho cá….
– Trong quá trình nuôi, việc vệ sinh bể, phương pháp cho ăn tránh gây sốc, trầy xước cá, cho ăn đúng giờ, đúng số lượng và chủng loại thức ăn.
– Thức ăn cho ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, chất lượng, không sử dụng thức ăn bị thối rửa, biến chất…..
– Tránh sử dụng tùy tiện các loại thuốc kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của cá, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, gây nên hiện tượng kháng kháng sinh.
– Thường xuyên theo dõi, quan sát kịp thời để phát hiện các cá thể cá bị nhiễm bệnh để có hướng, phương pháp xử lý kịp thời.
– Việc nuôi cá với quy mô lớn, cần có các bể cách ly để tách các cá thể cá bệnh ra khỏi hệ thống để điều trị và hạn chế lây lan dịch bệnh.
(Tài liệu tham khảo: PGS. TS Vũ Cầm Lương, Cá cảnh nước ngọt, Nhà xuất bản nông nghiệp Tp Hồ Chí Minh)
Quốc Tường
Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh