Bước sang năm mới 2024, thị trường Trung Quốc đang có những dấu hiệu tích cực. Giá tôm nuôi đang trên đà tăng từ tuần cuối cùng của năm 2023, áp lực tồn kho đối với tôm nhập khẩu cũng giảm bớt. Tồn kho cá tra tại thị trường Trung Quốc không còn là vấn đề.
Giá tôm tăng, chủ yếu từ Ecuador
Giá tôm thẻ chân trắng đã tăng từ tuần cuối cùng của năm 2023 và áp lực tồn kho đối với tôm nhập khẩu cũng giảm bớt. Tại khu vực Đồng bằng sông Châu Giang tỉnh Quảng Đông, giá tôm – đặc biệt là loại 60 con/kg – đã tăng lên hơn 57 CNY/kg (8,00 USD/kg) vào cuối tháng 12. Tương tự, giá cũng có xu hướng tăng đối với tôm nuôi trong nhà kính ở Giang Tô và khu công nghiệp nội địa ở Sơn Đông.
Vào ngày 25 tháng 12, Fish First, một cơ quan truyền thông địa phương Trung Quốc đưa tin giá tôm tăng đột biến trên khắp cả nước trong tuần cuối cùng của năm 2023. Báo cáo cho biết: “Được thúc đẩy do sự gia tăng nhu cầu thị trường, các thương lái đang tích cực điều chỉnh giá thu mua từ nông dân”. “Nhiều nông dân ngần ngại bán với số lượng lớn vì họ dự đoán giá sẽ tốt hơn trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu năm”. Những ngày này rơi vào ngày 9-15 tháng 2 năm 2024.
Trong lĩnh vực tôm đông lạnh nhập khẩu, hiện áp lực tồn kho đã giảm bớt do lượng hàng container về cảng giảm. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, các lô hàng tôm đông lạnh trong tháng 11 đạt tổng cộng 73.800 tấn, đánh dấu mức giảm 5.300 tấn so với tháng trước và lập kỷ lục về khối lượng nhập khẩu giảm hàng tháng thứ 4 liên tiếp. Trong tháng 11, Trung Quốc nhập khẩu 50.600 tấn tôm từ Ecuador, chiếm gần 70% tổng lượng.
Theo nguồn tin từ Seafood Guide, “việc giảm nhập khẩu tôm liên tục đã làm giảm bớt áp lực tồn kho trên thị trường tôm đông lạnh ở Trung Quốc”. Từ tháng 1 đến tháng 11, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 916.900 tấn tôm đông lạnh, trong đó tôm Ecuador chiếm 646.900 tấn trong tổng số đó.
Quanlian Jicai, nhà nhập khẩu tôm lớn nhất Trung Quốc, đã thông báo tới người mua vào tuần 51 thông qua kênh WeChat rằng do lễ Giáng sinh và Năm mới ở Ecuador nên các nhà cung cấp hiện đang quá tải, giảm sự chú ý tới hoạt động bán hàng. Do đó, khối lượng giao dịch đã bị hạn chế trong những tuần gần đây. Quanlian Jicai cho biết: “Hơn nữa, giá thu mua tương đối thấp do người mua Trung Quốc đưa ra đã khiến các nhà xuất khẩu Ecuador phải đi tìm cơ hội từ người mua các nước khác”.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn cho cá tra Việt Nam
Ước tính, năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 tỷ USD cá tra, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Càng về cuối năm 2023, Trung Quốc càng có xu hướng tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam để phục vụ cho dịp nghỉ lễ cuối năm. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã liên tục tăng trưởng trong 3 tháng liên tiếp 9,10 và 11/2023. Trong đó, sản phẩm chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là cá tra đông lạnh và phile cá tra đông lạnh.
Kết quả nãy đã phần nào thể hiện được xu hướng xuất khẩu tiêu thụ của cá tra năm 2024. Cá tra xuất khẩu sẽ không chỉ tập trung vào các phile đông lạnh – sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. “Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được thị trường Trung Quốc và cả Mỹ, Malaysia, Singapore rất quan tâm”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết.
Bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc Khối kinh doanh CTCP Vĩnh Hoàn đồng quan điểm về thị trường Trung Quốc năm 2024. Theo bà Thư, “nhu cầu từ Trung Quốc sẽ phục hồi tốt hơn so với năm 2023, sản phẩm cá tra trở nên cao cấp hơn và được ưa thích phổ biến hơn tại các hệ thống nhà hàng”.
Trích lời ông Chen Xindong, Tổng giám đốc của công ty Octogone phân phối cá tra tại Trung Quốc, đăng tải trên Seafood Guide, ông Chen đánh giá nhu cầu của thị trường thủy sản Trung Quốc đang dần chuyển sang các sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao hơn. Việc Trung Quốc tiếp tục mở cửa hơn so với đầu năm 2023 khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này dần tăng trở lại.
Hiện tại, tồn kho cá tra tại thị trường Trung Quốc đã không còn là vấn đề. Dự báo giá bán buôn và giá nguyên liệu thô sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2 tới. “Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Trung Quốc, số lượng đơn hàng nhiều hơn, đặc biệt là sự củng cố về quan hệ song phương Việt – Trung là cơ sở cho những kỳ vọng lạc quan về xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian tới”, bà Lê Hằng nhận định.
Theo Bộ NN&PTNT, dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so năm 2023, sản lượng thu hoạch trong quý I và II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 đạt 2 tỷ USD, cao hơn so với con số ước tính của năm 2023 là 1,8 tỷ USD.
Hải Đăng
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn