Thứ Hai, 8/07/2024, 13:56

Bến Tre: Xây dựng quy trình nuôi cá bông lau trong ao đất

Phân viện nghiên cứu hải sản Miền Nam vừa xây dựng quy trình ương dưỡng và nuôi cá bông lau trong ao đất tại huyện Bình Đại, Bến Tre, giúp bảo tồn nguồn lợi tự nhiên và chủ động con giống cho nghề nuôi trồng thủy sản.

Cá bông lau là loài cá da trơn, sinh trưởng chủ yếu theo dòng sông Mekong ở khu vực Đông Nam Á. Cá có thể sinh sống ở môi trường nước lợ và cả nước ngọt nhờ vào tập tính di trú rất độc đáo. Sau một thời gian sinh trưởng ở vùng cửa sông, cá sẽ di chuyển ngược dòng lên thượng nguồn để sinh sản.

Tại Việt Nam, cá bông lau là sản vật đặc biệt của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là loài cá kinh tế quan trọng ở khu vực sông Mê Kông nói chung và đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, có kích cỡ lớn có thể đạt 15 kg/con, chất lượng thịt thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Cá bông lau khai thác tự nhiên rất được ưa chuộng, giá bán dao động từ 180.000đ/kg-350.000 đ/kg tùy kích cỡ. Nhưng hiện nay nguồn lợi cá bông lau khai thác tự nhiên cạn kiệt, nên nguồn cung ngày càng khan hiếm. Vì vậy, đây là đối tượng được đánh giá là có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nghề nuôi cá bông lau chưa thực sự phát triển, do nguồn giống chưa được sản xuất đại trà và chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Vì vậy, nguồn giống có tính mùa vụ và ổn định không cao. Ngoài ra, nguồn giống tỷ lệ hao hụt cao, do cá còn có tính hoang dã, khi đưa vào môi trường nuôi nhốt chưa quen với thức ăn nhân tạo và cá hay bị trầy xước trong quá trình đánh bắt cũng như vận chuyển.

Bến Tre với lợi thế là tỉnh nằm trên vùng hạ lưu sông Tiền (cửa Đại, Cổ Chiên, Hàm Luông), có nguồn lợi cá bông lau tương đối phong phú. Hoạt động khai thác cá bông lau giống diễn ra từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, đã cung cấp con giống cho nghề nuôi ở địa phương. Mặc dù đã được nuôi phổ biến, nhưng hiệu quả sản xuất được chưa cao và chưa ổn định, tỷ lệ sống giai đoạn ương giống dao động chỉ từ 10-60%. Do chưa có mô hình và quy trình nuôi đối với cá bông lau, người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi các đối tượng khác.

Để giải quyết những tồn tại trên, Phân viện nghiên cứu Hải sản phía Nam – Viện Nghiên cứu Hải sản đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình ương dưỡng và nuôi cá bông lau trong ao đất” tại ấp Tân Long, xã Phước Thạnh, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Mô hình nuôi cá bông lau tại Bình Đại. Ảnh: SKH

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, số lượng cá bông lau giống khai thác là 461 con/ngày ở mỗi tàu lưới đáy và là 421 con/ngày ở mỗi tàu lưới te. Mùa vụ khai thác từ tháng 9-12 hằng năm. Theo phương thức truyền thống của bà con nông dân, thời gian nuôi cá bông lau từ 16,8 – 18,5 tháng/vụ. Cá có tỷ lệ sống từ 36,1- 63,7%, hệ số chuyển hóa thức ăn FCR (lượng thức ăn tiêu tốn để tăng trọng một kilogram vật nuôi) là 2,47-2,52, năng suất đạt từ 7,8-12,9 tấn/ha. Các ao nuôi thuộc khu vực các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú thích hợp nuôi cá bông lau.

Qua nghiên cứu nhóm tác giả cho rằng, nuôi cá bông lau cần tách biệt ra hai giai đoạn để đạt hiệu quả cao. Cụ thể là giai đoạn ương, thuần dưỡng và giai đoạn thương phẩm. Mỗi giai đoạn sẽ có quy trình kỹ thuật, khác nhau.

Theo đó, giai đoạn ương và thuần dưỡng mật độ ương tốt nhất là 20 con/m2, cần thời gian 35 ngày, kích cỡ con giống sau ương 9,3 cm, tỷ lệ sống 91,0%. Giai đoạn nuôi thương phẩm, mật độ nuôi tốt nhất từ 1-2 con/m2, thời gian nuôi 12 tháng, kích cỡ cá thu hoạch từ 1-1,2 kg/con, tỷ lệ sống 84,7-89,7%, năng suất 10,3-17,8 tấn/ha, FCR từ 1,96 – 2,15. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, mật độ 2 con/m2 cho hiệu quả kinh tế cao nhất với tỷ suất lợi nhuận đạt 14,6%, cao gấp 3,17 lần so với mật độ 3 con/m2 và 1,13 lần so với mật độ 1 con/m2.

Ngoài ra, nhóm đã xây dựng sản phẩm cá Bông lau một nắng và cá Bông lau tươi, đưa ra thị trường đạt chứng nhận OCOP 3 sao (sản phẩm đặc thù, có lượng tiêu thụ ổn định thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm cá Bông lau đạt chứng nhận OCOP 3 sao, giúp tăng thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu địa phương, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người dân.

Nhóm cũng đã hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn quy trình kỹ thuật ương và thuần dưỡng, nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất. Qua đó, đã tập huấn kỹ thuật cho gần 60 hộ nuôi trồng thủy sản và cán bộ tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN Bến Tre nghiệm thu mới đây, kết quả đạt.

 

Kiều Anh

Khoa học Phát triển