(Aquaculture.vn) – Chiều ngày 6/7/2024, tại Hà Nội, Trung tâm ICAFIS và nhãn hàng JAPIFOODS của Công ty CP Wineco Việt Nam tổ chức “Lễ ra mắt chương trình Blue Ocean – Blue Foods” và ký kết biên bản ghi nhớ với mục tiêu giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường biển và phát triển sinh kế cộng đồng.
Tham dự sự kiện có ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản; ông Ngô Thế Anh, Trưởng Phòng nuôi thuỷ sản (Cục Thuỷ sản); ông Nguyễn Tiến Thắng, Phó Trưởng phòng khai thác thuỷ sản (Cục Thuỷ sản); ông Hà Văn Huy, Phó Trưởng phòng Giống và Thức ăn thuỷ sản (Cục Thuỷ sản); ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm ICAFIS; ông Lê Đắc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Wineco Việt Nam; bà Nguyễn Thị Sâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Wineco Việt Nam,…
Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo Kịch bản BĐKH của Việt Nam năm 2020, nếu mực nước biển dâng thêm 100cm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ ngập khoảng 47% diện tích, khoảng 10% dân số tại khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất. Khi mực nước biển dâng trung bình 57cm, sẽ có khoảng 8% diện tích rừng và thảm thực vật tự nhiên ở vùng ven biển có nguy cơ bị ngập.
Năm 2022, Việt Nam phát thải 344 triệu tấn CO2/năm, xếp thứ 17 trên toàn cầu. Sự phát triển nhanh của đô thị và kinh tế – xã hội cộng hưởng với tác động của nóng lên toàn cầu, làm gia tăng nhanh hơn các hiện tượng cực đoan cũng như rủi ro khí hậu ở các địa phương ven biển. Vì vậy, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cần có sự tăng cường liên kết và tham gia của các bên liên quan trong hỗ trợ cộng đồng ven biển.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết, một số nghiên cứu về khả năng hấp thụ CO2 của rong gấp khoảng 5 lần cây rừng, một số rong có khả năng hấp thụ CO2 gấp 20 lần, đây là một tiềm năng rất lớn. Hiện tại, Cục Thuỷ sản đang phối hợp với công ty Australis phát triển một số loại rong sau khi chiết xuất, còn lại cho vào thức ăn động vật nhai lại (bò), sử dụng 1 phần nguyên liệu thức ăn này làm cho khả năng ợ hơi tạo khí metan của trâu bò giảm rất nhiều.
“Đây là những vấn đề mà Cục Thuỷ sản mong muốn tiếp tục phát triển và tương lai phát triển mạnh ngành rong biển”, ông Trần Đình Luân bày tỏ.
Xây dựng giải pháp giúp làm sạch hành tinh
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Việt Nam có hơn 887 loài rong biển, trong đó có 90 loài có giá trị kinh tế. Đến năm 2023, diện tích trồng rong biển sẽ đạt khoảng 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn rong tươi. Nghề nuôi rong biển và hàu đang phát triển như một ngành kinh doanh sinh lời ở các tỉnh ven biển – được nuôi để làm thực phẩm, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc. Sinh kế của người dân sống ở các vùng ven biển này phụ thuộc vào chất lượng nước và môi trường sống trong các hệ sinh thái biển phong phú này.
Rong biển là nguyên liệu xanh có thể hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương, và nguyên liệu này đang được kỳ vọng trở thành giải pháp giúp làm sạch hành tinh. Rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí nhà kính trên mỗi km2, tốc độ phát triển của rong biển cao gấp 30-60 lần so với các loài thực vật trên đất liền, vì vậy có thể hấp thụ rất nhiều CO2, nó hấp thụ khí cacbonic nhiều gấp 2,4 lần so với cây cối trên đất liền (tạp chí JIME Vol. 52, số 6 (2017). Ngoài ra, các chuỗi phân tử dài trong rong biển là rất lý tưởng để sản xuất các hợp chất thay thế nhựa và hiện nay một số loại nhựa sinh học đã có trên thị trường. Bên cạnh đó rong biển cũng là một trong loài thực vật có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.
Rong biển và hàu có thể được nuôi trồng mà không cần đầu vào bên ngoài, loại bỏ các chất dinh dưỡng phú dưỡng khỏi nước và biến chúng thành protein, dầu, nguyên liệu hóa học xanh có giá trị và nhiều loại sản phẩm công nghiệp. Sản xuất hàng loạt rong biển và hàu làm thực phẩm cho người, thức ăn chăn nuôi và phụ gia, dược phẩm và y tế, phân bón và phụ gia thực phẩm có thể là một sự thay đổi mang tính biến đổi trong phương trình an toàn, an ninh lương thực toàn cầu. Bên cạnh đó, rong biển dễ dàng canh tác xen ghép với các loại hình nuôi thuỷ sản khác trên biển như nuôi hàu, cá biển, tôm hùm và giúp tạo môi trường sinh thái cho các loài này phát triển ổn định.
Liên minh thực phẩm thuỷ sản có trách nhiệm
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS cho biết, với mục tiêu giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường biển và phát triển sinh kế cộng đồng. Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) hợp tác với nhãn hàng JapiFoods của Công ty CP Wineco Việt Nam thúc đẩy chương trình “Blue Ocean – Blue Foods”.
Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” hướng đến mục tiêu nhằm thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của các bên liên quan trong giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường biển và sinh kế cộng đồng. Nâng cao nhận thức cộng đồng ven biển về BĐKH và bảo vệ môi trường biển; Thúc đẩy chương trình đồng hành doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường biển “Blue Ocean”; Thúc đẩy chuỗi kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm, giảm thiểu tác động của BĐKH vùng ven biển “Blue Foods”; và Thúc đẩy liên minh thực phẩm thuỷ sản có trách nhiệm “Blue Foods Alliance”.
Trong khuôn khổ sự kiện, trung tâm ICAFIS và nhãn hàng JapiFoods của Công ty CP Wineco Việt Nam đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ ICAFIS – JAPIFOODS.
Tại buổi lễ ký kết, đại diện nhãn hàng JAPIFOODS, bà Nguyễn Thị Sâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Wineco Việt Nam, cho biết, “Định hướng và sứ mệnh của JAPIFOODS mang đến các sản phẩm giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng ICAFIS phát triển sứ mệnh bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong chương trình này, công ty cam kết dành lại 10% doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của công ty liên quan đến các dòng sản phẩm để hợp tác với ICAFIS phát triển quỹ rong sụn cho bà con. Với mục tiêu trong 3 năm, công ty sẽ phát triển 1.000 ha rong sụn, tạo sinh kế cho bà con”.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản chúc mừng hai đơn vị đã có buổi ký kết thành công, “Đây là chương trình rất ý nghĩa, chúng tôi mong muốn đồng hành cùng các đơn vị có liên quan từ Hội Thuỷ sản Việt Nam, trung tâm ICAFIS, các doanh nghiệp phát triển đối tượng rong biển”.
Nội dung của chương trình “Blue Ocean – Blue Foods”:
1. Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH và bảo vệ môi trường biển
– Phối hợp với các trường học ven biển triển khai chương trình “Đại sứ biển xanh – Blue Ocean Kid Hero”.
– Phối hợp với các địa phương ven biển, Hội Thuỷ sản tỉnh, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các trường ven biển triển khai chương trình “Làm sạch bờ biển – Clean Up Ocean”.
– Phát động cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện, sáng tác tác phẩm văn học, văn nghệ về môi trường biển trong các trường học ven biển.
– Phối hợp với Hội hoạ sỹ Việt Nam triển khai nhận rộng mô hình “Làng ngư bích hoạ” gắn với bảo vệ môi trường biển.
– Huy động sự tham gia của các đơn vị báo chí, truyền thông chia sẻ nhân rộng câu truyện, hoạt động của chương trình dự án.
2. Gắn kết chương trình ESG doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường biển “Blue Ocean”
Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, chương trình làm sạch bờ biển, phát triển sinh kế vùng ven biển gắn với giảm thiểu tác động của BĐKH.
3. Thúc đẩy chuỗi kinh tế toàn hoàn, có trách nhiệm, giảm thiểu tác động của BĐKH vùng ven biển “Blue Foods”
– Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi nuôi trồng thuỷ sản gắn với phát triển trồng rong biển tại Việt Nam.
– Hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn Đầu tư – Nuôi trồng – Chế biển tiêu thụ rong biển Việt Nam.
– Thúc đẩy hình thành quỹ đầu tư có trách nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.
4. Thúc đẩy liên minh thực phẩm thuỷ sản có trách nhiệm “Blue Foods Alliance”
– Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong chương trình.
– Thúc đẩy hình thành liên minh thực phẩm thuỷ sản các trách nhiệm “Blue Foods Alliance”.
– Xây dựng kênh truyền thông hiệu quả cho liên minh “Blue Foods Alliance”.
Ngọc Anh