Tạo ra cua cốm, cua hai da với giá trị gấp 3-4 lần cua thịt thông thường bằng cách nuôi cua trong thùng nhựa, thầy giáo Đào Phước Xoàn (35 tuổi, ngụ xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) thu lãi trên 100 triệu đồng mỗi vụ.
Suốt hơn 4 năm gắn bó với con cua biển, thầy Xoàn gần như am hiểu tường tận về tập tính, cùng kinh nghiệm, trải nghiệm nuôi loại cua cốm, cua hai da. Chỉ cần bắt một con cua nuôi trong thùng, thầy dễ dàng biết chính xác tình trạng sức khỏe, ngày cua lột. Thầy cho biết, cua sắp thay vỏ thì mu cũ sẽ nhô lên, nổi đường gân và bỏ ăn, cua sắp lột hay vừa lột là lúc béo múp, ngon nhất… Thầy Xoàn hiện dạy môn tin học tại Trường Tiểu học An Thạnh. Tuy nhiên, với niềm đam mê sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản, thầy tận dụng thời gian không đứng lớp để nghiên cứu ra nhiều thiết bị hay phục vụ việc nuôi trồng thủy sản của bà con địa phương. Được nhiều bà con nơi đây trìu mến gọi với cái tên thân thương “Thầy giáo nông dân” với nhiều sáng tạo khi liên tiếp nghiên cứu thành công nhiều mô hình nuôi thủy sản hiệu quả.
Thời gian trước, thầy còn nghiên cứu, cải tiến thành công công nghệ nuôi tôm, đã được trao giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn tổ chức, với mô hình “ao tôm thông minh” năm 2020. Tiếp đà thành công đó, thầy còn nghiên cứu cách thức để nuôi cua chất lượng cao, đặc biệt là cua cốm (cua chuẩn bị lột), để sản xuất ra những loại có giá trị thương phẩm cao hơn so với cua thịt thông thường. Theo thầy Xoàn, cua biển ở Bến Tre rất nhiều. Tuy nhiên, tại các chợ trên địa bàn tiểu thương thường bán cua biển đủ kích cỡ do đặt dớn, đóng đáy, đặt rập hay câu được… nên thường có cua ốp, cua nhẹ ký nên giá bán không cao. Riêng những loại cua ngon như cua cốm có giá trị gấp 3-4 lần cua thịt thì hiếm khi có trên thị trường. Từ thực tế đó, thầy quyết tâm thực hiện mô hình nuôi vỗ béo cua, tạo ra cua cốm, cua hai da bán ra thị trường. “Trong tự nhiên, những loại cua ngon rất khó bắt, bởi theo tập tính của loài cua, khi sắp lột vỏ hay vừa lột đều kiếm nơi trú ẩn sâu trong những hang hốc, ít di chuyển kiếm mồi nên khó bắt, dù có bắt được số lượng cũng không nhiều. Vì thế, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tôi nảy sinh ý tưởng nuôi cua trong thùng nhựa, cách nuôi để cua lột ngay trong thùng, thuận tiện thu hoạch đúng thời điểm để bán được giá cao nhất”, thầy Xoàn cho biết.
Ban đầu, khi thực hiện mô hình này thầy mua khoảng 60 thùng nước sơn cũ đặt trong nhà, chi hơn 30 triệu đồng để mua gần 300 con cua để nuôi. Nguồn nước biển được thầy bơi xuồng lấy từng thùng nước về nuôi để đảm bảo môi trường sống tương đồng với môi trường tự nhiên nhất để cua phát triển. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan” khi đợt nuôi đầu tiên cua gần như chết sạch, nguyên nhân do con giống kém chất lượng, trong quá trình đánh bắt ngoài tự nhiên dẫn đến cua bị thương tích… Không nản chí, thầy lại tiếp tục đầu tư nuôi lứa cua thứ hai, cũng lại gặp thất bại do thức ăn cho cua mua từ chợ không đảm bảo. Đến lần nuôi thứ ba cũng tiếp tục gặp thất bại do nhiều yếu tố khác…
“Những thất bại liên tiếp, cùng số tiền mua giống hàng chục triệu đồng đầu tư vào con cua giống cũng khiến tôi nản chí, thậm chí đã có ý nghĩ muốn dừng lại. Thế nhưng, nghĩ “thất bại là mẹ thành công”, tôi vực dậy tinh thần để tiếp tục nuôi. Kiểm tra tỉ mỉ từng khâu, từng bước để tìm nguyên nhân, tôi cũng hiểu được nguyên nhân bắt nguồn từ hệ thống nước tuần hoàn đã đưa mầm bệnh từ một con cua lây lan ra cả đàn nên tìm cách khắc phục”, thầy Xoàn chia sẻ. Sau hơn 1 năm vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm, khắc phục những sai lầm gặp phải trong quá trình nuôi, thầy Xoàn từng bước rút được kinh nghiệm từ con giống, môi trường nuôi, thức ăn và tập tính của cua… Khi đã nắm trong tay một quy trình nuôi cua chuẩn nhất, thầy mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình nuôi từ 60 thùng nhựa ban đầu lên thành 1.000 thùng. Để đủ nguồn cua cung ứng ra thị trường, thầy còn tạo nên những trại vệ tinh liên kết nuôi trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua, thầy Xoàn cho biết, cua mua làm giống loại 4 con/kg, mỗi thùng chỉ thả nuôi 4 con. Riêng thức ăn cho cua được thầy đặt người dân bắt dã tràng, còng lửa để đảm bảo thức ăn tươi sống, sạch. Nguồn nước nuôi cua là nước biển được lấy cách xa bờ hơn, với độ mặn từ 10-15 gram/lít, độ pH từ 7,5-8. Nước trong thùng nuôi phải được diệt khuẩn 15 ngày một lần, kết hợp dùng hợp chất khoáng nuôi tôm, cung cấp canxi cho cua chắc vỏ, khoảng 10 ngày châm khoáng cho cua 1 lần. Hiện giá cua mua vào khoảng 120.000 đồng/kg, sau khi vỗ béo khoảng 2 tháng bán ra được với giá từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Trong các thùng nhựa, cua được nuôi liên tục quanh năm, cua đủ chuẩn bán, thầy lại thả con mới vào nuôi xoay vòng. Nhờ đó thầy Xoàn thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi vụ (kéo dài 2 tháng). Theo thầy Xoàn, so với nuôi tôm thì nuôi cua trong thùng nhựa hiệu quả cao hơn nhiều. Hiện cua tại trại đều được bao tiêu đầu ra nên số lượng làm ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Giá trị cua mua vào và bán ra tăng lên 3-4 lần.
Nguyễn Trinh
Báo Cần Thơ