Cá chép là một trong những loài cá nước ngọt phổ biến, được nuôi ở nhiều nơi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Do đó, mô hình nuôi cá chép thương phẩm ở Hải Dương hiện nay đang không ngừng phát triển và mang lại lợi nhuận rất lớn cho người nông dân.
Tuy nhiên, trong thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các loài cá nói chung và cá Chép nói riêng, gây thiệt hại cho người nuôi nếu không có biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Chính vì vậy, trong quá trình nuôi bà con cần chủ động phòng, chống một số bệnh trên cá Chép thời điểm giao mùa từ mùa Xuân sang mùa Hè như sau:
1. Bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép
1.1. Dấu hiệu bệnh lý
Bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép là bệnh do virus Rhabdovirus carpio gây ra; bệnh gây hại từ giai đoạn cá giống đến cá thịt. Bệnh thường lây lan rất mạnh. Virus có thể lây lan từ cá bệnh sang cá khỏe mạnh theo phân cá, các chất thải khác, dịch nhầy trên thân vào môi trường nước. Virus Rhabdovirus carpio xâm nhập vào cá khoẻ thông qua mang, da và miệng. Bệnh thường xảy ra theo mùa, thời điểm có nhiệt độ thấp, thường xảy ra vào cuối đông đầu xuân ở các tỉnh phía Bắc. Bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép xảy ra phổ biến trong các ao nuôi cá thịt. Đây là loại bệnh cấp tính, phát bệnh rất nhanh, có tỷ lệ chết khá cao.
Cá chép bị bệnh xuất huyết mùa xuân thường có dấu hiệu bệnh lý như cá có trạng thái ngạt thở, thường bơi tách đàn, bơi ở tầng mặt, mất thăng bằng không định hướng. Mắt và da của cá bệnh có hiện tượng xuất huyết. Cơ thể cá bệnh có màu tối, xuất hiện nhiều chỗ viêm có chất nhầy, mắt lồi nhẹ. Mang cá nhợt nhạt, các tơ mang thường dính bết lại. Lỗ hậu môn có hiện tượng máu loãng chảy ra, bụng chướng to.
Đây là căn bệnh chưa có thuốc đặc trị, có tỷ lệ lây lan, tử vong cao bà con cần chủ động phòng bệnh là chính
Để phòng bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép, bà con áp dụng các biện pháp sau:
– Kiểm soát tốt nhiệt độ ao nuôi: Giữ môi trường nước ao nuôi luôn ổn định từ 22-300C. Khi nhiệt độ môi trường nước trên 220C, bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép thường diễn biến chậm hoặc ngừng phát triển dù cá đã mắc bệnh. Chính vì vậy, nuôi cá chép trong môi trường nhiệt độ ổn định lớn hơn 220 C là một trong các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
– Cải tạo ao nuôi trước khi thả cá: Cần thực hiện các biện pháp cải tạo ao nuôi tốt trước khi thả cá bằng biện pháp khử trùng ao. Sử dụng vôi bột với lượng từ 7 – 10kg/100m2 ao hoặc dùng hóa chất khử trùng sử ao nuôi thủy sản để cải tạo ao.
– Chú trọng chất lượng đàn cá giống: Chọn mua cá chép giống ở các cơ sở có uy tín. Đảm bảo cá giống thả phải là cá khỏe mạnh, sạch bệnh. Trước khi thả cá, tắm cho cá bằng muối ăn 1,5 – 2% trong 5 – 10 phút.
– Đảm bảo chăm sóc cá tốt: Cho cá ăn đầy đủ để đảm bảo cá phát triển khỏe mạnh, có sức khỏe tốt. Khi cho ăn, tránh để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước. Trộn Vitamin C vào thức ăn cho cá ăn định kỳ để tăng sức đề kháng cho cá.
Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh trên, định kỳ 15 – 20 ngày thay nước ao nuôi 1 lần. Khi thay, tiến hành thêm nước cho ao từ 20 – 30% lượng nước ao nhằm giữ cho môi trường sống của cá luôn đảm bảo, hạn chế bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép.
2. Bệnh KHV trên cá chép
Bệnh KHV trên cá chép do một loại virus có tên là Koi Herpesvirus gây nên. Bệnh KHV khiến cá chết rất nhanh, tỉ lệ cá chết cao, từ 80 -100% đàn cá ở nhiệt độ 22 – 270C. Cá bị bệnh thường ở mức nhiệt độ nước từ 18 – 290C. Bệnh chủ yếu phát triển vào mùa thu đông và đông xuân ở miền Bắc. Bệnh có tỷ lệ nhiễm khác nhau ở các độ tuổi của cá.
Bệnh KHV trên cá chép lây nhiễm bằng con đường tiếp xúc giữa cá khỏe mạnh với các bệnh thông qua dịch cá bệnh, nước từ hệ thống nuôi cá bệnh. Bệnh có thể gây nhiễm và làm chết cá phụ thuộc nhiệt độ nước tăng.
Virus xuất hiện sau khi cá nhiễm bệnh 14 ngày. Bệnh bùng phát tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường. Cá bị bệnh nặng và chết ở nhiệt độ từ 18 – 270C, hầu hết trường hợp chết không xảy ra ở nhiệt độ < 180C và > 300C.
2.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh KHV trên cá chép
Cá chép bị bệnh KHV thường có những dấu hiệu nhận biết sau:
– Đầu tiên, cá bị bệnh xuất hiện một vài tổn thương trên mang.
– Cá nhiễm bệnh thường bơi gần tầng mặt. Cá chép bơi lờ đờ, bơi không định hướng và có thể bị sốc do ngạt thở.
– Bệnh KHV trên cá chép sẽ khiến mang cá có các vết chấm lốm đốm màu đỏ và màu trắng.
– Mang cá có biểu hiện chảy máu, mắt trũng, da có thể phồng rộp hoặc có các đám bạc màu.
– Cá bị bệnh thường biểu hiện nổi đầu trên bề mặt nước do thiếu khí.
Virus gây bệnh KHV trên cá chép còn khiến cá viêm thận và làm tăng tiết dịch nhầy trên bề mặt cơ thể. Khi sờ vào cá, bà con sẽ thấy cá bệnh có cảm giác nhiều nhớt. Do gây viêm, hoại tử, tăng tiết dịch nhầy nên cá bệnh rất dễ bội nhiễm nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng.
Khi mổ cá bệnh, bà con sẽ thấy các cơ quan của cá bám chặt vào xoang cơ thể và có các chấm lốm đốm.
Cá bị bệnh chết bắt đầu trong vòng 24 – 48 giờ sau khi có các dấu hiệu bệnh. Ở nhiệt độ 220C, 82% cá chết trong vòng 15 ngày.
Bệnh KHV trên cá chép hiện chưa có thuốc đặc trị. Khi bệnh xảy ra, bà con có thể tiến hành các biện pháp xử lý tổng hợp bao gồm việc xử lý nước ao nuôi, tăng cường sức đề kháng cho cá bệnh.
Để hạn chế tình trạng bệnh KHV trên cá chép lây lan, người nuôi sử dụng các loại hóa chất như: TCCA, BKC,… để xử lý nước trước khi thải ra môi trường. Đối với cá chết do bệnh KHV trên cá chép, bà con cần đào hố con lấp và bón vôi. Không xả thải bừa bãi ra môi trường.
Để phòng bệnh KHV trên cá chép, người nuôi cần áp dụng một số biện pháp:
– Phòng bệnh thông qua việc quản lý tốt môi trường nước ao nuôi. Ao nuôi cần được cải tạo trước khi thả cá giống. Xử lý môi trường nước định kỳ 20 – 30 ngày/lần bằng vôi bột với lượng 2 – 3kg/100m3 nước ao. Bà con có thể sử dụng một số loại hóa chất như: TCCA, BKC, IODINE,…để xử lý ao nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm diệt trừ mầm bệnh và làm sạch môi trường nước ao nuôi.
– Có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh xử lý ao nuôi để làm sạch nước và cạnh tranh môi trường sống của các loại vi sinh vật gây bệnh.
– Bổ sung Vitamin C, các loại thuốc bổ vào thức ăn giúp cho cá chép tăng cường sức đề kháng, phát triển khỏe mạnh, chống chọi tốt với bệnh tật.
– Cá giống mới nhập về, bà con cần nuôi cách ly tối thiểu 2 tuần trước khi cho nhập đàn.
3. Bệnh đốm đỏ trên cá chép
Dấu hiệu bệnh: Bệnh Đốm đỏ (RSD) là một bệnh nguy hiểm trên cá chép, còn có tên gọi khác là bệnh xuất huyết hay hội chứng viêm loét lây lan (EUS). Bệnh chủ yếu xuất hiện vào mùa xuân, đầu mùa hè và mùa thu. Khi nhiễm bệnh, cá chép có dấu hiệu bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu, mất nhớt, xuất hiện các đốm đỏ trên thân và các gốc vây quanh miệng, vảy rụng và bong ra, các vết loét ăn sâu vào cơ thể và có mùi tanh, hậu môn sưng đỏ, xuất huyết nội tạng,…
Cách điều trị: Khi phát hiện cá có dấu hiệu bị bệnh thì phải điều trị ngay. Tiến hành thay nước và diệt khuẩn bằng thuốc sát khuẩn: Iodine 90% xử lý nước. Đồng thời, dùng kháng sinh Oxytetracycline cho cá ăn ngày 2 lần với liều lượng: 1-2 gam/1kg thức ăn trong 5-7 ngày. Sau khi ngừng sử dụng kháng sinh, trộn cho cá ăn men tiêu hóa Biozyme, liều lượng: 5g/1kg thức ăn cho ăn ít nhất 5-7 ngày để phục hồi hệ vi sinh có lợi trong đường ruột.
4. Bệnh trùng mỏ neo trên cá chép
Dấu hiệu bệnh: Bệnh chủ yếu gây tác hại lớn cho cá giống và cá hương, đối với cá lớn trùng mỏ neo ít gây hại hơn tuy nhiên lại tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân khác xâm nhập tấn công cá như: nấm, vi khuẩn,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ chết hàng loạt. Cá nhiễm bệnh thường có dấu hiệu: Kém ăn, gầy yếu, các chỗ trùng bám vào bị viêm và xuất huyết,…
Cách phòng điều trị bệnh:
+ Lá xoan 0,4-0,5kg/m3 nước
+ Thuốc tím KMnO4 nồng độ 10-12ppm tắm từ 1-2h.
Có thể sử dụng thuốc có chứa thành phần Bronopol (50%) với liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất để xử lý hoặc dùng thuốc đặc trị trùng mỏ neo.
5. Bệnh thối mang trên cá chép
Dấu hiệu bệnh: Đây là dịch bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu bởi khi đó nhiệt độ thường vào khoảng 25 – 300C, rất lý tưởng để bùng phát bệnh. Khi quan sát, có thể dễ dàng nhận thấy cá tách đàn, bơi lội chậm chạp trên mặt nước, da cá chuyển dần sang màu đen, mang rách nát, thối rữa và dính đầy bùn, xương nắp mang và lớp biểu bì trong mang xuất huyết,…
Cách điều trị: Trộn kháng sinh Oxytetracycline vào thức ăn và cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày, kết hợp xử lý ao nuôi bằng Iodine liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất./.
Phòng Nông nghiệp
sonongnghiep.haiduong.gov.vn