(Aquaculture.vn) – Cơ hội đang mở ra rất lớn với người nuôi tôm khi giá tôm đang ở mức cao và dự báo sẽ còn kéo dài sang tận quý 1/2025. Tuy nhiên, việc khai thác hiệu quả cơ hội từ sự khan hiếm tôm nguyên liệu trong nước không phải là điều đơn giản đối với người nuôi tôm. Mặc dù giá tiêu thụ có lợi, nhưng nhiều yếu tố khác như thời tiết, môi trường và dịch bệnh đều tiềm ẩn những rủi ro đáng kể.
Không lo về giá
Từ nay đến cuối năm, miền Trung mưa bão nhiều, miền Bắc cũng vào mùa đón không khí lạnh, nên nguồn cung tôm nguyên liệu cho các nhà máy gần như chỉ còn trông cậy vào vùng nuôi ở khu vực ĐBSCL. Cung ít, cầu nhiều, nên giá tôm từ tháng 8 đến nay liên tục tăng mạnh ở hầu hết các kích cỡ, nhất là tôm thẻ cỡ lớn (20 – 30 con/kg). Theo ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), sáng ngày 27/10, giá tôm thẻ loại 60 con/kg đã chính thức đạt mức 130.000 đồng/kg. Trước đó, giá tôm thẻ loại 25 con/kg cũng được Vinacleanfood mua vào ở mức 205.000 đồng/kg.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, giá tôm thẻ loại 60 con/kg đã tăng khoảng 16.000 đồng/kg, loại 30 con/kg tăng khoảng 20.000 đồng/kg. Với mức tăng giá này, nếu không có tôm dự trữ giai đoạn giá rẻ các nhà máy cầm chắc thua lỗ vì giá tôm thế giới tuy có tăng so với đầu năm, nhưng mức tăng là không nhiều. Mặc dù giá tôm đã tăng mạnh trong 2 tháng qua, nhưng dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi các doanh nghiệp dự báo rằng giá sẽ tiếp tục leo thang. Nguyên nhân chính là do nguồn cung ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu tiêu thụ, cả trong nước lẫn xuất khẩu, đang gia tăng mạnh mẽ.
Nguyên nhân thiếu hụt tôm nguyên liệu, đẩy giá tôm tăng mạnh trong thời gian gần đây, ngoài việc có nhiều hộ ngưng nuôi vì thua lỗ do giá tôm giảm mạnh kéo dài, còn do sự xuất hiện của dịch bệnh khiến tôm nuôi phát triển không như ý, người nuôi phải thu hoạch sớm. Các doanh nghiệp dự báo rằng giá sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm và có thể kéo dài sang quý 1/2025. Điều này xảy ra do tôm Ecuador đã qua giai đoạn thu hoạch cao điểm, tồn kho tại các thị trường lớn đã giảm đáng kể và nguồn cung tôm toàn cầu không còn dồi dào như những tháng đầu năm.
Trong khi đó, các tháng cuối năm lại là cao điểm tiêu thụ của hầu hết các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để phục vụ cho dịp Noel, tết Dương lịch, tết Nguyên Đán cùng các lễ hội khác.
Còn nhiều yếu tố rủi ro
Vụ thuận vốn dĩ đã khó, vụ nghịch này lại càng khó khăn hơn khi vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước là ĐBSCL bước vào mùa mưa bão, môi trường dễ biến động, sức đề kháng của tôm nuôi bị suy giảm tạo điều kiện cho dịch bệnh tấn công và gây thiệt hại. “Giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, nhất là tôm cỡ lớn và cỡ trung vì đây là thời điểm rất khó để nuôi tôm về kích cỡ lớn do độ mặn đã giảm mạnh và dịch bệnh cũng nhiều hơn”, ông Phục dự báo.
Diễn biến trên khiến không ít người nuôi tôm không khỏi phân vân, đắn đo trước quyết định có nên thả nuôi tiếp trong mùa nghịch hay không khi mà cơ hội bán được tôm với giá cao đang mở ra rất lớn, thậm chí là rất chắc chắn nữa, bởi bên cạnh yếu tố thuận lợi về giá thì các yếu tố còn lại, như: thời tiết, dịch bệnh, môi trường… hầu hết đều bất lợi cho nghề nuôi. Đặc biệt là tình hình chất lượng con giống không ổn định, con giống còn mang mầm bệnh làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công ở vụ nghịch càng thêm thấp, rủi ro thua lỗ càng thêm cao. Do đó, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có khá ít người dám thả nuôi, dù biết chắc rằng nếu có tôm thu hoạch sẽ bán được giá cao.
Đây cũng chính là cơn đau đầu không dễ chịu chút nào của người nuôi tôm, bởi “nuôi thì lo, không nuôi thì tiếc”. Nói như ông Phục thì: “Cơ hội này chỉ dành cho những “cao thủ” trong nghề nuôi tôm, tức những người có bản lĩnh, trình độ và khả năng tài chính mạnh”, bởi theo ông Phục, nghề nuôi tôm ngày càng bấp bênh, nhất là ở vụ nghịch này, ông Phục cho chia sẻ: “Ngay cả trang trại của Vinacleanfood của chúng tôi, dù được đầu tư rất bài bản, tích lũy được không ít kinh nghiệm, kỹ thuật trong phòng trị bệnh trên tôm nhưng cũng hết sức vất vả mới có thu hoạch, nhất là ở vụ nghịch. Theo tôi, ở vụ nghịch này, tuy tôm có giá cao nhưng người nuôi cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thả nuôi, nếu không sẽ bị lỗ vì dịch bệnh, thời tiết bất lợi”.
Tăng cường an toàn sinh học
Khó khăn ở vụ nghịch là điều không thể tránh khỏi, nên muốn nuôi được phải có kiến thức, kinh nghiệm quản lý… nhất là khâu quản lý an toàn sinh học. Còn theo ông Phục, quan trọng nhất ở vụ nuôi này vẫn là tôm giống vì một khi con giống đã mang mầm bệnh EHP rồi thì dù áp dụng giải pháp gì cũng khó đưa tôm nuôi về đích được. Ông Phục chia sẻ: “Ngoài yếu tố mưa bão thất thường thì dịch bệnh ở vụ này cũng rất nhiều; trong đó, bệnh do EHP là điều mà người nuôi tôm hiện nay rất sợ. Do đó, để nuôi được thành công ở vụ này thì việc quản lý an toàn sinh học là rất quan trọng”.
Hiện Chi cục Thủy sản các tỉnh khu vực nuôi tôm ở ĐBSCL tiếp tục chủ động khuyến cáo người dân các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả quá trình thả nuôi thủy sản; triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh chủ động và bị động tại vùng nuôi; tăng cường kiểm tra tôm giống nhập tỉnh nhằm xác định tác nhân gây bệnh để thông tin cảnh báo kịp thời đến người nuôi chủ động trong sản xuất. Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường vùng nuôi, khuyến cáo giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh trong tôm nuôi. Về phía người nuôi, cần thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết, thông tin khí tượng thủy văn và biến động giá cả thị trường. Việc này sẽ giúp đưa ra những quyết định kịp thời và chính xác, nhằm tối ưu hóa hiệu quả của vụ nuôi và tận dụng tốt nhất những cơ hội mà giá tôm mang lại.
An Xuyên