Thứ Năm, 21/10/2021, 14:24

Vật tư nuôi tôm: Thiếu hụt do chuỗi cung ứng bị đứt gãy

(Aquaculture.vn) – Dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn cho chuỗi ngành tôm, ảnh hưởng sâu rộng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Người nuôi giảm thả nuôi giống vì lo ngại thiếu hụt nguyên liệu đầu vào như thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học, nhân lực…

Ảnh minh họa: Hoàng Diệu

Nhập vào khó

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang ngấm dần vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản nói chung, và các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn, con giống, thuốc thủy sản, chế phẩm sinh học, vật tư nuôi tôm… nói riêng. Các hoạt động xuất nhập khẩu bị gián đoạn bởi những quốc gia nhập khẩu chính đóng cửa, vận tải biển ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng. Theo Tổng cục Thủy sản, hoạt động thả tôm nuôi đang có chiều hướng giảm, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. Giá nhập khẩu vật tư tăng, kéo theo các nhà sản xuất thức ăn, trang thiết bị phục vụ ngành tôm như: ống nhựa, máy thổi oxy, bạt, sắt thép… buộc phải tăng giá.

Thuốc thú y, thủy sản, thức ăn, con giống phục vụ sản xuất đã được thêm vào danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên bất cập ở đây là nguyên liệu sử dụng để sản xuất ra những vật tư này lại không được coi là hàng hóa thiết yếu, điều này dẫn đến sự không đồng nhất, gây ra nhiều hạn chế cho doanh nghiệp, đứt gãy chuỗi sản xuất khi không đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung chia sẻ: “Nguyên nhân việc đứt gãy trong chuỗi xương sống ngành sản xuất thủy sản, là do các mắt xích chưa có sự đồng nhất. Một doanh nghiệp dù có đáp ứng được tiêu chí ‘3 tại chỗ’ những có muôn vàn yếu tố đầu vào gây ảnh hưởng. Việc không nhập được nguyên liệu đã cản trở việc tái sản xuất của doanh nghiệp, dẫn đến nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa”.

Cùng với đó, đại diện phía doanh nghiệp sản xuất cung ứng vật tư, ông Hoàng Xuân Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cũng đã có những chia sẻ: “Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trong khoảng một năm trở lại đã tăng 20%. Chi phí vận tải, logistic tăng mạnh, một container trước đây nếu thuê với giá 1.000 USD thì bây giờ có thể tăng lên 8.000 – 10.000 USD. Những chi phí này đều được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp”.

Nguồn cung nguyên liệu thức ăn thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm. Từ giữa năm 2020, giá nguyên liệu làm thức ăn thuỷ sản, TACN có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm 2020 đầu năm 2021 giá càng tăng mạnh. Các doanh nghiệp thức ăn thuỷ sản, TACN được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ mua theo từng tháng. Các nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào của ngành thủy sản bị khan hiếm, khó tiếp cận cũng do mỗi địa phương lại có chính sách chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận chuyển. Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20 – 30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10 – 20% trong những tháng cuối năm.

Xuất ra cũng cản trở không ít

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp, đại lý cung ứng thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học, vật tư nuôi tôm cũng gặp vô vàn khó khăn trong khâu vân chuyển hàng hóa đến tay người nuôi. Vật tư đầu vào như thuốc, thức ăn thủy sản không thể đến được vùng nuôi. Nhiều hộ nuôi tôm buộc lòng phải thu hoạch sớm và bán lẻ khiến lợi nhuận bằng 0, thậm chí lỗ vốn.

Chị Đào Ngọc T. Châu, Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp hóa chất thủy sản tại Tp Hồ Chí Minh chia sẻ, khách hàng của doanh nghiệp chủ yếu tại các tỉnh ĐBSCL, nhưng hơn 3 tháng nay, do ảnh hưởng dịch bệnh và áp dụng lệnh giãn cách xã hội, hàng hóa khó đến được với các đại lý, khách hàng. Nguyên liệu đầu vào đã khó khăn, giờ hàng hóa xuất bán cũng gặp nhiều cản trở. Hiện tại, doanh nghiệp đang trong tình trạng gần như ngừng kinh doanh. Với tình hình hiện tại để thích ứng được với thị trường thời gian tới, doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang kinh doanh thương mại, ngừng hẳn việc sản xuất.

Cùng chung hoàn cảnh, các đại lý cũng rơi vào thế mắc kẹt. “Có những chuyến hàng, tài xế đã test nhanh và được cấp giấy xét nghiệm âm tính, cùng các giấy tờ theo quy định đầy đủ, nhưng khi đi giao hàng tới chốt kiểm soát dịch bệnh thì không được cho qua, tài xế phải quay về. Thức ăn luôn sẵn sàng chở đến cho nông dân, nhưng có những chuyến hàng đã chất lên xe 3 ngày qua mà vẫn chưa thể thông chốt, để chuyển thức ăn đến cho hộ nuôi. Nhiều hộ nuôi rất nóng lòng”, một chủ Đại lý thuốc thuỷ sản, thức ăn tôm giống Phường 8, TP Cà Mau, bức xúc.

Đại diện phía người nuôi, Anh Ngô Thanh Tuấn,  xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu, Sóc Trăng tâm sự: “Nhờ nuôi tôm đã giúp đời sống gia đình sung túc, nhưng vụ nuôi vừa rồi, gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm tăng chi phí chuyên chở và một số loại thức ăn thường xuyên sử dụng cho tôm không có, phải tìm thức ăn khác…”

Cũng là hộ nuôi tôm nhiều năm qua, Anh Huỳnh Hàn Châu, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Chi phí vận chuyển thức ăn, nguyên liệu dành cho vụ nuôi tôm tăng từ 5 – 10%; một số mặt hàng thức ăn thủy sản khan hiếm. Do đó, để đảm bảo việc sản xuất tại hộ nuôi thuận lợi, tôi kiến nghị tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho đội ngũ lao động làm thuê tại hộ nuôi, nhằm giúp chủ hộ và người lao động yên tâm trong thời gian tới”.

Hỗ trợ kịp thời, đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu những tháng cuối năm

Trước tình hình đó, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng cần tham mưu Bộ NN& PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thuỷ sản, TACN để có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất.

Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp công nghệ, tìm nguồn nguyên liệu thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để chủ động sản xuất.

“Con tôm là ngành hàng rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản. Nếu để xảy ra đứt gãy chuỗi thủy sản nói chung và con tôm nói riêng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng trăm nghìn người nuôi tôm, công nhân chế biến và doanh nghiệp”, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định. Để tránh nguy cơ đứt gãy, đỗ vỡ ngành sản xuất, chế biến tôm, theo ông Trần Đình Luân, thời điểm khó khăn này rất cần các doanh nghiệp chế biến, lẫn doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư nguyên liệu nuôi tôm cùng chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm; hạn chế giảm giá thu mua tôm nguyên liệu; không tăng giá tôm giống, vật tư nguyên liệu phục vụ nuôi tôm. Nếu để chuỗi sản xuất tôm bị đứt gãy không chỉ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ nuôi ở các địa phương mà còn tác động tiêu cực tới các hoạt động của doanh nghiệp, công nhân tại các nhà máy. Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp các ý kiến của người nuôi tôm, doanh nghiệp để kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm.

Phạm Huệ

Yêu cầu các bộ ngành, địa phương không ban hành thêm quy trình, thủ tục, giấy phép gây cản trở lưu thông hàng hóa

Nhiều địa phương còn cứng nhắc, sinh ra nhiều thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa. Giãn cách để phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải vận dụng linh hoạt, phù hợp để vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở chừng mực nhất định. Có địa phương đặt ra quy định xe chở hàng phải sang tải, sang xe, đổi tài xế, làm mất thời gian, gây ùn ứ. Xe chở mấy trăm con lợn, hàng ngàn con gà mà sang tải thì doanh nghiệp làm sao sống nổi. Có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả, để tái đàn mà cũng không cho vào.

Chính vì vậy, các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Không quy định việc sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý F0 nếu lái xe dương tính. Tuyệt đối bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành