Từ giữa tháng 7 đến nay, ngày qua ngày trong bao lo toan đối với cộng đồng doanh nghiệp ở các tỉnh đồng bằng phía Nam. Hai tháng rưỡi trôi qua, khúc phim bi hài khó phai trong ký ức… Mưa bão hoài riết cũng hết nước, đêm đen có tối đến đâu cũng có lúc tan mây. Ngày 9/10 Thủ tướng công bố cơ bản cả nước đã kiểm soát được dịch bệnh. Ngày 11/10 Chính phủ có Nghị quyết 128 với nội dung” Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-119”, trong đó có quy định 4 màu theo cấp độ dịch. Ở mọi cấp độ các doanh nghiệp đều có thể hoạt động theo khuôn khổ quy định. Như vậy, giờ đây các DN không đang liên quan các ca dịch, được phép mở cửa hoạt động và sắp xếp phục hồi theo khả năng. Tất cả DN đang ở vạch xuất phát mới với nhiều tâm thế. Người mới khởi động, người đã khởi động nửa quy mô và có cả người đã sắp trở lại bình thường, do may mắn ở trong địa phương phòng chống dịch tốt.
Bối cảnh này khiến sự xuất phát, khởi động trở lại của các DN sau Nghị quyết 128CP sẽ có nhiều cung bậc thấp cao khác nhau! Bình thường mới tới đây, có những điểm khác biệt so những ngày bình thường trước khi dịch bùng phát. Bình thường mới có mẫu số chung cho toàn xã hội, là bây giờ có thêm “người bạn đường” SARS-CoV-2. Bình thường mới diễn ra khi vaccine sắp phủ đầy tỉ lệ mong đợi, hạn chế hoạt lực của virus và tạo an tâm cho mọi người. Bình thường mới là các hoạt động trong xã hội sẽ từng bước được phục hồi theo từng lĩnh vực và hoàn cảnh cụ thể. Bình thường mới còn có ý nghĩa là mọi cách ứng xử, các quan hệ đã có nay có thể có ít nhiều điều chỉnh cho phù hợp tình thế mới. Suy nghĩ, thái độ, hành vi người ta ít nhiều thay đổi để thích ứng hơn hoàn cảnh mới. Tổ chức sản xuất và các hoạt động trong xã hội cũng có một xu hướng mới…
Trên là một ít chấm phá nét chung, ngành tôm còn có những cái riêng trong bối cảnh bình thường mới, có thể nêu ra là:
+ Thói quen mới của người tiêu dùng các thị trường lớn: Thích hàng thực phẩm tích hợp nhiều tiện ích, đóng gói phù hợp nhu cầu số đông. Do thu nhập có hạn chế, người tiêu dùng sẽ quan tâm hơn với giá cả nên sản phẩm có giá cả vừa phải sẽ dễ tiêu thụ hơn.
+ Nhà phân phối luôn có nhiều phương án kinh doanh hơn: Các phương án này có thể tác động rất lớn tới kế hoạch kinh doanh của nhà cung ứng, sản xuất. Cái khó sẽ có xu hướng chuyển về nhà cung ứng như chi phí lưu kho, vận chuyển…
+ Thế giới thay đổi quan niệm phòng chống dịch, chuyển sang chấp nhận “sống chung với giặc”, sẽ dẫn đến khúc thị phần thực phẩm dịch vụ ít nhiều có cơ hội phục hồi. Dẫn chứng như 1/10 Tokyo dỡ bỏ mọi phong tỏa trước đó, chắc chắn tới đây nhu cầu sản phẩm cung ứng quán ăn tăng lên.
+ Chuỗi cung ứng toàn cầu dễ tổn thương hơn dù tác động ảnh hưởng không quá đáng. Không rõ điều này là bất khả kháng hay ý đồ trục lợi nhưng bất lợi sẽ dồn lên các nhà cung ứng khi khả năng chi phí thuê container sẽ còn duy trì mức cao, dẫn tới thiệt hại không nhỏ các DN làm hàng xuất khẩu. Chính ngay thời điểm này đã có dấu hiệu khan hiếm container rỗng theo tuyến yêu cầu, dù hàng cung ứng cho dịp lễ năm mới chỉ mới khởi động.
+ Dịch bệnh chỉ tạm lắng, nhưng nếu có điều kiện thuận lợi, nó sẽ bùng phát. Các DN kiểm soát người lao động là việc làm hàng ngày, tốn không ít công sức và chi phí. Nếu lơi tay, có thể bị sự cố thiệt hại khó lường. Cũng may, từ nay đến cuối năm sẽ có đủ vaccine, giảm nỗi lo lắng này.
+ Chi phí sản xuất của DN luôn có xu thế tăng và không dừng lại, chỉ có thể làm giảm tỉ lệ và tốc độ. Buộc các DN phải luôn tìm phương án tối ưu hóa hoạt động nhằm tăng năng suất, giảm phế liệu và tiết kiệm.
+ Đại dịch được cảnh báo còn kéo dài, khiến người lao động không thiết tha dịch chuyển xa tìm việc. Sự thay đổi suy nghĩ này có lợi cho các DN tôm, tập trung ở các tỉnh đồng bằng, nhất là nam sông Hậu. Chủ tịch nước cũng nêu ra nhận định vấn đề này, hy vọng số lao động ở lại quê nhà sau khi hồi hương sẽ dưới 30%. Bấy nhiêu cũng quá đủ cho các DN miền Tây.
Cận cảnh và thiết thực hơn, có thể nêu ra những điều cụ thể hơn, quan tâm thường xuyên của ngành tôm chúng ta trong tình hình mới là:
+ Hạn chế đi lại thời gian qua do thực thi CT16 khiến người nuôi tôm khó lòng tiếp cận các nguồn lực để thả nuôi tôm vụ hai. Sự trầm lắng trong lĩnh vực nuôi tôm là điều cảnh báo sự thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến ở thời gian còn lại trong năm, kéo theo giá cả tôm nguyên liệu sẽ tăng không ít.
+ Các nước có trình độ chế biến sâu con tôm như nước ta là Thái Lan, Indonesia đều bị tác động không tốt từ covid-19. Điều này khiến thiếu hụt khúc sản phẩm cao cấp, sẽ dẫn đến áp lực giao hàng những tháng cuối năm, dẫn đến giá cả mặt hàng này sẽ tăng mạnh hơn mức trung bình ngành.
+ Nguồn cung tôm phạm vi toàn cầu sẽ giảm do tác động từ covid-19, dẫn đến giá cả sắp tới sẽ tăng, nhất là tôm cỡ lớn thiếu nhiều hơn.
Hy vọng với NQ128/CP bình thường mới sẽ diễn ra một các bình thường và trật tự; người dân sẽ tham gia hoạt động xã hội với tâm thế ý thức hơn và tự tin hơn vì có đủ vaccine. Dù đang đứng trước bao khó khăn chồng chất, với bản lĩnh được thử thách thời gian dài, ngành tôm ta sẽ vượt qua tâm lý bất an vừa qua, sẽ luôn nêu cao sự cảnh giác, kiểm soát hoạt động chặt chẽ, chung tay chia sẻ thông tin, đoàn kết giữ vững các mắt xích chuỗi giá trị con tôm; qua đó duy trì và phát triển bền vững từng DN cũng như toàn ngành. Và trước mắt là phấn đấu nhanh chóng phục hồi năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ chế biến, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đã đề ra.
TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN